ả thế giới vận động và đổi thay, chỉ có Arsenal và Arsene Wenger vẫn "bình chân như vại" với thời cuộc. Họ sẽ lại tiếp tục bên nhau thêm ít nhất 2 mùa bóng nữa, mặc cho sự thất vọng của người hâm mộ Pháo thủ ngày càng tăng cao...
Rút cuộc, cũng có ngày Tottenham lại kết thúc mùa bóng ở một vị trí cao hơn kình địch Arsenal trong bảng xếp hạng Premier League. Lần gần đây nhất là năm 1995, tức chỉ 1 năm trước khi HLV Arsene Wenger bắt đầu dẫn dắt "Pháo thủ". Hãy nhìn lại đôi điều về bóng đá, hoặc thế giới nói chung ở thời điểm cách đây 22 năm, để cảm nhận rõ hơn về sự già nua, lạc hậu của HLV Wenger.
Dele Alli còn chưa chào đời. Khi ấy, người ta vẫn đang say sưa xem nốt những trận đỉnh cao cuối cùng của huyền thoại Diego Maradona. Kỷ lục thế giới về giá chuyển nhượng thuộc về Gianluigi Lentini (AC Milan) - cái tên mà giới hâm mộ trẻ bây giờ ít biết, thậm chí có thể chưa nghe bao giờ.
Trong sân, nếu bạn ngồi gần cột cờ góc chỉ để cột lại dây giày, pha tấn công của đội bạn vẫn có thể bị bắt việt vị, do luật mới (cầu thủ không tham gia tấn công thì không mắc lỗi việt vị) còn chưa được áp dụng một cách đồng bộ.
Trên thế giới, chiếc điện thoại di động có nắp gập đầu tiên - Motorola StarTAC - còn chưa được đưa ra thị trường. Internet chưa hề phổ biến. Số liệu thống kê của hãng Opta, ở hình thức sơ khai nhất, thì chỉ xuất hiện lần đầu tiên vào rất nhiều năm sau đó.
Vâng, thế giới hồi ấy là như vậy, trong lần gần đây nhất Arsenal đứng dưới Tottenham trong bảng xếp hạng chung cuộc Premier League - hồi ấy giải này có đến 22 đội (chứ không phải 20 như bây giờ), với ngôi đầu bảng thuộc về đội... Blackburn Rovers.
Thật ra, Arsenal rất mạnh, và nổi tiếng trong khoảng vài năm trước đó. Họ đoạt chức VĐQG vào các năm 1989 và 1991, coi như hạ bệ Liverpool - đội mạnh đã thống trị quê hương bóng đá suốt 20 năm. Họ đã đoạt cúp C2 châu Âu năm 1994, và có hy vọng đi vào lịch sử với tư cách là đội duy nhất bảo vệ thành công vương miện ở đấu trường này - vì Arsenal được xem là "vua đấu cúp" (chỉ có Arsenal từng đoạt cả cúp FA lẫn League Cup trong cùng một mùa bóng).
Nhưng một scandal lớn đã nổ ra. George Graham - HLV giỏi đã dẫn dắt Arsenal gần một thập kỷ - bị phát giác "lem nhem tiền bạc" trong các vụ chuyển nhượng. Ông bị sa thải khẩn cấp, và Arsenal hùng mạnh bỗng mất phương hướng.
Họ tuột dốc không phanh ở Premier League và thua đau trước Zaragoza trong trận chung kết cúp C2 châu Âu 1995. HLV Bruce Rioch ra đi khá nhanh sau khi thế chỗ Graham. Để ngăn cản nguy cơ khủng hoảng lâu dài, Arsenal quyết định một cách táo bạo: rước về HLV Wenger, mà báo chí Anh khi ấy phải giật tít "Arsene nào thế?"
Khách quan mà nói, Wenger đã thành công một cách đình đám, như một hiện tượng, trong khoảng chục năm đầu tiên dẫn dắt Arsenal. Ngay mùa thứ hai cầm quân, ông đã vô địch Premier League, để rồi chỉ có Arsenal đủ sức so kè với Man United trên quê hương bóng đá trong suốt một thời gian dài sau đó. "Giáo sư Wenger", "triết lý Wenger" là những cụm từ trở nên quen thuộc. Không chỉ thường xuyên chiến thắng, Arsenal còn nổi tiếng là đội có lối chơi đẹp nhất trên sân cỏ Anh.
