Catalonia đòi quyền độc lập từ Tây Ban Nha, chuông báo động cho châu Âu

Quốc Vinh |

Khu vực phía Đông Bắc giàu có của Tây Ban Nha đang quyết tâm tiến hành cuộc trưng cầu dân ý độc lập vào ngày 1/10.

Tây Ban Nha đang đối mặt với khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, khi chính quyền xứ Catalonia (Catalan) - khu vực phía Đông Bắc giàu có nước này quyết tâm tiến hành cuộc trưng cầu dân ý độc lập ngày 1/10.

Bất chấp những nỗ lực ngăn chặn từ Chính phủ Tây Ban Nha, chính quyền xứ Catalonia vẫn quyết tâm thực hiện cuộc trưng cầu về việc rời khỏi Tây Ban Nha để trở thành một quốc gia tự chủ hoàn toàn. Tòa án Hiến pháp ở Madrid đã ra quyết định cấm người dân khu vực tiến hành bỏ phiếu khi cho rằng, đây là hành động vi hiến.

Xung đột giữa chính quyền địa phương ở Barcelona và Chính phủ Tây Ban Nha ngày càng trở nên gay gắt trong thời gian qua, với một số quan chức Catalan cấp cao tham gia vào công tác tổ chức trưng cầu bị bắt giữ, trong khi hàng loạt các cuộc biểu tình bùng nổ ở thủ phủ Barcelona và nhiều thị trấn khác.

Catalonia là một khu vực giàu có ở phía Đông Bắc Tây Ban Nha - một trong 17 tỉnh tự trị, được điều hành bởi một chính quyền tách biệt, có chính sách y tế, giáo dục và thuế riêng. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, các chính trị gia ủng hộ độc lập ở xứ này cho rằng, họ đang phải đóng góp quá nhiều tiền thuế cho Madrid. Tiền của Catalonia được dùng trang trải cho những khu vực nghèo khổ, lười biếng, sống nhờ vào trợ cấp của Chính phủ một cách không hợp lý.

Xứ Catalonia chiếm khoảng 16% dân số Tây Ban Nha, nhưng lại đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất và tài chính của đất nước, khi nắm tới 20% sản lượng kinh tế.

Giới chính khách Catalan cho rằng, họ là một quốc gia đúng nghĩa với lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ riêng, do đó, tài chính cần phải được độc lập khỏi Tây Ban Nha. Nói một cách đơn giản hơn, Catalonia làm ra được nhiều tiền và họ muốn tự quản lý số tiền của mình, thay vì chia sẻ cho những nơi khác.

Trong lịch sử, Catalan đã từng là một thực thể riêng biệt và chỉ trở thành một phần của Tây Ban Nha từ thế kỷ XV. Trải qua nhiều thế kỷ gắn bó, nhưng ngôn ngữ và văn hóa của xứ này vẫn được giữ nguyên vẹn.

Người Catalan từng bị đàn áp dã man dưới chế độ phát xít của Francisco Franco khi bị cấm thể hiện văn hóa và ngôn ngữ riêng. Dẫu vậy, tư tưởng ủng hộ độc lập vẫn rất mạnh ở Catalonia cho đến cả thời điểm hiện tại.

Catalonia đòi quyền độc lập từ Tây Ban Nha, chuông báo động cho châu Âu - Ảnh 1.

Là khu vực giàu có vùng Đông Bắc, xứ Catalonia không muốn tiếp tục phụ thuộc vào Chính phủ Tây Ban Nha.

Catalonia lần đầu tiên được trao quyền tự chủ hạn chế chính thức vào đầu thế kỷ 20. Sau cái chết của Franco và sự ra đời của một chính quyền dân chủ ở Tây Ban Nha - bản sắc văn hóa độc đáo xứ Catalonia được chính thức công nhận.

Các cuộc bầu cử và hợp thức hóa chính quyền tự trị, Catalonia sau nhiều năm đã trở thành cộng đồng thịnh vượng và quan trọng bậc nhất cả nước, với trung tâm văn hóa, du lịch, kinh tế nổi tiếng Barcelona.

Việc đẩy mạnh quyền tự trị Catalan đã tồn tại từ thế kỷ 20 và tăng tốc với sự ra đời của nền dân chủ trong những năm 1970, nhưng một phong trào độc lập toàn diện Catalan chỉ thực sự phát triển sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 và 2008.

Catalonia đã tổ chức một cuộc trưng cầu mang tính biểu tượng vào năm 2014 , trong đó 80% cử tri ủng hộ ly khai hoàn toàn. Trong khi cuộc trưng cầu ngày 1/10 được chính thức đưa ra bởi chính quyền và cơ quan Nghị viện của xứ Catalan.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố phản đối mọi hành động gây ra sự chia cắt đất nước mà Catalonia đang hướng đến khi gọi đây là "động thái không thể chấp nhận" và cam kết sẽ làm mọi thứ trong quyền lực của ông để ngăn chặn việc bỏ phiếu diễn ra.

Ông Rajoy viện dẫn Hiến pháp 1978 của Tây Ban Nha trong đó quy định rõ sự toàn vẹn và gắn kết các khu vực trên đất nước là bất biến, mọi cuộc trưng cầu ly khai đều không được cho phép, để lý giải cho sự phản đối của mình.

Trước khi cuộc trưng cầu diễn ra một tuần, Madrid đã lên kế hoạch triển khai 4.000 cảnh sát tới Catalonia kiểm soát tất cả các điểm bỏ phiếu với quyết tâm không để khu vực này đạt được mục đích

Nhà chức trách Tây Ban Nha đã bắt giữ ít nhất 14 quan chức Catalan, bao gồm Josep Maria Jove, Bộ trưởng Kinh tế của chính quyền tự trị. Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại Barcelona, thành phố lớn nhất của khu vực với những người biểu tình hô vang "Chúng tôi sẽ bỏ phiếu!".

"Tác động đến từ việc (nếu) Catalonia rời khỏi Tây Ban Nha đối với nền kinh tế là vô cùng lớn", chuyên gia Oliver Jones từ công ty Capital Economics đánh giá. "Tuy nhiên, do những rào cản chính trị và pháp lý để ly khai xứ Catalan, dù kết quả trưng cầu như thế nào, có thể Madrid sẽ thỏa hiệp bằng cách trao thêm quyền tự chủ hơn, thay vì chấp nhận yêu cầu độc lập của xứ này".

Quyết tâm rời bỏ Tây Ban Nha của xứ Catalonia một lần nữa khiến châu Âu cảm thấy lo ngại về phong trào đòi quyền độc lập tăng cao trong vài năm trở lại đây.

Trước đó, vào năm 2014, sau một cuộc thỏa thuận giữa Chính phủ Scotland và Chính phủ Liên hiệp Anh, một cuộc trưng cầu dân ý Scotland độc lập đã diễn ra với tỷ lệ cuối cùng có 55% số người được hỏi đã chọn ở lại.

Scotland đang lên kế hoạch đề nghị Chính phủ Anh tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về việc nước này độc lập vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019, một động thái London cho rằng có thể gây chia rẽ, bất ổn trên toàn châu lục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại