Trong vòng 3 năm ngắn ngủi từ 2008 đến 2011, ông Trương Nghiễm Trụ 64 tuổi và bà Vương Chung Tân 61 tuổi - một cặp vợ chồng già bình thường sống ở Bắc Kinh, cả hai đã tự mình đi du lịch hàng chục quốc gia ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
Từ đó cái tên "Sixty Backpackers" đã trở thành một huyền thoại trong giới "du lịch ba lô". Những câu nói của Trương Nghiễm Trụ và Vương Chung Tân luôn xen lẫn tiếng cười mỗi khi họ kể về trải nghiệm đi du lịch vòng quanh thế giới. Có lẽ đó là tiếng cười chứa đựng niềm "hạnh phúc" do vợ chồng họ cùng tạo nên.
Trương Nghiễm Trụ 64 tuổi (phải) và vợ 61 tuổi Vương Chung Tân (trái) tại ngọn hải đăng Cape Agulhas, Nam Phi. (Ảnh Internet)
Du lịch tự túc, bất đồng ngôn ngữ nhưng vẫn mặc cả thành công
Dù đã có nhiều kinh nghiệm du lịch tự túc trong nước nhưng trước năm 2007, hai vợ chồng chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó giấc mơ đi vòng quanh thế giới sẽ trở thành hiện thực đối với họ. "Trước đây tôi không nghĩ đến việc ra nước ngoài theo tour du lịch tự túc, có lẽ vì tôi lo lắng về rào cản ngôn ngữ" - Vương Chung Tân cho biết.
Mặc dù trước chuyến đi, cả hai đã lên chiến lược chi tiết tuy nhiên vẫn không khỏi lo lắng. Thậm chí Trương Nghiễm Trụ còn dành ra 7-8 tiếng mỗi ngày để học thuộc các cụm từ tiếng Anh. Nhưng khi chuyến đi thực sự bắt đầu, Trương Nghiễm Trụ lại không thể nói được các cụm từ tiếng Anh trong sách: “Không hiểu sao đến lúc hỏi đường thì bản thân tôi lại chẳng thốt lên được lời nào.”
Tuy nhiên, mặc dù giao tiếp có chút khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, nhưng nó không bao giờ trở thành "rào cản". Chỉ cần tự tin thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết trong tích tắc. Có lần, hai vợ chồng tìm khách sạn ở Venice, ông chủ nói 90 euro một đêm. Mặc dù cả hai đều cảm thấy giá thuê như vậy là quá đắt, nhưng chỉ không thể nghĩ ra cách diễn đạt ý nghĩa của từ "rẻ", "giảm giá".
Không còn cách nào khác, Trương Nghiễm Trụ đành phải nói "Rẻ hơn !" bằng tiếng Trung Quốc và đồng thời ấn tay xuống từ cao xuống thấp để ra hiệu khiến ông chủ hiểu ra. Cuối cùng hai bên đã thỏa thuận thành công với mức giá 60 euro.
Sau chuyến du lịch vòng quanh 16 quốc gia châu Âu trong 88 ngày, “Sixty Backpackers” đã rút ra được bài học rằng du lịch nước ngoài không quá rắc rối như họ nghĩ. Và cuộc hành trình vòng quanh thế giới của hai người diễn ra suôn sẻ.
Họ đã ghé thăm và khám phá rất nhiều nơi như: Hoa Kỳ, Canada, Nepal, Brazil, Nam Phi, Argentina, Mexico, Úc … Càng đi càng xa, càng xa lại càng muốn đi. “Một khi đã đi thì không thể dừng lại”- Trương Nghiễm Trụ chia sẻ.
Rất nhiều người đều tỏ ra khó hiểu, tại sao sau khi về hưu không lựa chọn cuộc sống an nhàn, thoải mái mà lại phải tiêu xài hoang phí và làm những việc mệt mỏi như vậy? Tuy nhiên, hai vợ chồng khẳng định rằng: Đi du lịch vòng quanh thế giới đã mở rộng tầm nhìn và khiến họ trở nên trẻ trung hơn.