Năm 2004, Arsenal trở thành đội bóng đầu tiên (và duy nhất cho tới nay) được lãnh "cúp vàng" theo đúng nghĩa đen, nhờ thành tích bất bại trong suốt mùa bóng. Toàn bộ chiếc cúp vô địch Premier League khi ấy được mạ vàng (cúp bình thường bằng bạc, chỉ có một chút xíu vàng trên vương miện).
Tóm lại, Wenger là một HLV giỏi. Khả năng của ông thật ra đã được khẳng định ở CLB Monaco trước đó. Ông sang Nhật, như một cách "ẩn dật", chẳng qua vì quá chán nản tình trạng Marseille dùng tiền chi phối làng bóng Pháp - theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. "Mua độ", như Marseille trong vụ án VA-OM năm 1993, thôi thì miễn bàn.
Nhưng với Wenger, kể cả việc rải tiền để tuyển mộ ngôi sao cũng không phải là cách hay. Ông sang châu Phi, kéo một cầu thủ Liberia vốn chẳng ai biết về Monaco, rồi biến cầu thủ George Weah "vô danh tiểu tốt" ấy thành ngôi sao số 1 thế giới. Ông biến các loại "hàng dạt" như Mark Hateley, Glenn Hoddle, Patrick Battiston thành những nhà vô địch.
Tại Arsenal, Wenger mua lại tiền vệ cánh tầm thường Thierry Henry của Juventus, xếp vào vị trí trung phong, và Henry trở thành siêu sao. Hậu vệ cánh số 3 của đội tuyển Pháp, Emmanuel Petit, trở thành tiền vệ trụ xuất sắc dưới tay Wenger. Ông biến một Patrick Vieira chẳng ai biết đến thành tượng đài.
Không thể liệt kê cho xuể những trường hợp như thế. Triết lý của Wenger là trong hàng tỷ con người trên khắp hành tinh, không ai hoàn toàn giống ai - kể cả những cặp song sinh. Vậy nên, Wenger luôn cố gắng nhìn đến mức thấu đáo những người mà ông quan tâm, để phát hiện ra những chỗ ưu việt của họ.
Biệt tài này không chỉ giúp Wenger trở thành HLV nổi tiếng. Arsenal lãi to trên thị trường chuyển nhượng, qua hàng chục trường hợp "mua rẻ, bán đắt" nhờ tài nhìn người và dùng người đúng sở trường của Wenger. Phải nói: Arsene Wenger là HLV xuất sắc nhất thế giới trong lĩnh vực nhìn người.
Tiếc thay, ưu điểm tuyệt vời của Wenger giờ đã trở nên... vô ích. Như đã nói, Wenger đến với Arsenal trong cái thời kỳ mà thế giới nói chung, chứ không riêng gì bóng đá, khác rất xa so với thời đại này. Cũng cần lưu ý: có một sự kiện rất lớn xảy ra ở thời điểm Arsenal đứng dưới Tottenham trong bảng xếp hạng Premier League 1995. Đấy là "phán quyết Bosman" - cột mốc làm cho bóng đá châu Âu thay đổi hoàn toàn.
Trước đó, mỗi CLB ở chỉ được dùng 2-3 cầu thủ nước ngoài. Còn sau đó, mọi giới hạn bị xóa bỏ, ít nhất là trong phạm vi khối EU. Thị trường chuyển nhượng bùng nổ, nhưng theo chiều hướng... bát nháo về mặt chuyên môn. Giới đại diện cầu thủ - những "quý ông 10%" mà giới bóng đá căm ghét nhưng luôn phụ thuộc - vớ bẫm, trong khi nhiều CLB phá sản vì chuyển nhượng không hiệu quả. Càng thấy biệt tài nhìn người của Wenger có giá trị như thế nào trong thời kỳ ấy!
Bây giờ, Opta và cơ man các hãng chuyên thống kê khác đã vươn đến mọi ngõ ngách. Giới chuyên môn dễ dàng biết rõ một cầu thủ bất kỳ di chuyển bao nhiêu cây số, chạy nước rút bao nhiêu lần, chạm vào chuyền bóng như thế nào.
Alex Ferguson là HLV nổi tiếng đầu tiên thừa nhận ông phải đọc sách thống kê nếu không muốn bị cảm giác đánh lừa, trong việc theo dõi và đánh giá cầu thủ. "Cặp mắt xanh" của Wenger bỗng chốc trở nên vô ích. Thậm chí đấy còn là... nhược điểm lớn, nếu ông quá tự tin vào nhận xét riêng của mình thay vì tham khảo số liệu thống kê. Ai mà chẳng có lúc nhìn sai, "thấy vậy nhưng không phải vậy"!
