Mùng 2 Tết Nguyên đán, Lưu Binh muốn đổi cho mình kiểu tóc mới, song vì “quả đầu quá cháy” nên đã bị ông cậu phê bình. Hai người cãi nhau một trận to, Lưu Binh nóng giận đã một lần nữa ra tiệm chỉnh lại kiểu tóc của mình để không còn bị người nhà nói ra nói vào.
Cắt tóc xong, Lưu Binh tụ tập ăn uống với bạn bè. Sang ngày hôm sau, anh tá hóa khi nghe tin cậu đã qua đời trong một vụ tai nạn xe.
Lưu Binh vội vàng chạy qua nhà cậu. Bà mợ nhìn thấy kiểu tóc mới của anh liền nổi trận lôi đình. Bà nói tháng Giêng Âm lịch không được cắt tóc, trách cứ cháu trai không làm theo lời người lớn mà tự tung tự tác, khiến gia đình chìm trong tang thương. Hai người phát sinh mâu thuẫn, bà mợ còn tuyên bố sẽ đến đồn công an tố cháu trai mình tội cố ý giết người.
Lưu Binh muốn nói cũng nói không lại bà mợ này, anh không ngờ chỉ vì hành động đi cắt tóc của mình mà lại rước về quá nhiều rắc rối như vậy.
Điều càng khiến người ta không ngờ hơn là, sau khi lo xong hậu sự cho chồng, bà mợ đã mời một thầy pháp đến cho lời khuyên. Người này nói rằng Lưu Binh rõ ràng biết “tháng Giêng không được cắt tóc” mà vẫn cố ý làm ngược lại, mang đến vận xui cho gia đình, khiến ông cậu uống say trong đêm rồi gặp tai nạn.
Bà mợ nghe lời thầy pháp, càng kiên quyết hơn với suy nghĩ kiện cháu trai Lưu Binh ra tòa. Sau đó, bà đã đến đồn cảnh sát tố Lưu Binh cố ý giết người, yêu cầu cảnh sát lập tức bắt anh ta ra tòa chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời bồi thường 1 triệu NDT (hơn 3,4 tỷ đồng).
Vụ việc này đến gần đây mới được đem ra xét xử. Tòa án cho rằng nguyên nhân tai nạn xe chính là do nạn nhân có nồng độ cồn trong người, không liên quan gì đến việc Lưu Binh đi cắt tóc. Cuối cùng, tòa án bác bỏ đơn tố tụng của mợ Lưu Binh, kết quả này cũng xem như cho chàng trai một sự công bằng chính đáng.
Về cách nói “tháng Giêng không được cắt tóc”, niềm tin trong dân gian này không hề có bằng chứng khoa học. Theo quan niệm của nhiều địa phương ở Trung Quốc, đặc biệt là vùng nông thôn, người ta tin rằng nếu cắt tóc trong tháng Giêng sẽ mang đến vận xui vì thời xưa cắt tóc chỉ xảy ra khi có tang sự và tình huống đoạn tuyệt quan hệ. Từ dó quan niệm này đã trở thành một tập tục.
Song cùng với sự phát triển của thời đại, tập tục này dần trở nên mờ nhạt, người hiện đại không còn chú trọng đến những suy nghĩ lạc hậu của thế hệ trước, cho rằng đó chính là mê tín dị đoan.
Thông qua vụ việc “mợ kiện cháu trai vì cắt tóc khiến cậu qua đời”, tòa án địa phương cũng lên tiếng nhắc nhở mọi người rằng tập tục truyền thống tuy có giá trị văn hóa và lịch sử riêng, nhưng không thể mê tín một cách mù quáng và quá độ. Chúng ta nên lấy tinh hoa và loại bỏ sự xấu xí và biến tướng, phát huy những phong tục phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Đồng thời, chúng ta cũng không thể dùng những gông cùm gắn mác đạo đức để trói buộc người khác. Nói cho cùng, pháp luật chỉ nói lý, chứ không phải chỗ để giảng đạo và mê tín dị đoan.
Vụ việc đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng nước này, nhiều người lên tiếng:
“Tôi vẫn làm theo quan niệm này, bố mẹ ông bà đều dặn dò như vậy, có kiêng có lành”.
“Cả nhà tôi đều giữ đúng tập tục này, chỉ là việc bà mợ kia kiện cháu trai như vậy thì quá vô lý”.
“Uống say rồi tham gia giao thông, đến khi gây tại nạn mất mạng thì đổ lỗi cho người khác. Thật không thể tin được”.
Nguồn: 163