Nga liên lạc gấp với Iran - Mỹ bị đồng minh "hắt hủi" do lo sợ chạm trán Iran

N. Tuấn Sơn |

Bộ trưởng BQP Anh Tobias Ellwood thừa nhận Hải quân Hoàng gia Anh không đủ mạnh để "đóng vai trò tích cực trên trường quốc tế" sau sau vụ việc xấu hổ là không bảo vệ được tàu dầu.

22h26: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian đã có cuộc điện đàm thảo luận về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, hai bên đã nhất trí tiếp tục nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết năm 2015 với Nhóm P5+1 (JCPOA), cũng như các giải pháp hạ nhiệt căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.

21h35: Mỹ đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục các đồng minh ủng hộ sáng kiến gia tăng giám sát tại tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng ở Trung Đông, khi nhiều nước lo ngại có thể làm đổ dầu vào ngọn lửa căng thẳng khu vực.

Pháp cho biết không có kế hoạch hộ tống các tàu thương mại và kế hoạch của Mỹ là phản tác dụng trong việc hạ nhiệt căng thẳng, vì Iran sẽ coi đây là một hành động chống lại quốc gia Hồi giáo này.

Một quan chức phương Tây cho rằng "không đời nào" Trung Quốc tham gia liên minh hàng hải, trong khi phía Hàn Quốc cho biết chưa nhận được đề xuất chính thức từ Mỹ.

Trong khi đó Nhật Bản, cũng lo ngại, và Nhật Bản hiện chưa cân nhắc việc điều quân tham gia liên minh của Mỹ.

20h27:  Ông Ali Akbar Velayati cố vấn cấp cao của Giáo chủ tinh thần Iran về quan hệ quốc tế đã nhấn mạnh việc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắn hạ máy bay trinh sát tối tân của Mỹ và bắt giữ tàu dầu Anh ở Vinh Péc-Xích là một dấu mốc mới hết sức đặc biệt trong lịch sử Hồi giáo.

20h08: Đại sứ quán Nga ở Tehran đã liên hệ với các cơ quan hữu trách Iran về các thủy thủ Nga trên tàu dầu mang cờ Anh bị bắt giữ ngoài khơi Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov thông tin với các phóng viên. Ông nói:

"Đại sứ quán (Nga) đang làm việc. Mọi người đều vào việc. Tất cả các bộ phận và các kênh liên lạc đều tích cực. Chúng tôi liên lạc chặt chẽ với phía Iran".

Trước đó, chủ tàu - hãng vận tại biển Stena Bulk cho biết họ đã nộp đơn thỉnh nguyện chính thức tới các cơ quan quản lý cảng  của Iran, đề nghị được gặp các thủy thủ và đang chờ đợi phản hồi. Phía Iran hôm qua cũng thông báo tất cả mọi thành viên thủy thủ đoàn đều đang khỏe mạnh và thậm chí còn công bố video về sinh hoạt của họ.

Hình ảnh thủy thủ đoàn tàu Stena Impero mang cờ Anh bị Iran bắt giữ.

19h45: Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri ngày 23/7 đã cảnh báo việc Anh kêu gọi thành lập một lực lượng hải quân do Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu nhằm đảm bảo việc di chuyển an toàn qua Eo biển Hormuz sẽ tạo ra sự bất ổn và làm gia tăng căng thẳng tại khu vực.

18h15: Anh vừa công bố kế quả bỏ phiếu bẫu lãnh đạo Đảng Bảo thủ, theo đó ông Boris Johnson - Cựu ngoại trưởng đã thắng Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt với số phiếu cách biệt. Theo đó, ông Boris Johnson được 92,153 phiếu, còn ôngJeremy Hunt chỉ có 46,656 phiếu.

Như vậy, Boris Johnson sẽ chính thức là Thủ tướng kế tiếp của Anh.

18h07: Bộ Ngoại giao Iran hôm nay (23/07) đã ra thông báo nước này sẽ tham dự cuộc họp các nhà ngoại giao (cấp thứ trưởng và vụ trưởng) của các bên tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện ( JCPOA ), trong bối cảnh các bên đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận lịch sử này.

