Cất công "đi ngàn dặm" tới Mỹ, ông Erdogan vẫn không được ông Trump giúp "giải độc" S-400?

Quốc Vinh |

Bế tắc S-400 sẽ không được Tổng thống Trump giải quyết trong cuộc gặp với người đồng cấp Erdogan mà là một dịp khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang họp tại Nhà Trắng để thảo luận về mối quan hệ bị tổn hại bởi một số vấn đề lớn gần đây.

Mặc dù Mỹ có lập trường cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chiến dịch ở Syria, một số nhà phân tích dự đoán rằng ông Trump có thể thảo luận về việc giảm bớt áp lực với ông Erdogan trong cuộc đàm phán lần này.

Giới phân tích đã đưa ra một số bình luận về chủ đề mà hai bên sẽ cùng tham gia giải quyết.

S-400 và F-35

Tổng thống Trump có thể đưa ra "cách tiếp cận doanh nhân" đối với vấn đề làm sứt mẻ mối quan hệ giữa hai quốc gia kể từ tháng 12/2017 - thương vụ hệ phòng không S-400 hiện đại của Nga, nhà phân tích Ali Demirdas từ Đại học South Carolina nêu quan điểm.

Quốc hội Mỹ trước đó đã cấm Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay tàng hình F-35 và đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc mua hệ thống phòng không của Nga.

Nhưng theo nhà phân tích Demirdas, Tổng thống Trump có thể cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ một cách thức quay trở lại chương trình F-35 mà không phải từ bỏ S-400. Nhà phân tích này cho rằng, sẽ là có lợi đối với Mỹ khi bán các máy bay chiến đấu trị giá hơn 100 triệu USD mỗi chiếc cho Thổ Nhĩ Kỳ thay vì từ chối.

Theo đó, ông Trump sẽ tạm thời án binh bất động cho đến sau cuộc bầu cử năm tới. Trong trường hợp đắc cử vào tháng 11/2020, ông sẽ bắt tay vào giải quyết vấn đề F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù Quốc hội Mỹ có thể sẽ cản trở ông, Demirdas nói thêm.

Hạn chế quan hệ với Nga

Trong cuộc họp với ông Erdogan, Tổng thống Mỹ có khả năng sẽ nỗ lực ngăn chặn mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Ankara và Moscow, Matthew Hoh, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách Quốc tế của Mỹ cho biết.

Cất công đi ngàn dặm tới Mỹ, ông Erdogan vẫn không được ông Trump giúp giải độc S-400? - Ảnh 2.

Mỹ dường như ngầm tán thành chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

Đồng thời, Tổng thống Trump sẽ cố gắng ngăn Thổ Nhĩ Kỳ đi quá xa khỏi Mỹ vì đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào sự hiện diện địa chính trị của Mỹ ở Trung Đông, nhà phân tích Demirdas nêu quan điểm.

Ông nhận định rằng, nếu Washington tiếp tục gây áp lực lên Ankara, thì sau này họ sẽ phải cân nhắc về việc có giữ lại lực lượng của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ hay không - điều mà Mỹ dường như sẽ bị tổn hại rất lớn.

Đáng chú ý, tờ Washington Post trích dẫn nguồn giấu tên cho biết, trong cuộc hội đàm lần này, ông Trump sẽ đưa ra "giải pháp" giúp Ankara tránh các lệnh trừng phạt mà Washington sẽ áp đặt đối với Ankara khi mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Chiến dịch tại Syria

Một trong những điểm chính trong cuộc đàm phán Trump-Erdogan sẽ là chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, chuyên gia Hoh nhấn mạnh. Ông đặc biệt lưu ý rằng, Tổng thống Trump có thể thảo luận với Ankara về kế hoạch kiểm soát các khu vực giàu dầu mỏ của Syria và cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối các kế hoạch này.

Nhà phân tích Demirdas cho rằng, ông Trump có khả năng ngầm tán thành hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria chống lại người Kurd.

Nhà phân tích lưu ý, điều kiện tiên quyết duy nhất của ông Trump đối với sự chấp thuận này sẽ là các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ phải chấp nhận tiến vào một "vùng an toàn" được Mỹ chỉ định.

Điều tra Halkbank và dẫn độ giáo sĩ Gulen

Hai tổng thống cũng có thể thảo luận về cuộc điều tra đang diễn ra của Mỹ đối với Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ, ngân hàng mà Washington nghi ngờ hỗ trợ Iran bán dầu và tránh các lệnh trừng phạt.

Các công tố viên Mỹ đã cáo buộc các hành vi nói trên đối với ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/10. Về phần mình, Tổng thống Erdogan đã lên tiếng phản ứng dữ dội, gọi các cáo buộc này là "xấu xí" và "ghê tởm", tuyên bố sẽ thảo luận vấn đề với ông Trump trong cuộc gặp.

Một điểm đáng quan tâm khác của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là việc dẫn độ Fethullah Gulen, giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc đứng đằng sau dàn dựng cuộc đảo chính chống lại chính quyền Tổng thống Erdogan vào năm 2016.

Tuy nhiên, nhà phân tích Demirdas lưu ý rằng ông Trump khó có thể nhượng bộ các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giao lại nhân vật này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại