Tai nạn xảy ra rạng sáng ngày 8/8/2015, Dương Minh Phát khi ấy được 11 ngày tuổi. Cậu bé sốt, ho, viêm phổi nên được mẹ đưa đến điều trị nội trú tại BV. Đa khoa Vĩnh Long. Khoảng 3h sáng, khi hai mẹ con đang ngủ say thì một người phụ nữ tâm thần lẻn vào phòng bệnh, dùng con dao bầu vấy bẩn, đâm thẳng vào đầu.
Chị Võ Thị Hồng Duyên, mẹ của bé, phát hiện thì con dao khi ấy đã cắm sâu vào đầu của bé. Kẻ xấu bỏ chạy, chị Duyên ôm con kêu cứu. Con dao vẫn còn cắm sâu lút cán trong hốc mắt của bé Phát, nạn nhân ngay sau đó được sơ cứu trước khi chuyển về tuyến trên.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau đó, tiếng còi xe cấp cứu chuyển Phát đã vang dậy trước cổng BV. Nhi Đồng 1 (TP.HCM), bệnh nhi được chuyển thẳng vào phòng cấp cứu. ThS.BS. Phạm Thị Thanh Tâm.
Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, một trong những người có mặt đầu tiên cho biết, ngay khi nhận được thông tin từ bệnh viện tuyến dưới, BV. Nhi Đồng 1 đã khởi động quy trình báo động đỏ, huy động tất cả các chuyên khoa và những bác sĩ giỏi nhất có mặt để đón bệnh nhi.
“Khi đến nơi, dù da vẫn còn hồng nhưng bé đã mê man, con dao vẫn còn cắm sâu. Thăm khám cho thấy bé bị rỉ máu mang tai và đỉnh đầu, vết thương thấu sọ. Con dao dài 28cm, phần thân dao 18cm và phần cắm vào 11cm”, bác sĩ Tâm kể.
Ca mổ rút con dao khỏi sọ bé Phát
ThS.BS. Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV. Nhi Đồng 1, người trực tiếp thực hiện ca mổ cấp cứu, cho biết vết thương xuyên từ thành trong hốc mắt trái, chệch hướng lên xuyên não phía phải. Lưỡi dao xuyên gần hết vào não. Đây là lần đầu trong đời làm bác sĩ, ông tiếp nhận trường hợp bé sơ sinh bị đâm xuyên sọ nghiêm trọng như vậy.
“Qua thăm khám, chúng tôi xác định chấn thương rất phức tạp nên đã chỉ đạo tập trung tất cả các trưởng khoa để lên kế hoạch điều trị. Khó khăn lớn nhất nếu phẫu thuật là lưỡi dao đi quá sâu, gây tổn thương quá nhiều mô não, khả năng liệt tay và suy hô hấp tử vong trên bàn mổ là rất cao”, BS. Hiếu nói.
Ca phẫu thuật nín thở, căng thẳng bắt đầu lúc 10h30 ngày 8/8/2015 với êkíp hơn 10 bác sĩ đủ các chuyên khoa và phẫu thuật viên giỏi nhất, BS. Hiếu là người mổ chính. Các bác sĩ cắt vùng xương sọ vùng trán thì phát hiện sọ vùng trán nứt vỡ, màng cứng bị tổn thương vùng não khiến mô não chực trào.
Kiểm tra nhãn cầu cho thấy mắt trái may mắn không bị tổn thương. Phần dao dần lộ sau đường mổ, việc rút lưỡi dao được tiến hành trong khoảng 5 phút. Cả êkíp vừa làm vừa lo tình trạng máu tuôn không kiểm soát.
Tuy nhiên may mắn, điều lo lắng đã không xảy ra. Bé chảy máu ở mức độ kiểm soát. Ca mổ hoàn tất sau hơn 3 giờ phẫu thuật, con dao đã được đưa ra ngoài thành công, tay chân của bé vẫn co duỗi, tuy nhiên vùng não bị thương tổn ở khu vực có thể gây liệt nên phải chờ thêm một thời gian nữa mới có thể đánh giá chính xác di chứng. Bé đang được hồi sức và chăm sóc đặc biệt.