Theo thông báo, các bên ký JCPOA của châu Âu (gồm Nga, Anh, Pháp và Đức) đã đề nghị thảo luận về "tình hình mới," ám chỉ Iran giảm bớt việc thực hiện các cam kết theo thỏa thuận này để đáp trả việc Mỹ rút khỏi JCPOA.

17h36: Cập nhật mới nhất cho thấy tàu BW Elm mang cờ Anh chở khí hóa lỏng (LPG) đã vượt qua eo biển Hormuz an toàn mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Nga liên lạc gấp với Iran - Mỹ bị đồng minh hắt hủi do lo sợ chạm trán Iran - Ảnh 2.

Tàu BW Elm đã đi ra khỏi eo biển Hormuz an toàn.

17h15: BW Elm - Một tàu chở khí hóa lỏng mang cờ Anh đang chuẩn bị vượt qua eo biển Hormuz bất chấp các khuyến cáo của Hải quân Anh rằng nên tránh xa khu vực này. Chưa rõ Iran sẽ có động thái như thế nào, hy vọng mọi việc sẽ bình thường, IRGC sẽ không ra tay một lần nữa.

photo-1

BW Elm - Một tàu chở khí hóa lỏng mang cờ Anh đang chuẩn bị vượt qua eo biển Hormuz.

15h59: Mỗi ngày có nhiều lượt tàu dầu đi qua eo biển Mormuz, và vì thế, các nhà vận tải biển đang tìm kiếm những con đường an toàn đảm bảo lưu thông dầu mỏ trong bối cảnh căng thẳng giữa Anh và Iran tăng cao. Trung Quốc có thể nổi lên như là một kẻ hưởng lợi bất ngờ từ căng thẳng tại Vinh Péc-Xích, sau khi Iran bắt giữ tàu dầu mang cờ Anh.

Hãng tình báo hàng hải Dryad Global tin rằng ngành công nghiệp vận tải biển "không thực sự chuẩn bị" cho tình huống này, và các công ty vận tải đang phải tìm kiếm nguồn thay thế cho các con tàu mang cờ anh để hoạt động trong khu vực.

"Những tàu mang cờ Anh, Mỹ và Saudi hiện đang có nguy cơ cao trở thành mục tiêu kế tiếp", Philip Diacon, người đứng đầu Dryad Global, nói với hãng thông tấn AFP.

Ông Diacon cho biết, hầu hết các khách hàng của mình đều đang tìm các hãng vận tải biển với tàu mang cờ Trung Quốc - đồng minh chiến lược của Iran. "Chúng tôi đang bắt đầu chuyến hướng bắt tay với các tàu mang cờ Trung Quốc", ông nhấn mạnh.

15h37: Trong bài phát biểu trước quốc hội sau phiên họp an ninh, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cảnh báo, sự hiện diện quân sự gần bờ biển Iran sẽ gia tăng nếu nước này tiếp tục hành vi mà ông cho là "nguy hiểm".

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao của Anh, nước này phải đáp trả các hành động của Iran để bảo vệ lợi ích của mình.

"Nếu Iran sẽ tiếp tục đi trên con đường nguy hiểm này, họ phải chấp nhận rằng điều này sẽ khiến gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng biển dọc bờ biển của họ. Không phải vì chúng tôi muốn tăng căng thẳng, mà đơn giản là vì tự do hàng hải. Đây là nguyên tắc mà Anh và các đồng minh sẽ luôn bảo vệ".

Nga liên lạc gấp với Iran - Mỹ bị đồng minh hắt hủi do lo sợ chạm trán Iran - Ảnh 4.

Tàu dầu Stena Impero mang cờ Anh bị Hải quân Iran bắt giữ.

15h06: Hãng thông tấn bán chính thức FarsNews dẫn phát biểu của Tư lệnh Hải quân Iran Hossein Khanzadi cho biết Các lực lượng vũ trang Cộng hòa Hồi giáo được trang bị các loại máy bay không người lái liên lục địa và nói thêm rằng chúng đang được sử dụng để giám sát biển Ấn Độ Dương.

Ông nói: "Chúng tôi có loại máy bay không người lái hiện đại và sẽ sử dụng chúng khi cần thiết. Những máy bay không người lái này đã được sử dụng ở nhiều khu vực trên biển Ấn Độ Dương".

Đồng thời, các máy bay không người lái của Hải quân Iran cũng như Vệ binh Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRGC) hiện đang giám sát ở mức cao nhất tại vùng Vịnh Péc-Xích và Biển Oman.

Ông Hossein Khanzadi cảnh báo các kẻ thù của Iran cần phải nhận thức rất rõ rằng họ đang bị giám sát mọi hoạt động khiêu khích.

Nga liên lạc gấp với Iran - Mỹ bị đồng minh hắt hủi do lo sợ chạm trán Iran - Ảnh 5.

Tư lệnh Hải quân Iran Hossein Khanzadi.

14h16: Trong một khuyến cáo chung mới được đưa ra, các hiệp hội thương mại ra thông báo khẩn yêu cầu thuyền trưởng các tàu đăng ký với Cơ quan giám sát các hoạt động thương mại hàng hải Vương quốc Anh - bộ phận liên lạc của Hải quân Hoàng gia Anh - và cung cấp kế hoạch di chuyển trong vòng từ 24-48 giờ trước khi đi vào khu vực này.

Các thông tin cần cung cấp bao gồm quốc tịch của các thành viên thủy thủ đoàn và thông số tốc độ của tàu.

Các thông tin này sẽ được chuyển tới Hải quân Mỹ cũng như hải quân các nước khác tham gia các nỗ lực thúc đẩy một sáng kiến an ninh đa phương do Mỹ đứng đầu, được gọi là Chiến dịch Sentinel nhằm tăng cường giám sát và đảm bảo an ninh tại các tuyến đường biển chủ chốt ở Trung Đông.

13h51: Giữa lúc căng thẳng với Mỹ-Anh tăng cao, Tư lệnh Hải quân Iran tuyên bố sẽ công khai những bức ảnh cho thấy tàu chiến Mỹ hoạt động hàng ngày ở Vịnh Pec-Xích.

Tư lệnh hải quân Iran Hossein Khanzadi cho biết, các lực lượng của mình luôn theo dõi sát sao những tàu hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực và có một kho dữ liệu ảnh khổng lồ về các hoạt động thường ngày của chúng.

"Chúng tôi giám sát tất cả các tàu chiến của kẻ địch, đặc biệt là các chiến hạm Mỹ, từng điểm - từng điểm một, từ khi chúng rời cảng neo đầu thường xuyên cho tới khi chúng tiến vào khu vực. Chúng tôi có đầy đủ bộ ảnh và tư liệu về hoạt động thường ngày của các tàu chiến liên quân, đặc biệt là Mỹ".

13h08: Anh từ chối tham gia liên minh với Mỹ, tự thành lập và triển khai lực lượng thực hiện 'sứ mệnh bảo vệ hàng hải' do châu Âu dẫn đầu nhằm bảo vệ hoạt động giao thương tại eo biển Hormuz sau vụ Iran bắt tàu dầu Anh hồi tuần trước.

Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh London không muốn tham gia chiến dịch được Mỹ triển khai liên quan đến gia tăng áp lực kinh tế đối với Iran, vì chính quyền London vẫn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran được ký kết vào năm 2015.

Trong thời gian chờ đợi lực lượng "đủ lông đủ cánh", chiến hạm HMS Duncan của hải quân hoàng gia Anh dự kiến sẽ đến khu vực vào ngày 29/7.

12h25: Vào 17 giờ ngày 22/7 (giờ địa phương, 23 giờ Hà Nội), đảng Bảo thủ tại Vương quốc Anh đã kết thúc cuộc bỏ phiếu tìm lãnh đạo mới, người sẽ thay thế bà Theresa May làm thủ tướng.

Cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ kéo dài một tháng qua, giữa cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt, sẽ được quyết định bởi 160.000 thành viên cốt cán của đảng, những người đã bỏ phiếu chọn lựa bằng đường bưu điện.

Kết quả sẽ được công bố trong ngày hôm nay và người thắng cuộc sẽ trở tiếp nhận chức thủ tướng Anh ngày 24/7.

Nga liên lạc gấp với Iran - Mỹ bị đồng minh hắt hủi do lo sợ chạm trán Iran - Ảnh 7.

Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson (trái) và Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt (phải).

11h42: Hôm qua, Thủ tướng Anh Theresa May đã chủ trì một cuộc họp khẩn để thảo luận các giải pháp đối với với khủng hoảng tàu dầu Anh bị Iran bắt giữ ở vùng Vịnh, Nhà báo Iran Hamidreza Gholamzadeh đã bày tỏ quan điểm của mình trên Sputnik:

"Anh đang lặp lại cùng cậu chuyện và kịch bản mà chúng ta đã được chứng kiến hồi năm 2003, khi chính phủ Anh sát cánh cùng với Mỹ trong việc tạo dựng những bằng chứng giả và tin giả để lấy cớ tấn công Iraq, và giờ đây điều đó đang lặp lại với Iran. Nhưng Iran không phải là Iraq và tình huống hoàn toàn khác.

Chính phủ Anh cần phải nhìn nhận rằng với Iran, họ không thể làm điều tương tự như ở Iraq - không thể dùng sức mạnh".

11h17: Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tuyên bố mọi điều mà Iran nói đều phải được nhìn nhận một cách thận trọng khi ông trả lời phỏng vấn với kênh WFTV 9 trong một chuyến công du ở Orlando, Florida, và nhấn mạnh rằng Mỹ đang gấp rút thành lập một liên minh nhằm tuần tra ở eo biển Hormuz.

10h38: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Tobias Ellwood thừa nhận Hải quân Hoàng gia Anh không đủ mạnh để "đóng vai trò tích cực trên trường quốc tế" sau sau vụ việc xấu hổ là không bảo vệ được tàu dầu mang cờ nước này khi bị Hải quân Iran vây bắt.

Số liệu dưới đây cho thấy thực lực của Hải quân Anh tại thời điểm năm 2019 này đã thua xa so với giai đoạn 1982-1983. 

Có thể dễ dàng nhìn ra những lớp tàu xương sống của Hải quân nước này đã giảm rất mạnh, cụ thể, nếu tính cả những tàu đang đóng hoặc chuẩn bị đưa vào trang thì số tàu khu trục mới chỉ bằng 1/2, khinh hạm chỉ bằng 1/3, tàu ngầm chỉ bằng 2/3. 

Nga liên lạc gấp với Iran - Mỹ bị đồng minh hắt hủi do lo sợ chạm trán Iran - Ảnh 9.

Số lượng tàu của Hải quân Anh hiện có giảm mạnh so với giai đoạn 1982-1983. Chú thích loại tàu (lần lượt từ trên xuống dưới): Tàu sân bay, tàu khu trục, khinh hạm, tàu đổ bộ tấn công, tàu ngầm, tàu quét mìn, tàu tuần tra, tàu nghiên cứu biển.

10h06: Hãng tin Reuters cho biết Mỹ đã ra lệnh trừng phạt đối với Công ty năng lượng quốc doanh Zhuhai Zhenrong của Trung Quốc với lý do được cho là đã vi phạm lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ của Iran, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố.

09h52: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Amir Hatami tuyên bố Các lực lượng vũ trang của Iran đủ mạnh và sẵn sàng đáp trả bất cứ mối đe dọa nào của kẻ thù.

"Khi một tàu chở dầu của Iran bị bắt giữ bất hợp pháp, chúng tôi dễ dàng và nhanh chóng đối phó với hành động trái pháp luật của họ ở Vịnh Péc-Xích, điều đó đồng nghĩa với việc Cộng hòa Hồi giáo Iran luôn sẵn sàng và có đủ sức mạnh để đáp trả mọi mối đe dọa", tướng Hatami nói khi bình luận về vụ bắt giữ tàu dầu mang cờ Anh gần đây.

