Cấp phép khai quật di tích Thành Quèn

Trần Siêu |

Di tích Thành Quèn, thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa (Quốc Oai - Hà Nội) sẽ được khai quật khảo cổ trên diện tích 50m2.

Ngày 14/12, thông tin từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, đã ban hành quyết định cho phép Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Bảo tàng Hà Nội khai quật khảo cổ tại di tích Thành Quèn.

Thời gian khai quật từ ngày 2/1 - 28/2/2023 trên diện tích 50m2. Trong thời gian khai quật, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch lưu ý các cơ quan được cấp giấy phép cần bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng Hà Nội để giữ gìn, bảo quản. Bảo tàng Hà Nội và Sở Văn hóa, và Thể thao TP Hà Nội có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Bảo tàng Hà Nội phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm, gửi về Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Cấp phép khai quật di tích Thành Quèn - Ảnh 1.

Cổng làng Cổ Hiên

Theo các nguồn sử liệu, vết tích của một toà thành cổ có tên là thành Quèn, cũng gọi là thành Quyên tọa tại thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa (Quốc Oai - Hà Nội). Thành được xây dựng từ thế kỷ 9 của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc.

Vị trí thành Quèn ở giữa một khúc uốn của sông, có vị trí chiến lược quan trọng kiểm soát được toàn bộ sự đi lại trên sông – con đường đi lại thuận tiện nhất từ vùng bậc thềm quanh chân núi Ba Vì, Vua Bà, từ Sơn Tây trên sông Hồng xuống vùng Ba Thá, Thượng Lâm, Miếu Mậu trên sông Đáy.

Chính vì vậy mà thành Quèn đã trở thành vị trí trọng yếu chốt giữ toàn bộ vùng này.

Theo nội dung những sắc phong còn giữ được tại Cổ Hiên, Đỗ tướng công húy là Cảnh Thạc, sinh ngày 14 tháng Giêng năm Nhâm Thân (912), cha là Đỗ Quảng Lăng, gốc người Quảng Đông (Trung Quốc) dời cư xuống phương Nam, mẹ là Trần Thị Thọ thuộc Đỗ Động Giang, ấp Động, huyện Thanh Oai ngày nay.

Cấp phép khai quật di tích Thành Quèn - Ảnh 3.

Đền thờ tướng công Đỗ Cảnh Thạc tại Cổ Hiên.

Đỗ tướng công lúc thiếu niên là một cậu bé thông minh, khỏe mạnh. Năm 12 tuổi đã biết cưỡi ngựa bắn cung, lớn lên trở thành một thanh niên võ nghệ siêu quần, kết giao với nhiều anh hùng hào kiệt, sau kết nghĩa huynh đệ với Ngô Quyền, trở thành người tâm phúc, lập nhiều công tích.

Năm Ất Mùi (935), ông tham gia vào trận đánh đồn Bạch Hạc, chém chết chủ tướng Lương Ngột tại trận, thu được nhiều lương thực, khí giới, lừa ngựa.

Năm Bính Thân (936), ông lại thống lĩnh ba đạo binh: Kỵ, bộ và thủy hạ Thành Đỗ Động, một giải từ Trấn sơn đến Trấn Đông Bộ sạch bóng quân thù, nhân dân một lòng qui phục dưới cờ.

Trong trận đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938), ông chỉ huy đạo quân trấn giữ bờ hữu, chính ông là người bày mưu cho Ngô Quyền bắt sống tướng giặc Hoàng Thao. Từ đó, vua Nam Hán là Lưu Cung, chúa Nam Tấn là Tào Huyền Tích không dám nghĩ đến chuyện xâm lược nước ta nữa.

Cấp phép khai quật di tích Thành Quèn - Ảnh 5.

Đình làng Cổ Hiên.

Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, ông lại giúp vua sửa sang lại việc triều chính, mở ra một thời thịnh trị. Khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha nhân cơ hội này cướp ngôi của cháu, Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi lại giúp họ Ngô giữ được ngôi vua. Nhờ thế, Ngô Xương Văn lên nối ngôi xưng là Nam Tấn vương, Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách vương.

Tháng giêng năm Nhâm Tí, vua xuống chiếu gia phong 12 vị công thần để vừa cai trị nhân dân các xứ, vừa giữ gìn giặc giã. Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi, Phan Truật làm Thái úy ngự lâm quân tại triều, giúp vua điều hành việc nước.

Sau khi Thiên Sách vương mất (954), tháng 10 năm 963 Trần Lãm lại mưu phản, cáo ốm không về chầu, giao hết binh quyền cho con nuôi mình là Đinh Bộ Lĩnh. Năm 965, Nam Tấn Vương băng hà, trong nước không có ai làm chủ, 12 sứ quân mỗi người hùng cứ một phương. Đỗ Cảnh Thạc đem quân về giữ vùng Đỗ Động Giang.

Tháng 7 năm 966, Đinh Bộ Lĩnh sai hai tướng là Trịnh Tú và Lưu Cơ chỉ huy 10 tướng và 500 quân đến đánh úp thành Quèn. Đỗ Cảnh Thạc ngầm phục quân ở Quán Xanh đánh quân của Trịnh Tú, Lưu Cơ thua chạy.

Ngày 30 tháng 12, Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục sai hai tướng Nguyễn Bặc, Đinh Điền đem theo 20 tướng và 600 quân kéo đến trại hạ tại gò Đống Thịt (xã Quyết Nghĩa, Quốc Oai). Đỗ Cảnh Thạc cho quân bí mật bao vây, trong quân mỗi người mang theo một nắm cơm, hẹn giờ Dậu cho quân giở cơm ra ăn, sang giờ Tuất bốn mặt nhất tề xông vào đánh.

Quân Nguyễn Bặc, Đinh Điền từ xa đến, người ngựa mỏi mệt, lại bị đánh bất ngờ, rối loạn giày xéo lên nhau mà chết. Biết không thể thắng bằng sức, Đinh Bộ Lĩnh phao tin cho Đỗ Cảnh Thạc biết là không thể đánh được thành Quèn thì đánh Bảo Đà, rồi điều số quân già yếu về Bảo Đà để nghi binh.

Đỗ Cảnh Thạc liền giao cho các tướng ở lại giữ thành rồi thân dẫn kỵ binh gấp đường đi chi viện Bảo Đà. Nhân lúc trời tối, Đinh Bộ Lĩnh chia quân 4 bốn đạo, mỗi đạo khoảng 2.000 quân đánh úp thành Quèn. Nhận được cấp báo, Tướng công dẫn quân quay về ứng cứu thì Thành Quèn đã thất thủ, bị đốt phá, tan hoang, hôm đó nhằm ngày 14 tháng 3 năm Đinh Mão (967).

Sau trận này Đỗ Cảnh Thạc tiếp tục giằng co với Đinh Bộ Lĩnh gần một năm trời. Cho đến ngày 8 tháng Giêng năm Mậu Thìn (968), trong một trận đánh ở núi Hoàng Xã (nay thuộc thị trấn Quốc Oai), ông bị trúng mũi tên độc, chạy được về đến chân núi Sài Sơn (núi chùa Thầy) thì mất, thọ 56 tuổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại