Địa phương biết nhưng bó tay
"Trên thị trường có hàng chục ngàn loại sản phẩm dùng trong nông nghiệp, thú y, nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có những sản phẩm cấp chính thức, có loại cấp tạm.
Nhưng chứng nhận có dấu đỏ thì chúng tôi phải chấp nhận lưu hành trên thị trường, bán cho người dân. Sản phẩm nào được cấp khống thì chúng tôi bó tay"- ông Châu Công Bằng -Phó GĐ Sở NN& PTNT Cà Mau nói.
Về việc trên 800 sản phẩm được chứng nhận khống, ông Châu Công Bằng nói: "Đến giờ này Tổng cục Thủy sản, Bộ NN& PTNT chưa công bố sản phẩm nào, doanh nghiệp nào để quản lý trên địa bàn".
Chánh thanh tra Sở NN& PTNT Cà Mau, ông Phạm Thế Tài bức xúc: "Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT không công bố sản phẩm, doanh nghiệp được cấp chứng nhận khống thì làm sao chúng tôi biết manh mối mà lần để thu hồi sản phẩm kém chất lượng, gây hại cho người nuôi thủy sản?".
Ông Tài cũng cho biết: "Tỉnh Cà Mau thành lập tổ liên ngành gồm cán bộ thú y, thủy sản, trồng trọt trực thuộc Sở NN&PTNT để kiểm tra nhưng không thể quản lý chất lượng.
Chúng tôi chỉ kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, chứng nhận nguồn gốc…".
Tuy nhiên, ông Châu Công Bằng tiết lộ: "Thực ra, chúng tôi biết có việc cấp khống sản phẩm nuôi trồng thủy sản từ năm 2015 nhưng cấp trên dàn xếp, xử lý nội bộ, xử lý cán bộ làm sai".
Ông Lương Ngọc Lân - GĐ Sở NN&PTNT Bạc Liêu cũng cho biết: "Việc công bố, thu hồi sản phẩm thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT.
Trong vụ này, tôi có nghe Tổng cục Thủy sản nói rằng thay phần phụ lục công văn công bố và xử lý nội bộ".
Nông dân: Bất ngờ và bất bình
"Nông dân không thể biết hàng hóa nuôi tôm gồm chất gì, hàm lượng bao nhiêu, chỉ nghe người bán hướng dẫn và ghi trên bao bì. Cơ quan nhà nước quản lý chất lượng lại cấp khống cho sản phẩm có khác nhà phá hoại của dân nuôi tôm?".
Khi được phóng viên Tiền Phong thông tin về việc cấp khống trên 800 sản phẩm của 72 doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, rất nhiều bà con hết sức bất ngờ và không khỏi bất bình.
"Trời ơi, đến mức này thì chúng tôi biết tin vào đâu? Khi mua bán, chúng tôi nhìn vào giấy từ chứng nhận chất lượng hàng hóa nhưng khi giấy tờ bị cấp khống có trời mà biết!"- ông Triệu Nghĩ (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu) thốt lên.
Hộ ông Nghĩ vừa nuôi tôm vừa mua bán thuốc thú y và nuôi trồng thủy sản. Gia đình ông hiện đã và đang chuẩn bị thả nuôi 56 ao tôm công nghiệp.
Ông Ngô Văn Mến, ở ấp Tân Biên, xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) bức xúc: "Nông dân không thể biết hàng hóa nuôi tôm gồm chất gì, hàm lượng bao nhiêu, chỉ nghe người bán hướng dẫn và ghi trên bao bì.
Cơ quan nhà nước quản lý chất lượng lại cấp khống cho sản phẩm có khác nhà phá hoại của dân nuôi tôm?". Gần đây ông Mến tập tành nuôi tôm quảng canh cải tiến nhưng liên tục bị "gãy" dẫn đến nợ nần.
Hiện nay, tại các tỉnh ĐBSCL, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 800.000 ha, trong đó 690.000 ha nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra là các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Hàng chục ngàn hộ dân nuôi trồng thủy sản đứng ngồi không yên vì thuốc thú y- vật tư thủy sản bị chính cơ quan quản lý chứng nhận khống chất lượng.
Ông Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn), một "Vua tôm" ở Bạc Liêu lo lắng: Những doanh nghiệp sản xuất thức ăn, vật tư nuôi thủy sản kém chất lượng, giả dối thu lời khủng cho riêng họ nhưng người nuôi thủy sản thiệt hại khủng khiếp, không thể thống kê được.
Hàng triệu người dân ở ĐBSCL thất mùa sẽ ra sao khi ngành thủy sản thành kinh tế mũi nhọn của nhiều tỉnh trong khu vực.
"Mua chuộc" đại lý bằng siêu lợi nhuận
Thu hoạch tôm nuôi công nghiệp siêu thâm canh tại Cty Việt - Úc tại Bạc Liêu
Ông Năm Đô, ở ấp Rạch Lùm, xã Phong Lạc (Trần Văn Thời, Cà Mau) vừa nuôi tôm công nghiệp, vừa mua bán vật tư cho người nuôi tôm quanh vùng.
Theo ông Đô, sản phẩm vi sinh xử lý nước, thức ăn tôm, vật tư thú y thủy sản có đến hàng chục ngàn loại mà loại nào cũng quảng cáo tốt, hoa hồng cao để thu hút người làm đại lý.
"Tôi mới bán vài năm, nhân viên tiếp thị gọi điện thoại không ngủ được, tìm đến nhà phải hẹn trước và được họ cho đi nước ngoài du lịch"- ông Đô bộc bạch.
Từ một nông dân thứ thiệt, nhờ mua bán vật tư thủy sản, ông Năm Đô thường được các doanh nghiệp sản xuất thức ăn và thuốc bảo vệ thực vật đưa đi nước ngoài du lịch.
Ông Sáu Ngoãn nói: "Cứ nhìn vào hoa hồng hơn 50%, thậm chí cho không xài thử cũng đủ biết chất lượng như thế nào. Bà con nuôi tôm muốn mua rẻ, giảm chi phí sản xuất nên mua phải hàng giả, hàng nhái cũng không thể biết".