Đoạt "vàng" trên sở trường của đội bạn
SEA Games 32 là lần đầu tiên Kun Khmer – môn võ truyền thống của Campuchia – được đưa vào danh sách thi đấu. Nhưng các võ sĩ Việt Nam đã thích nghi nhanh chóng và thể hiện sức mạnh ở các nội dung đối kháng.
Trong ngày thi đấu 10/5, 3 nữ võ sĩ Huỳnh Hà Hữu Hiếu, Tạ Thị Kim Yến và Bàng Thị Mai đã lần lượt giành HCV tại các hạng cân đối kháng 45kg, 48kg và 60kg.
Huỳnh Hà Hữu Hiếu được xử thắng trong trận chung kết sau khi đối thủ bỏ cuộc.
Chưa dừng lại ở đó, ở 3 hạng cân còn lại dành cho nữ là 51kg, 54kg và 57kg, các võ sĩ Việt Nam đều đã có mặt ở trong trận chung kết. Không loại trừ khả năng đội tuyển Kun Khmer Việt Nam sẽ đạt thành tích toàn thắng trong các nội dung đối kháng nữ.
Cùng chung đà chiến thắng như Kun Khmer là đội tuyển pencak silat. Chỉ tiêu ban đầu của ban huấn luyện đề ra trước SEA Games 32 là 3 HCV nhưng các võ sĩ đã giành được tới 4 tấm HCV.
Nguyễn Duy Tuyến (hạng cân 80-85 kg nam) và Nguyễn Tấn Sang (hạng cân 75-80 kg nam) lần lượt vượt qua các đối thủ đến từ Singapore để lên ngôi vô địch.
Các trận chung kết ở nội dung dành cho nữ VĐV mang đến nhiều sự kịch tính. Đoàn Indonesia đặt mục tiêu cao ở môn võ truyền thống của mình và rất quyết liệt cả trong và ngoài sân thi đấu.
Niềm vui của võ sĩ Quàng Thị Thu Nghĩa.
Ở trận chung kết đối kháng 50-55 kg nữ, tranh cãi xảy ra khi đoàn Indonesia phản ứng với trọng tài. Nhưng cuối cùng đoàn Việt Nam cũng khiếu nại thành công và lấy lại tấm HCV cho võ sĩ Nguyễn Hoàng Hồng Ân. HCV còn lại của môn pencak silat thuộc về võ sĩ Quàng Thị Thu Nghĩa ở hạng cân 65-70 kg.
Kỷ lục và những lần đầu tiên
Trên đường bơi 200m ếch nam, Phạm Thanh Bảo phá kỷ lục SEA Games với thành tích 2 phút 11,45 giây. Sau 2 kỳ SEA Games trượt "vàng", Thanh Bảo cuối cùng đã đăng quang ở nội dung sở trường.
Đường đua 100m vượt rào nữ chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của Huỳnh Thị Mỹ Tiên. Ở lần thứ 3 tham dự SEA Games nữ VĐV quê Vĩnh Long đã đạt được giấc mơ HCV.
Cũng ở môn điền kinh, Nguyễn Trung Cường lần đầu giành HCV nội dung 3000m vượt rào nam. Hành trình đến với chức vô địch nội dung này của Nguyễn Trung Cường đã trải qua nhiều trắc trở. Năm 2019, anh về nhì sau đồng đội Đỗ Quốc Luật. Tới SEA Games 31, Trung Cường dính chấn thương không thể tham dự giải. Phải đến SEA Games 32 anh mới được hưởng niềm vui chiến thắng.
Nguyễn Trung Cường có được HCV SEA Games sau nhiều lần lỗi hẹn.
Đội tuyển golf Việt Nam cũng đã có lần đầu tiên giành HCV SEA Games. Vô cùng ấn tượng khi người mang về chức vô địch là VĐV Lê Khánh Hưng mới 15 tuổi.
BXH Huy chương SEA Games 32 tính đến hết ngày 10/5
Đoàn thể thao Việt Nam đã tạm thời vươn lên dẫn đầu với 50 HCV, 50 HCB và 61 HCĐ. Đoàn Thái Lan không những mất ngôi đầu mà còn tụt xuống vị trí thứ ba, xếp sau chủ nhà Campuchia. Sau chuỗi ngày chững lại, đoàn Campuchia đang tăng tốc trở lại khi những nội dung sở trường bước vào chung kết.
BXH Huy chương SEA Games 32 tính đến hết ngày thi đấu 10/5
Ở nhóm dưới, đoàn Indonesia đã có cú bứt phá ấn tượng để vững vàng ở vị trí thứ tư với một khoảng cách khá lớn so với các đoàn Singapore, Philippines và Malaysia.
Brunei trở thành đoàn thể thao thứ mười giành HCV tại SEA Games 32 sau chiến thắng ở nội dung nam quyền môn wushu của VĐV Mohammad Adi Salihin Roslan.