Giống như giới bóng đá Anh từ thập niên 1990 về trước, tư duy chiến thuật của HLV Wenger khá đơn điệu. Thứ bóng đá của ông luôn là bóng đá 4-4-2, mãi đến cách đây vài năm mới có thay đổi. Wenger không sở trường về "đọc" tình thế và thay đổi chiến thuật ngay trong trận đấu, như biệt tài của HLV Claudio Ranieri. Trong suy nghĩ của Wenger, người ta thậm chí phải mất 1-2 năm để thật sự có một đội bóng như mong muốn trong cách huấn luyện của mình.
Cổ lỗ sĩ quá rồi. Arsenal đã quên hẳn cảm giác vô địch Premier League sau lần đăng quang gần nhất, cách nay những 13 năm. Bây giờ, "Pháo thủ" đang tiến đến một cột mốc mới của sự thất bại: vắng bóng ở đấu trường Champions League. Và, cũng như một sự tất yếu, Arsenal rút cuộc đã bị kình địch Tottenham - chưa bao giờ là một đội bóng lớn - xếp trên trong bảng xếp hạng chung cuộc.
HLV đại tài Arsene Wenger thật sự đã ở vào một thời kỳ khác - quá khác, đến nỗi ông không còn khả năng tranh ngôi vô địch trong thời kỳ này. Arsenal không dám nhìn vào sự thật này, hay họ biết như chẳng qua... không nhất thiết phải tranh ngôi vô địch?
Trong kỷ nguyên Premier League, chỉ có Wenger và Ferguson là đạt được cột mốc 1.000 trận dẫn dắt một CLB. Gói gọn chỉ trong 1.000 trận, tính từ ngày bắt đầu dẫn dắt Arsenal và Man United, ai thành công hơn?
Hơn 3 năm trước, ngay trước trận đấu ghi nhận cột mốc 1.000 của Arsene Wenger, Sir Alex Ferguson đã có một bài viết chúc mừng:
"Tôi xin chúc mừng cột mốc quan trọng này của Arsene. Từng đạt đến cột mốc này với chỉ một CLB duy nhất, tôi cảm thấy không cần phải nhấn mạnh thêm nữa mức độ cống hiến, sự hi sinh và xin được dành sự khâm phục cao độ nhất của mình cho Arsene Wenger".
Wenger đã làm quá tốt ở Arsenal, còn Ferguson thì quá fair-play.
Chấm
điểm: W enger 1-1 FergusonCon số thống kê lên tiếng...
Trong 1.000 trận đấu đầu tiên dưới thời Wenger, tỷ lệ thắng trận của Arsenal là 57,2%, con số tương tự ở Man United của Sir Alex là 56,4%. Arsenal cũng ghi được nhiều hơn Man United 71 bàn thắng.
Wenger 2-1 Ferguson
Màn trình diễn ngày kỷ niệm
Năm 2004, HLV Alex Ferguson ăn mừng trận đấu thứ 1.000 của mình với Man United bằng chiến thắng 2-1 trên sân nhà trước Olympique Lyonnais.
Trong khi đó, trận đấu thứ 1.000 của Wenger với Arsenal là một thảm họa, khi bị đội bóng cùng thành phố - Chelsea "bóp nát" không thương tiếc đến 0-6 ở Stamford Bridge.
Wenger 2-2 Ferguson
Danh hiệu
Với 1.000 trận cầm quân cho Quỷ đỏ, Sir Alex kịp đem về 8 chức vô địch Premier League, 4 FA Cup, 1 League Cup và 1 chức vô địch Champions League.
Ở phía bên kia, Wenger kiếm được 7 chiếc cúp chỉ trong vòng 500 trận cầm quân đầu tiên ở Arsenal, nhưng phần còn lại là thảm họa.
Wenger 2-3 Ferguson
Mùa giải huy hoàng nhất
Với Sir Alex, hẳn nhiên đó là mùa giải 1998/99, với "Cú ăn ba" huyền thoại cùng lứa cầu thủ xuất sắc "Thế hệ 1992".
Tuy nhiên, 2003/04 lại là mùa giải trong mơ của "Giáo sư" Wenger cùng đoàn quân Pháo thủ, với thành tích bất bại toàn mùa, cùng chuỗi 49 trận bất bại.
Kết quả: Hòa
Kết quả chung cuộc: Wenger 3-4 Ferguson