Trẻ em luôn có một trí tò mò vô hạn về mọi thứ xung quanh. Chúng có thể ghi nhớ những hình ảnh ấy và lưu giữ những gì mình nhìn thấy bằng nhiều cách sáng tạo khác nhau, trong đó có cả vẽ tranh hoặc làm văn. Dưới góc nhìn của trẻ, những sự vật, sự việc ngay trước mắt tưởng bình thường lại trở nên ngoài sức tưởng tượng của người lớn. Thế nên đôi khi trẻ sẽ phải khiến bạn bật cười vì những tình huống này đấy!
Một cậu bé 5 tuổi đang học mẫu giáo được cô giáo giao cho bài tập là quan sát thú cưng, vật nuôi của nhà mình và vẽ lại chúng thành một bức tranh hoàn chỉnh. Ở nhà, cậu nhóc này có nuôi một chú mèo nên tất nhiên đây cũng là nhân vật chính xuất hiện trong bức tranh. Đứa trẻ quan sát vô cùng tỉ mỉ chú mèo để mong thể hiện trên tranh sao cho thật nhất.
Đặc tính của mèo là lười biếng, chú mèo nhà cậu bé cũng y chang, chỉ thích nằm dài ra bàn để ngủ nên cậu bé cũng đem luôn khoảnh khắc này vào bức tranh của mình. Đứa trẻ này hăm hở vẽ chú mèo cưng nhà mình và mang đi nộp cho cô giáo.
Tuy nhiên vừa nhìn xong bức tranh, giáo viên đã thẳng thừng chê năng khiếu vẽ vời của cậu nhóc, cho rằng bức tranh và nét vẽ quá xấu, không giống con mèo thật ngoài đời chút nào cả. Em còn bị phê bình vì đã làm bài tập cô giao thiếu nghiêm túc, không thực sự chú tâm hay dành thời gian nhiều cho việc vẽ tranh.
Tất nhiên, đứa trẻ đã thanh minh ngay với cô rằng mình đã quan sát con mèo rất kỹ, chăm chú xem hành động của thú cưng và vẽ lại sao cho giống nhất. Nói tới đây cô giáo chỉ càng thêm tức giận và chẳng tin lời học trò.
Về đến nhà, cậu bé kể lại nỗi ấm ức vì bị cô giáo chê trách do không vẽ con mèo như bình thường. Nghe tới đây, phụ huynh đã ngay lập tức chụp ảnh chú mèo cưng nhà mình ở ngay vị trí nó hay thích nằm rồi gửi cho cô giáo. Thì ra con mèo lười này đã nằm trong tư thế ườn dài người từ một vị trí trên cao để cái đuôi to và nhiều lông lủng lẳng xuống dưới trông rất... vuông góc.
Thấy bức ảnh này, cô giáo đã nhận ra mình đã trách lầm cậu bé. Thì ra đứa trẻ đã rất tỉ mỉ để quan sát và vẽ lại chú mèo nằm trên cao với tư thế kỳ lạ kia thật. Cô giáo sau đó cũng đã phải gửi lời xin lỗi tới học trò của mình.
Có thể thấy, khi trẻ làm bất cứ công việc nào, nếu được người lớn động viên, khuyến khích, trẻ sẽ tự tin hơn để tiếp tục sáng tạo. Nhưng không phải ai cũng hiểu được điều này và thường bĩu môi, chê bai trẻ khi thấy các em vẽ, viết hay nghĩ ra những thứ không tưởng. Thay vì những thái độ đó, phụ huynh nên:
1. Chú ý lắng nghe hơn
Trẻ có suy nghĩ của riêng mình, khi các em bộc lộ những điều này, người lớn thường cho rằng các em đang nói những điều không thực tế và phớt lờ. Thay vào đó, bạn nên hỏi trẻ xem trẻ đang nghĩ, hãy lắng nghe tiếng nói bên trong của trẻ nhiều hơn và đừng vội chỉ trích trẻ.
2. Tôn trọng biểu hiện của trẻ
Dù còn nhỏ nhưng trẻ cũng cần được tôn trọng. Khi trẻ thể hiện cảm hứng sáng tạo của mình, hãy đảm bảo giữ thái độ tôn trọng đối với trẻ. Cha mẹ hiếm khi coi con cái là bạn, và họ thậm chí còn ít cho con cái họ lời khuyên hoặc góc nhìn quan điểm của một người bạn. Do đó, hãy thể hiện sự tôn trọng với trẻ bằng cách đưa ra những lời khuyên chân thành, đừng quá áp đặt.
3. Khen nhiều, chê ít
Khả năng về tư duy, sáng tạo hay các khả năng khác của trẻ chỉ đang trong quá trình hoàn thiện, trẻ sẽ làm mọi điều dưới ánh mắt ngây ngô và trong sáng của mình và có thể những gì các em làm ra chưa đủ tốt. Song hãy đặt góc nhìn của mình vào trẻ, đừng đánh giá chúng dựa trên góc nhìn của người lớn. Sau khi trẻ học cách quan sát, dù sự sáng tạo của trẻ dưới hình thức nào, dù điều đó đó là gì thì trẻ cũng đã rất nỗ lực, xứng đáng với những lời khen hơn là chê bai.
Theo Sohu