Nga liên lạc gấp với Iran - Mỹ bị đồng minh hắt hủi do lo sợ chạm trán Iran - Ảnh 10.

Tàu tên lửa tấn công nhanh của Hải quân Iran.

09h17: Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố việc đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân với Iran hiện nay sẽ khó hơn rất nhiều so với trước đó.

"Thẳng thắn mà nói, ngày càng khó hơn đối với tôi khi tìm kiếm một thỏa thuận với Iran", Tổng thống Trum chia sẻ với các phóng viên trong cuộc gặp với Thủ tướng Pakistan Imran Khan ở Nhà Trắng.

Ông Trump tuyên bố Iran đang thiếu tôn trọng Mỹ và Washington đã sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất.

Nga liên lạc gấp với Iran - Mỹ bị đồng minh hắt hủi do lo sợ chạm trán Iran - Ảnh 11.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/NICHOLAS KAMM

08h48: Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Iran không muốn đối đầu với Anh liên quan các vụ bắt giữ tàu.

Tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Iran được gửi trực tiếp tới ông Boris Johnson, người được cho sẽ trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ ngày 23/7 và trở thành thủ tướng Anh, thay bà Theresa May, trong ngày 24/7.

Phát biểu với các phóng viên ở Managua (Nicaragua) khi được hỏi về một thông điệp gửi tới ông Johnson, Ngoại trưởng Zarif nêu rõ: "Điều quan trọng đối với ông Boris Johnson khi bước vào số 10 Phố Downing là phải hiểu rằng Iran không muốn đối đầu mà mong muốn mối quan hệ bình thường dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau".

Trong cuộc gặp ngày 22/7 với người đồng cấp Nicaragua, Ngoại trưởng Iran Zarif tuyên bố Tehran có hành động đối với một tàu ở Eo biển Hormuz là nhằm thực thi luật pháp quốc tế, chứ không phải để đáp trả các hành động của Anh.

08h10: Reuters cho biết, sau khi bị đồng minh Mỹ "bỏ rơi", ANh không còn cách nào khác đành phải kêu gọi các nước châu Âu cùng tham gia lực lượng tác chiến hải quân nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu thương mại đi qua eo biển Hormuz.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã trình bày các kế hoạch trong cuộc họp khẩn của Chính phủ Anh tổ chức nhằm thảo luận các phương thức đáp trả Iran sau khi tàu dầu Anh bị nước này bắt giữ.

Ông nói: "Theo Luật pháp quốc tế, Iran không có quyền bắt giữ tàu thương mại. Đây là hành động 'cướp biển' cấp nhà nước"

"Chúng tôi hiện đang tiến hành thành lập một lực lượng hải quân hỗn hợp do châu Âu dẫn đầu với nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các tàu thương mại cũng như thủy thủ hoạt động tại khu vực nóng bỏng này", ông Hunt tuyên bố.

07h55: Giữa lúc căng thẳng tăng cao, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định Mỹ không muốn chiến tranh với Iran, và Anh có trách nhiệm bảo vệ tàu của mình.

Nga liên lạc gấp với Iran - Mỹ bị đồng minh hắt hủi do lo sợ chạm trán Iran - Ảnh 12.

Tàu dầu Anh Stena Impero bị Iran bắt giữ (Ảnh: Reuters).

Trên chương trình Fox and Friends sáng 22/7, khi được hỏi về vai trò của Mỹ trong việc đòi lại tàu dầu Anh Stena Impero bị Iran bắt tuần trước, ông Pompeo trả lời "Anh phải tự bảo vệ các tàu của họ".

"Chúng tôi không muốn chiến tranh với Iran, chúng tôi muốn họ hãy đối xử như một nước bình thường. Tôi nghĩ họ hiểu điều đó", Ngoại trưởng Mỹ bình luận thêm.

Quyết định "bỏ rơi" đồng minh thân thiết là Anh khiến giới quan sát quốc tế sốc nặng bởi lẽ Mỹ-Anh là cặp đôi không thể tách rời, luôn đồng hành cùng nhau trong mọi vấn đề, nhất là trong các cuộc chiến tấn công Iraq, Libya, Syria,...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại