Đây là câu chuyện của chị Thiên Phương (29 tuổi, Hải Phòng). Chị cho biết, trong suốt một thời gian dài, 2 vợ chồng chị vẫn chưa quyết được chuyện ly hôn. Đặc biệt, sau vụ việc bé 12 tuổi nghi bị xâm hại, chồng chị lại càng quyết liệt dành quyền nuôi con.
"Tôi và chồng đã sống ly thân được hơn 1 năm nay. Chúng tôi chưa quyết được việc ly hôn do chưa thoả thuận được về vấn đề nuôi con.
Chúng tôi có 1 cô con gái năm nay hơn 3 tuổi và tôi mong muốn sẽ được chăm sóc cháu để bù đắp tình cảm sau khi bố mẹ ly hôn. Vì tôi biết rất sớm thôi, chồng tôi sẽ lấy vợ khác. Tôi lo ngại việc con tôi phải sống trong cảnh 'mẹ ghẻ con chồng' sẽ thiệt thòi cho con.
Tuy nhiên, chồng tôi vẫn chưa đồng ý cho tôi nuôi con do nghĩ tới việc sau này tôi cũng kết hôn và sợ con sống với bố dượng sẽ có nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Qua vụ việc bé 12 tuổi tại Hà Nội nghi bị xâm hại nên có thai, chồng tôi lại càng cương quyết đòi quyền nuôi con", chị Thiên Phương chia sẻ băn khoăn.
Để giải đáp những vướng mắc về chuyện ly hôn cho chị Thiên Phương, chúng tôi đã nhờ tới sự tư vấn của chuyên gia tâm lý học Phan Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em (thuộc Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ).
Theo đó, vị chuyên gia tâm lý học cho biết, ai cũng muốn có một mái ấm có đủ cả bố và mẹ cho con. Việc ly hôn của bố mẹ là điều bất khả kháng với trẻ. Chắc chắn trẻ sẽ không mong muốn điều đó xảy ra. Nhưng người lớn không thể chiều lòng con để ép buộc sống chung cùng vợ/chồng khi cả 2 không còn tình cảm.
Khi chuẩn bị ly hôn, cha mẹ cần cho con quyền được biết và nói chuyện với con. Hãy cho con nói về mong muốn, nguyện vọng, cảm xúc của mình. Hãy hỏi con mong muốn điều gì ở bố mẹ khi hai người ly hôn.
Cha mẹ cũng cần chuẩn bị cho con về mặt tâm lý để con có thể sẵn sàng chấp nhận việc bố mẹ ly hôn. Nếu con đã lớn rồi thì chia sẻ thẳng thắn để con có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Với các bạn nhỏ, cha mẹ nên sử dụng các câu chuyện ví dụ để giúp con hình dung ra những cảm xúc hay hoàn cảnh mà bố mẹ đang trải qua. Điều này sẽ giúp cho con thấu hiểu hơn sự chia tay của bố mẹ.
Ví dụ, cha mẹ có thể hỏi con: "Ở trên lớp có bạn nào mà con không thích không? Con có muốn ngồi gần và nói chuyện với người bạn mà con không thích hay không? Nếu cho con ở cùng nhà với bạn ấy thì con cảm thấy thế nào?". Nếu câu trả lời của con là không, cha mẹ hãy lái tới câu chuyện của mình để con hiểu vì sao bố mẹ phải chia tay.
Cha mẹ cần nhớ, hãy luôn truyền tải thông điệp với con: "Dù cha mẹ có sống ở 2 nhà khác nhau thì vẫn yêu thương và chăm sóc cho con. Khi bố mẹ sống cách xa nhau sẽ không còn cãi cọ, vẫn yêu thương con thì con cảm thấy thế nào?". Cách thức nói chuyện đó sẽ giúp trẻ hiểu được bố mẹ và đỡ bị tổn thương tâm lý nhất.
Việc cha mẹ không chuẩn bị tâm lý trước khi ly hôn cho các con dễ xảy ra việc các con bị bất ngờ, hẫng hụt, trách cứ, hận thù bố mẹ… hoặc sống buông thả do tâm lý mất mát.
Chuyên gia Phan Thị Lan Hương cũng lưu ý, sau khi ly hôn, bố mẹ cũng cần phải ứng xử văn minh, không trách cứ bất cứ ai. Nữ chuyên gia chia sẻ bà có biết những trường hợp sau khi ly hôn mẹ quay sang trách cứ bố khiến con thù hận chính bố mình và điều này đã đẩy con xa cách với bố. Nếu trẻ là con trai ở độ tuổi vị thành niên sẽ rất cần người bố ở bên cạnh để dạy con sự mạnh mẽ. Nếu mẹ khiến con xa cách bố mình sẽ khiến trẻ sẽ phát triển không thực sự tốt.
Trường hợp cha mẹ sợ con bị xâm hại thì phải dạy cho con kiến thức về xâm hại, tìm kiếm sự giúp đỡ, kỹ năng khi con ở nhà một mình. Ngoài ra, trẻ cũng cần được học rất nhiều các kỹ năng khác trong cuộc sống.