Trong chuyến đi, Vương Chung Tân từng bị ốm, sốt cao 40 độ C. Trương Nghiễm Trụ vừa chăm sóc vợ, vừa phải mang chiếc ba lô nặng mấy chục cân. “Nhìn anh ấy xách một cái túi nặng như vậy, tôi rất đau lòng. Muốn giúp anh ấy nhưng bản thân không còn chút sức lực nào. Thật tồi tệ.”
Ở Úc, cả hai đã kề vai nhau ngồi trên cánh đồng hoang dã, cùng nhau nướng khoai lang, thưởng thức cảnh đêm tuyệt đẹp với bầu trời đầy sao, cảm nhận một mối tình lãng mạn bình thường và giản dị nhất ...... Tất cả những khó khăn, rắc rối, những khoảnh khắc vui vẻ hạnh phúc đều được ghi lại bằng cả trái tim. Dường như sau một cuộc hành trình tuyệt vời, hai người họ lại ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Trước khi nghỉ hưu, Trương Nghiễm Trụ và Vương Chung Tân đều rất bận rộn tập trung cho sự nghiệp riêng của bản thân. Thậm chí họ từng sống xa nhau trong một khoảng thời gian khá dài. Cả hai người đều cảm thấy rằng cảm thấy rằng "Vợ chồng tuổi đã cao, chung sống với nhau nhiều năm như vậy rồi thì bây giờ còn gì để nói nữa đâu”. Kỳ diệu thay, khi bắt tay vào chuyến du lịch vòng quanh thế giới, họ thấy rằng “Giống như chúng tôi đã yêu lại từ đầu.”
Trong suốt chuyến đi, bất cứ khi nào xảy ra những cuộc cãi vã Trương Nghiễm Trụ sẽ sử dụng nhiều cách khác nhau để làm cho vợ vui vẻ. Ông dành hết thời gian để bên cạnh vợ, chăm sóc và trải nghiệm cảm giác hạnh phúc mà trước đây ông chưa từng cảm nhận được.
Du lịch bằng “nồi” để tiết kiệm tiền
Sau khi chuyến hành trình du lịch của “Sixty Backpackers” được mọi người biết đến, cư dân mạng đã hết lời khen ngợi sự bất chấp và dũng cảm khám phá thế giới của hai cụ già. Tuy nhiên, đằng sau rất nhiều lời khen ngợi và ngưỡng mộ, nhiều người đã bình luận bên dưới bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể thực hiện giấc mơ vòng quanh thế giới của mình.
Vậy điều gì đã trói chân chúng ta lại với thế giới, khiến ước mơ du lịch vòng quanh thế giới chỉ dừng lại ở một giấc mơ?
Rào cản ngôn ngữ, công việc bận rộn không có thời gian và hạn chế về tài chính là những nguyên nhân chủ yếu.
Thế nhưng cặp đôi "Sixtie Backpacker" đã vượt qua tất cả những khó khăn, rào cản hoàn thành được giấc mơ của đời mình. Để tiết kiệm tiền, họ luôn mang theo một chiếc nồi trong mọi chuyến đi của mình.
Chiếc nồi này đã thực sự tiết kiệm cho hai vợ chồng rất nhiều tiền ăn. Tuy nhiên, dù là tiết kiệm nhưng số tiền họ bỏ ra cho chuyến đi này đối với những người cao tuổi chỉ trông chờ vào lương hưu để duy trì thu nhập thì đây là số tiền không hề nhỏ.
Về vấn đề này, quan điểm của “Sixty Backpackers” gây sốc: “Bán nhà rồi chúng ta sẽ đi du lịch!”.
Không biết bắt đầu từ khi nào, trên mạng đang lưu truyền một đoạn văn đại loại như thế này: "Bán nửa mét vuông có thể đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan chơi một vòng; bán một hoặc hai mét vuông đã có thể đặt chân tới châu Âu và Hoa Kỳ; bán ba hoặc bốn mét vuông có thể đến những nơi huyền diệu hơn như Ai Cập và Nam Phi...chỉ sau vài năm bạn đã có thể khám phá hết mọi nơi trên thế giới. Nhưng lúc đó, có thể thế giới quan của bạn cũng đã thay đổi."
Đoạn văn này tuy nông cạn và thẳng thắn nhưng đã khiến vô số cư dân mạng thở dài ngao ngán vì ai cũng phải thừa nhận sự thật mà nó tiết lộ.
"Chúng ta không có quyền đánh giá sự lựa chọn của người khác. Đối với nhiều người, họ có quá nhiều gánh nặng cuộc sống khiến họ không thể thoải mái làm những điều mình muốn."
Vương Chung Tân kể lại rằng, ban đầu bà và người bạn đời của mình mạo hiểm đi du lịch thế giới vì cả hai muốn dành những năm cuối đời khám phá thế giới, tìm hiểu về các phong tục và văn hóa ở những vùng đất mới.
Họ không muốn ở nhà và trải qua tuổi già của họ trong yên bình và buồn chán. "Chúng tôi có thể hiểu những người có ước mơ đi du lịch thế giới nhưng chưa thực hiện bước đầu tiên vì họ có cách sống riêng. Nhưng chúng tôi chỉ muốn nói với họ rằng khi bạn chọn thực hiện ước mơ của mình, thì không có gì là trở ngại miễn là bạn có can đảm và tự tin! "
Tiểu Bằng- tác giả của "Mười năm ba lô" chia sẻ: "Tôi muốn nói với những người bạn trẻ sinh ra trong những năm 70, 80 và 90 rằng nên có một cách sống khác bên cạnh một chiếc xe hơi và một ngôi nhà." Đây cũng là thông điệp mà nhà văn Verne đã truyền tải cách đây hơn 100 năm: Bạn có thể không nhận được gì trong hành trình vòng quanh thế giới, ngoại trừ hạnh phúc!
Hành trình đáng nhớ của cả hai
Ngày 28 tháng 3 năm 2008 đến ngày 23 tháng 6 năm 2008: Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Đức, Cộng hòa Séc và 16 quốc gia châu Âu khác
Ngày 15 tháng 9 năm 2009 đến ngày 28 tháng 12 năm 2009: Hoa Kỳ, Mexico, Canada, Cuba
Ngày 17 tháng 7 năm 2010 đến ngày 2 tháng 8 năm 2010: Nga
Ngày 17 tháng 2 năm 2011 đến ngày 15 tháng 8 năm 2011: Nam Mỹ, Argentina, Brazil, Peru, New Zealand, Australia và 14 quốc gia Nam bán cầu khác
Trên trang blog của mình, “Sixty Backpackers” đã từng chia sẻ: “Đừng để bản thân bị bắt cóc bởi sự giàu có mà đánh mất hạnh phúc thực sự của cuộc sống.”
Trong cuộc sống, có vô số mục tiêu để lựa chọn, và có những đánh đổi để thực hiện. Để theo đuổi ước mơ của mình, bạn luôn phải từ bỏ một thứ khác, ngay cả khi chúng đầy cám dỗ.
Đối với chúng tôi, đi du lịch vòng quanh thế giới quan trọng hơn một ngôi nhà. Nhà cửa và của cải có thể mang lại hạnh phúc, nhưng không phải là hạnh phúc vô hạn.
Mối quan hệ giữa sự giàu có và hạnh phúc là tỷ lệ thuận ở một giai đoạn này và cũng là tỷ lệ nghịch ở một giai đoạn khác. Nếu bạn theo đuổi sự giàu có vượt quá điểm tới hạn, cảm giác hạnh phúc của bạn sẽ tiếp tục suy giảm, dần dần bạn sẽ đánh mất hạnh phúc và trở thành nô lệ cho tiền bạc.
Theo đuổi ước mơ của mình, sống cuộc sống mình muốn chính là chìa khóa của hạnh phúc.
Theo Baidu