Tập làm văn là một trong những môn học quan trọng nhất trong chương trình Tiếng Việt. Thông qua bộ môn này, học sinh tiết lộ khả năng về ngôn ngữ, từ vựng, cách đặt câu, diễn, trí tưởng tượng, sự sáng tạo của mình, đôi lúc là cả tâm lý.
Mới đây, một bài tập "Đặt câu với một từ phức" của một học sinh tiểu học sau khi được chia sẻ đã ngay lập tức gây bão mạng xã hội. Theo đó, Đề bài yêu cầu gạch dưới các từ phức trong đoạn thơ, sau đó đặt câu với một từ phức tìm được.
Một trong những từ phức mà em học sinh gạch chân là từ "cuộc sống". Sau đó, em này đặt ngay một câu như sau: "Cuộc sống là vậy, chết là hết".
Ảnh: Internet
Nhìn vào đáp án, ngay lập tức cô giáo đã để lại lời phê "Con chú ý cách đặt câu". Bởi đáp án của học trò rất tiêu cực, không ai nghĩ một học sinh tiểu học lại trả lời, đặt câu bi quan đến thế.
Những bài văn tưởng chừng không có gì, nhưng đó rất có thể là cảm xúc thật sự của trẻ nhỏ. Ở độ tuổi tiểu học này, trẻ chưa thể hoàn thiện hết cả về thể chất lẫn tâm hồn, vì vậy luôn nhìn mọi sự vật, sự việc một cách đơn giản và ngây thơ. Nhưng cũng chính vì thế nên đã xảy ra không ít những tình huống đáng lo của trẻ nhỏ, có thể là tổn thương trong tình cảm gia đình, khó khăn trong học tập, tâm lý bất ổn.
Do đó khi nhận thấy các em học sinh xuất hiện điều bất thường, thầy cô và phụ huynh cần kịp thời chú ý để tìm ra nguyên nhân, từ đó can thiệp kịp thời và đưa ra cách giải quyết hợp lý để bình ổn tâm lý cũng như hạn chế cảm xúc tiêu cực của trẻ. Việc quan tâm một cách tinh tế, từng chi tiết nhỏ sẽ giúp các em có thể vui tươi, hồn nhiên với đúng lứa tuổi của mình.
Dưới bài viết là rất nhiều bình luận:
- Nên quan tâm, hỏi han học sinh xem bé có đang xảy ra chuyện gì. Hoặc có chuyện gì không vui.
- Trẻ em ngây ngô lắm, nên rất có thể đó chính là cảm xúc của em ấy ngay lúc đấy.
- Đặt câu xong thấy em ấy trải đời quá đi.
1. Khái niệm từ phức
Từ đơn là từ do một tiếng có nghĩa tạo nên. Từ phức là từ do hai hoặc nhiều tiếng tạo nên. Ghép từ các tiếng giống nhau hoặc khác nhau tạo thành một từ có nghĩa.
Ví dụ: Cuộc sống, đất nước, vui vẻ...
2. Phân loại từ phức
Từ phức thường được chia làm 2 loại:
+ Từ ghép: Bao gồm 2 tiếng trở lên kết hợp với nhau. Ví dụ: nhà ở, xe cộ, ruộng vườn, giao thông… Từ ghép lại được phân loại cụ thể hơn đó là từ ghép phân loại và từ ghép tổng hợp.
+ Từ láy: Cấu tạo từ 2 tiếng có mối quan hệ về âm thanh tạo thành. Cụ thể mục đích của từ láy giúp câu chữ văn hoa uyển chuyển hơn, đồng thời thêm sự nhấn nhá thích hợp.
Ví dụ: long lanh, nhấp nháy, đo đỏ...