Hình ảnh chẩn đoán lúc bé nhập viện với con dao xuyên sọ
Chiều 14/8/2015, tức 6 ngày sau khi phẫu thuật và được chăm sóc đặc biệt, các bác sĩ và điều dưỡng của BV. Nhi Đồng 1 vui mừng thông báo Dương Minh Phát đã có thể tự thở, không còn co giật như những ngày trước đây. Các chỉ số hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa khá ổn định.
Bệnh nhi được truyền sữa của mẹ kèm với sữa công thức và mọi thứ diễn ra rất tốt đẹp, bệnh nhi không cần phải dùng các loại kháng sinh, tình trạng nhiễm trùng không thấy xảy ra như lo lắng ban đầu tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần phải được chăm sóc và theo dõi sát với êkíp trực bên giường bệnh.
Sáng 18/8/2015, một tin vui nữa lại được các bác sĩ thông báo sau khi các kết quả kiểm tra cho thấy, sau 9 ngày phẫu thuật, các chức năng hô hấp, tuần hoàn và tiêu hóa của bé hoàn toàn ổn định.
Điều quan trọng hơn cả là bé có thể cử động chân tay bình thường. Phản xạ của bé như mọi đứa trẻ sơ sinh bình thường. Vết mổ vẫn còn được băng bó trên trán nhưng Phát bú khoảng 8 lần, mỗi lần khoảng 45 ml. Bé phát triển toàn diện khá tốt, trông bụ bẫm hơn cả những bé sơ sinh khác
ThS.BS. Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện, người trực tiếp rút dao ra khỏi não của bé, cho biết: mọi thứ tiến triển tốt đẹp hơn cả mong đợi. Khối máu tụ trong vùng não bị tổn thương không loang ra thêm, tình trạng nhiễm trùng cũng không xuất hiện.
Đặc biệt, mắt bên trái vùng bị dao đâm đã mở tốt, chứng tỏ nhãn cầu không bị tổn thương, các phản ứng tốt tương tự như mắt còn lại.
Còn theo TS.BS. Lê Bích Liên, Phó giám đốc BV. Nhi Đồng 1, đây là trường hợp hồi phục sau phẫu thuật thần kinh sơ sinh thần kỳ và ngoạn mục. “Cả bệnh viện đã cố gắng hết sức trong việc chăm sóc hồi sức hậu phẫu, tuy nhiên bản thân bé cũng đã rất cố gắng để có thể vượt qua”, BS. Liên nói.
Ngày 27/8, sau 20 ngày nhập viện, bé Dương Minh Phát được các bác sĩ đánh giá đủ sức khỏe để có thể xuất viện. Các kết quả kiểm tra cho thấy vùng não bị dao đâm vào đã lành lặn, nỗi lo nhiễm trùng vết thương đã may mắn không xảy ra.
Kiểm tra điện não đồ cũng cho thấy não của bé ổn định. Bác sĩ cũng cho biết, bé bú khỏe, hay cười. Sức khỏe hoàn toàn ổn định đủ khả năng để xuất viện.
Kết quả chẩn đoán cũng cho thấy hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết của bé hoàn toàn bình thường. Chúc mừng bé và gia đình, TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV. Nhi đồng 1, hoan nghênh các đồng nghiệp các khoa và đồng nghiệp từ Bệnh viện 115 (TP. HCM) đã hỗ trợ để giúp bé thoát hiểm.
Rời bệnh viện cùng mẹ trở về quê nhà ở Vĩnh Long sau khi đã được phẫu thuật cứu sống ngoạn mục, tuy nhiên bé Phát vẫn được các bác sĩ quan tâm từ xa và hẹn tái khám theo định kỳ.
Trước khi lên xe về quê, chị Hồng Duyên mẹ của bé đã được các bác sĩ căn dặn cách chăm sóc và kỹ năng phát hiện kịp thời khi thấy bé có những biểu hiện bất thường. Gánh nặng còn lại trong việc chăm sóc bệnh nhi đặt trọn vào tình thương của người mẹ.
Bé khỏe mạnh bên mẹ
3 ngày sau khi trở về nhà, gia đình cho biết sức khỏe của bé ổn định. Anh Dương Minh Tiền, bố của bé vui mừng gọi điện thông báo cho bác sĩ biết con trai rất ngoan, thích được tắm, đặc biệt thích âm thanh phát ra từ TV và tiếng nhạc từ máy điện thoại của bố.
Căn chòi lợp lá dừa đơn sơ tại ấp Cầu Ván, xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, chiếc giường duy nhất của gia đình cho cậu con trai vừa thoát chết trở về. Theo lời của các bác sĩ, bé Phát sẽ được cho bú sữa mẹ kèm sữa công thức nếu sữa mẹ thiếu. Mục tiêu đề ra là bé phải tăng từ 3,7kg khi xuất viện lên 4kg vào ngày tái khám sau đó 2 tuần.
Tháng 10/2015, gần 2 tháng sau khi xuất viện, những biến chứng đầu tiên đã xuất hiện, cổ của bé thường xuyên nghiêng sang một bên kèm chảy nhiều nước mắt. Một tháng sau đó, chân và tay trái của bệnh nhi yếu hơn phía còn lại.
Đến tháng 12/2015, bé phải được mổ lần thứ hai do các kiểm tra cho thấy não có dấu hiệu nhiễm trùng.
Đầu tháng 1/2016, bệnh nhi tiếp tục trải qua một ca đại phẫu để điều trị biến chứng não úng thủy. Ca mổ diễn ra trong sự lo lắng của cả bác sĩ lẫn gia đình, tuy nhiên thần may mắn một lần nữa mỉm cười khi chỉ vài ngày sau khi phẫu thuật, bé Phát khỏe mạnh trở lại và được xuất viện trở về nhà.
Kể từ sau khi mổ lần 3, sức khỏe của Phát khá hơn hẳn, bé bú tốt, tập ăn dặm, tính tình vui vẻ, hay cười với mọi người. Tuy nhiên so với những bé khác, Phát có biểu hiện chậm biết nói và chậm biết đi. Lo lắng cho con trẻ, người mẹ đưa con đi tái khám.
Kết quả kiểm tra tổng thể cho thấy Phát khỏe mạnh, không co giật, không động kinh như bác sĩ lo ngại sau những lần mổ sinh tử. Tuy nhiên do di chứng của vết dao đâm như dự liệu của các bác sĩ trong 3 năm đầu đời, bé hơi yếu ở phía trái người, đầu hơi niễng, chưa tự đi được và vẫn phải tập vật lý trị liệu thường xuyên.
Phát trong ngày sinh nhật cuối tháng 7
“May mắn sau lần được các bác sĩ tư vấn và hướng dẫn các bài tập tại nhà, con trai tôi đã tiến bộ hơn trước. Những lo lắng của vợ chồng tôi cứ ít dần đi khi thấy con khỏe mạnh. Lúc hơn 2 tuổi, con tôi bắt đầu biết nói và từ đó Phát nói nhiều hơn. Đến nay, mọi hoạt động của bé đã như những trẻ bình thường khác”, người mẹ nói.
Ngày cuối tháng 7, trong căn nhà được Mạnh Thường Quân giúp xây mới, nhìn con khỏe mạnh tươi cười bên chiếc bánh sinh nhật tuổi lên 3, vợ chồng chị Duyên một lần nữa xúc động rơi nước mắt bởi anh chị biết, ngoài phép màu diệu kỳ đã mang lại cho bé, thì sự hồi sinh của Phát chính là công sức của rất nhiều người.
“Vợ chồng tôi không thể nào quên được BS. Hiếu, BS. Tâm, BS. Trí, cử nhân Giao hay bác sĩ giám đốc BV. Nhi đồng 1 đã tận tâm cứu chữa. Gia đình cũng không thể quên được những tấm lòng đã sát cánh trong lúc khốn khó… Để cảm ơn và không phụ lòng mọi người, vợ chồng tôi dù nghèo khó vẫn hứa sẽ chăm sóc con thật tốt”, anh Tiền, bố của bé rưng rưng.