Ngày 28-6, tin từ Bộ TN&MT cho biết Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy phép chấp thuận cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).
Tổng diện tích được phép nhận chìm là 30 ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá 30 m.
Giấy phép của Bộ TN&MT yêu cầu đơn vị giám sát, vận chuyển, quan trắc để đảm bảo an toàn về môi trường khi tiến hành nhận chìm. Được biết giấy phép có hiệu lực đến ngày 30-10-2017.
Nhiều nhà khoa học, các tổ chức bảo vệ môi trường đã khá bất ngờ khi nhận được thông tin này bởi khu vực “nhấn chìm” khá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau, một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước.
Đây là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm là bãi đẻ của ba loài tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh.
Nơi đây còn có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng và là bãi đẻ của rùa biển, đồi mồi…
Một góc Khu bảo tồn biển Hòn Cau
Theo các nhà khoa học, việc cho đổ lượng bùn sau nạo vét xuống vùng biển này sẽ đe dọa trực tiếp đến quần thể san hô và tác động hiệu ứng tràn của biển rất lớn.
Biển Tuy Phong (Bình Thuận) - Cà Ná (Ninh Thuận) là một trong 18 vùng nước trồi ven bờ trên toàn thế giới và cùng với vùng biển Tây Ấn Độ là hai vùng nước trồi tốt nhất ở châu Á.
Nhờ hiện tượng nước trồi mà khu vực biển này tạo nên môi trường sống thuận lợi, cơ sở thức ăn của hải sản phong phú; sản lượng hải sản tăng và có chất lượng tốt hơn các vùng khác.
Theo Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, đây là khối lượng bùn cát sau nạo vét vũng quay tàu và khu bến chuyên dùng, phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.