Chiều 18/9 vừa qua, Sở Y tế có buổi họp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhằm thống nhất quan điểm tham mưu với UBND TP HCM về triển khai thí điểm áp dụng "thẻ xanh COVID-19" trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố.
Qua ý kiến trao đổi, Sở Y tế báo cáo quan điểm của ngành y tế về kế hoạch triển khai thí điểm "thẻ xanh COVID-19" trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố đã có tác động tích cực và khích lệ người dân đồng thuận tiêm chủng vắc xin. Do đó, kế hoạch này cần tiếp tục hoàn thiện để triển khai thí điểm trong thời gian tới.
Về chuyên môn y tế, "thẻ xanh COVID-19" được xem là một hình thức công nhận cho một người đã có miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2 nhờ đã tiêm vắc xin, hoặc mắc COVID-19 đã khỏi và đã hoàn thành thời gian cách ly.
Người có "thẻ xanh COVID-19" sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh hoặc nếu có sẽ giảm nguy cơ chuyển nặng. Tuy nhiên, người có "thẻ xanh COVID-19" không đồng nghĩa với xác nhận cá nhân sẽ không lây nhiễm virus cho người khác.
Về điều kiện để có "thẻ xanh COVID-19", chỉ cần tiêm ít nhất một mũi vắc xin (đối với vắc xin phải tiêm 2 mũi) và ở thời điểm ít nhất 2 tuần sau tiêm hoặc người đã mắc COVID-19 và có giấy công nhận đã hoàn thành thời gian cách ly do Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn cấp.
Tuy nhiên, người có "thẻ xanh COVID-19" vẫn phải tuân thủ 5K và làm xét nghiệm định kỳ theo quy định của Bộ Y tế (tần suất xét nghiệm phụ thuộc vào mức độ nguy cơ của các lĩnh vực, ngành nghề), thông tin trên báo Người lao động.
Nhiều chuyên gia ủng hộ quan điểm cấp thẻ xanh cho người tiêm một mũi vắc xin ở TP HCM. Ảnh minh họa.
Trao đổi với báo VnExpress về đề xuất trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ, cố vấn khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1) cho rằng ba yếu tố để thấy cộng đồng có miễn dịch mạnh là tỷ lệ cao được tiêm một mũi vắc xin (trên 70%), tỷ lệ chích hai mũi trên 30%, số người mắc bệnh và được điều trị khỏi cao. Ngoài ra, khi 70% nhóm nguy cơ cao được chích đủ hai mũi vắc xin là miễn dịch cộng đồng càng cao.
"Tỷ lệ tiêm một mũi của TP HCM rất cao nên cấp thẻ xanh cho những người này là rất hợp lý, để người dân còn ra đường lo kinh tế", bác sĩ Khanh nói. Ông cũng cho rằng những người tiêm một mũi đủ 14 ngày sống cùng với nhau, sống với người đã tiêm hai mũi và lượng lớn F0 đã khỏi bệnh, sẽ được bảo vệ tốt.
Ủng hộ đề xuất của TP HCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam) cho rằng người tiêm vắc xin mũi một sau hai tuần đã có miễn dịch để bảo vệ và kéo dài từ ba đến 4 tháng.
Do đó, trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh, vắc xin còn ít thì chủ trương phủ rộng mũi một để nhiều người tiêm là phù hợp. Nhờ đó, người dân có miễn dịch để bảo vệ mình vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và nếu mắc thì nguy cơ trở nặng và tử vong thấp hơn.
"Việc áp dụng thẻ xanh tại TP HCM đối với người tiêm mũi một là hiệu quả do giãn cách kéo dài quá lâu, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt và kinh tế", bác sĩ Hà chia sẻ. Khi đó, người dân tiện lợi hơn khi ra ngoài, phục vụ nhu cầu cấp bách như đi chợ, đi làm... tạo tâm lý thoải mái hơn.
Tuy nhiên, "miễn dịch tạo ra sau tiêm liều thứ nhất không bằng người tiêm hai mũi, vẫn có thể mắc bệnh", bác sĩ Hà nói. Ông khuyến cáo người tiêm một mũi, được cấp thẻ xanh khi đi sang các tỉnh lân cận vẫn cần giám sát chặt và tuân thủ 5K. Nếu có vắc xin thì cần nhanh chóng tiêm tiếp liều hai để tăng cường miễn dịch mạnh mẽ, duy trì độ bền vững và kéo dài thời gian bảo vệ.
Tổng hợp