Những đội tuyển võ thuật thăng hoa
Bất ngờ lớn nhất trong ngày thi đấu 8/5 chính là kun bokator – môn võ truyền thống của chủ nhà Campuchia. Các VĐV Việt Nam dù chưa có nhiều kinh nghiệm ở môn võ này nhưng vẫn liên tiếp giành chiến thắng trong các trận chung kết.
Tổng cộng, đội tuyển kun bokator đã đoạt được tới 6 HCV trong ngày 8/5 với các võ sĩ Phạm Thị Phượng, Nguyễn Thị Thanh Tiền, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Huỳnh Văn Cường, Ngô Đức Mạnh và Trần Võ Song Thương.
Phạm Thị Phượng ăn mừng tấm HCV ở môn kun bokator.
Kết thúc các nội dung thi đấu, đội kun bokator Việt Nam xếp thứ hai toàn đoàn, chỉ đứng sau chủ nhà Campuchia (8 HCV) và bỏ xa những đoàn còn lại.
Đội tuyển Vovinam cũng toả sáng với 2 tấm HCV ở 2 nội dung tự vệ nữ (Nguyễn Thị Hoài Nương, Nguyễn Hoàng Dũ) và đối kháng 65 kg nữ (Bùi Thị Thảo Ngân).
Tại môn karate, các VĐV Chu Văn Đức, Đỗ Thanh Nhân, Đỗ Mạnh Hùng, Võ Văn Hiền, Trần Lê Tấn Đạt, Nguyễn Viết Ngọc Hiệp, Lò Văn Biển mang về tấm HCV nội dung kumite đồng đội nam. Nội dung kumite đồng đội nữ cũng chứng kiến các VĐV Việt Nam đăng quang (Trương Thị Thương, Đinh Thị Hương, Nguyễn Thị Ngoan, Hoàng Thị Mỹ Tâm).
Niềm vui của đội tuyển kumite đồng đội nam.
Như vậy, đội tuyển karate Việt Nam đứng nhất toàn đoàn tại SEA Games 32 với tổng cộng 6 HCV, nhiều hơn 2 HCV so với đoàn xếp sau là Malaysia.
Các môn thể thao Olympic vượt khó
Sự xuất hiện của nhiều VĐV xuất sắc đến từ các đoàn thể thao khác đã khiến cho cuộc cạnh tranh ở môn điền kinh trở nên vô cùng quyết liệt. Sau 13 nội dung thi đấu, đội tuyển điền kinh Việt Nam mới chỉ giành được 2 HCV.
Nguyễn Thị Oanh như thường lệ vẫn là cái tên mang tới niềm vui cho người hâm mộ. Bất chấp thời tiết không hề dễ chịu tại sân thi đấu, Nguyễn Thị Oanh vẫn xuất sắc về nhất tại nội dung 5000m và giành tấm HCV SEA Games thứ 9 trong sự nghiệp.
Nguyễn Thị Oanh là biểu tượng của điền kinh Việt Nam.
HCV còn lại thuộc về 4 VĐV Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng, Trần Đình Sơn ở đường đua 4x400 m tiếp sức hỗn hợp nam nữ.
Trên đường đua xanh, Trần Hưng Nguyên tiếp tục phong độ ấn tượng khi giành HCV nội dung 400m cá nhân hỗn hợp nam. Huy Hoàng cũng ghi dấu với HCV nội dung 1500m tự do nam.
Sàn đấu thể dục dụng cụ chứng kiến đội tuyển Việt Nam bảo vệ thành HCV đồng đội nam toàn năng (Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng, Đặng Ngọc Xuân Thiện, Văn Vĩ Lương, Nguyễn Văn Khánh Phong, Trịnh Hải Khang) trước sự cạnh tranh của đội tuyển Philippines được dẫn đầu bởi nhà vô địch thế giới Carlos Yulo.
BXH Huy chương SEA Games 32 tính đến hết ngày 8/5
14 HCV giành được trong ngày 8/5 giúp đoàn thể thao Việt Nam nhảy vọt lên vị trí thứ hai trên BXH và thu hẹp khoảng cách với đoàn Campuchia xuống chỉ còn 8 HCV.
BXH Huy chương SEA Games 32 tính đến hết ngày 8/5
2 đoàn Thái Lan và Indonesia cũng đang bám đuổi rất mạnh mẽ khi lần lượt xếp thứ ba và thứ tư. Đoàn Philippines chững lại trong ngày 8/5 khi chỉ giành được 4 HCV và phần nào tụt lại phía sau.
Ở nhóm cuối, đoàn thể thao Lào đã có tấm HCV thứ tư. Đây là thành tích tốt nhất của Lào kể từ SEA Games 27 tại Myanmar năm 2013.