Với 250 chiếc Su-30MKI cộng thêm 36 chiếc Rafale, quân đội Ấn Độ đã có một bước nhảy vọt so với đại kình địch Pakistan và rút ngắn khoảng cách về sức mạnh với không quân Trung Quốc nhờ chất lượng máy bay chiến đấu được trang bị.
Sukhoi Su-30MKI là một máy bay tiêm kích đa chức năng do Cục Thiết kế Sukhoi (Nga) và Hãng hàng không Ấn Độ HAL (Hindustan Aeronautics Limited) chế tạo cho lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF). Nguyên mẫu phát triển dựa trên máy bay chiến đấu Su-30; Su-30MKI được trang bị bộ điều khiển vectơ đẩy và cánh mũi, cho khả năng không chiến tốt nhất.
Trong khi Dassault Rafale là một chiếc máy bay chiến đấu được thiết kế cho tất cả các nhiệm vụ, cánh tam giác, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ như: đánh chặn, trinh sát, tiến công các mục tiêu mặt đất, mang vũ khí hạt nhân, tiếp nhiên liệu cho các máy bay khác…
Rafale cũng đã thể hiện khả năng vượt trội trong những cuộc chiến mà Pháp can dự mới đây như cuộc can thiệp quân sự vào Lybia, cuộc chiến chống nhà nước Hồi giáo IS tại Iraq và Syria nhờ khung máy bay được tối ưu hóa và một loạt các cảm biến thông minh.
Tiêm kích Su-30MKI
Su-30MKI: Hội tu tinh hoa công nghệ thế giới
Hệ thống radar
Su-30 MKI được trang radar NIIP NO11M Bars, đây là một radar quét mảng pha điện tử thụ động mạnh mẽ. N011M có khả năng phát hiện các mục tiêu trong không gian, dưới mặt đất cũng như trên biển.
Radar có hệ thống định vị bằng laser có độ chính xác cao. Nó được tích hợp để điều khiển các loại vũ khí có điều khiển trên máy bay và có khả năng kháng nhiễu tốt.
N011M có phạm vi tìm kiếm 400 km và khóa mục tiêu trong cự ly 200 km ở bán cầu trước, 60 km ở bán cầu sau, phát hiện các mục tiêu mặt đất như xe tăng ở cự ly 40-50 km. Radar có thể cùng lúc theo dõi 15 mục tiêu trong không gian và dẫn bắn cho 4 mục tiêu cùng một lúc bao gồm tên lửa và bom có điều khiển.
Tương lai, khi được nâng cấp, Su-30MKI sẽ được trang bị radar Zhuk AESA có khả năng bám bắt mục tiêu và chống nhiễu tốt hơn.
Su-30MKI có thể hoạt động như một máy bay chỉ huy cảnh báo sớm (AWACS) mini hoặc là trung tâm chỉ huy cho các máy bay khác. Các tọa độ mục tiêu có thể được chuyển tự động đến ít nhất 4 máy bay khác.
Rafale được trang bị một hệ thống radar RBE2-AA do Thompson và Dassault sản xuất. Đây là radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) cho tính linh hoạt cũng như độ tin cậy cao. Radar được có khả năng dò tìm lớn hơn 200 km, khả năng theo dõi tự động địa hình và có thể theo dõi tám mục tiêu cùng một lúc và hệ thống cảnh báo radar đối phương.
Hệ thống phòng vệ
Su-30MKI được trang bị hệ thống thiết bị cảnh báo radar (RWR) được thiết kế bởi công ty DRDO của Ấn Độ, được gọi là Tarang, có tác dụng cảnh báo các mối nguy hiểm từ radar đối phương.
Su-30MKI còn được trang bị máy gây nhiễu Elta EL/M-8222 được phát triển bởi Israel Aircraft Industries (AIA). Đây là loại máy gây nhiễu tiêu chuẩn mà Không quân Israel sử dụng trên máy bay chiến đấu F-15.
Trong khi đó máy bay Rafale được trang bị hệ thống SPECTRA tích hợp đầy đủ các thiết bị chiến tranh điện tử, cung cấp khả năng phát hiện tầm xa, xác định chính xác nguồn phát hồng ngoại, tần số vô tuyến và laser.
SPECTRA bao gồm hệ thống cảnh báo radar, cảnh báo laser, cảnh báo tên lửa đang đến gần, radar mảng pha gây nhiễu và bộ phóng mồi bẫy để chống lại các mối đe dọa. Nó cũng bao gồm một đơn vị quản lý chuyên dụng cho tổng hợp dữ liệu và quyết định phản ứng đối với các nguy cơ đó.
Cho phép phi công kịp thời lựa chọn các biện pháp phòng thủ hiệu quả nhất dựa trên sự kết hợp của sự gây nhiễu radar, hồng ngoại hoặc các biện pháp đối phó điện tử.
Tiêm kích Su-30MKI và Rafele của Không quân Ấn Độ.
Khả năng cận chiến
Su-30 MKI vẫn là một trong những máy bay chiến đấu có khả năng cơ động nhất với động cơ điều chỉnh luồng phụt 3D và hệ thống cánh mũi, cho khả năng thao diễn tuyệt vời.
Rafale - tân binh của Không quân Ấn Độ
Rafale cũng có lợi thế đặc biệt của nó trong tác chiến quần vòng hẹp vì nó là một máy bay chiến đấu cánh tam giác lớn và có hệ thống cánh mũi.
Khả năng tàng hình
Rafale sử dụng rộng rãi vật liệu hấp thụ radar (RAM) dưới dạng sơn và các vật liệu khác. Đồng thời công nghệ chế tạo cũng góp phần làm giảm khả năng bộ lộ tín hiệu radar như tạo ra các vết răng cưa trên cánh. Cộng với 75% cấu trúc bề mặt Rafale và 30% khối lượng của nó được chế tạo bằng vật liệu composite nên cũng giúp làm giảm tín hiệu bộc lộ radar.
Su-30 MKI do kích thước lớn hơn, nên mặt cắt phản xạ radar rất lớn. Su-30 MKI cũng không sử dụng nhiều vật liệu hấp thụ sóng radar RAM hoặc công nghệ chế tạo có hình dạng tán xạ radar như của máy bay Rafale.
Vì vậy, trong một trận chiến mà lực lượng Không quân Ấn Độ sử dụng cả hai loại máy bay này thì hai loại sẽ bổ sung những khiếm khuyết cho nhau. Chiếc Rafale sẽ làm nhiệm vụ phát hiện ra những mối nguy hiểm trước để chiếc Su-30 MKI tiêu diệt nó.
Khả năng không chiến ngoài tầm nhìn
Rafale sử dụng tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn MBDA Meteor. Đây là loại tên lửa tầm trung tiên tiến nhất hiện nay. Meteor được thiết kế để cách mạng hóa cuộc chiến không đối không của thế kỷ 21.
Tên lửa được trang bị một đầu dò radar tiên tiến, có thể tiêu diệt các mục tiêu từ máy bay chiến đấu phản lực siêu âm đến các loại máy bay không người lái và tên lửa hành trình của đối phương. Nó được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt và có khả năng hoạt động trong những môi trường khắc nghiệt nhất.
Meteor được cài đặt với một radar tìm kiếm mục tiêu, cung cấp độ tin cậy cao trong việc phát hiện, theo dõi và phân loại các mục tiêu.
Su-30 MKI được trang bị tên lửa ngoài tầm nhìn R-77, đây là một loại tên lửa không đối không tầm trung của Nga, dẫn đường bằng radar. R-77 là loại tên lửa có tốc độ cao, chính xác và tin cậy; khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và tiêu diệt được nhiều loại mục tiêu.
Tên lửa R-77 cho phép diệt các loại mục tiêu ở các dải và độ cao khác nhau, từ tầm ngắn (lên đến 20 km) và các mục tiêu tầm xa (lên đến 80 km). Ở độ cao 15.000 m, tên lửa đạt tầm bắn đến 110 km; ở độ cao 8.000 m, tầm bắn của R-77 là 44 km; ở độ cao tương đương mực nước biển, tên lửa có tầm bắn là 21 km
Như vậy về khả năng chiến đấu ngoài tầm nhìn, với radar cực mạnh và được trang bị tên lửa không đối không Meteor; khả năng không chiến của Rafale có thể vượt qua Su-30 MKI, mặc dù Su-30 MKI được trang bị nhiều loại tên lửa không đối không khác nhau của Nga như R-77, tên lửa tầm siêu xa K-100, hoặc tên lửa nội địa Astra.
Tiêm kích Rafale.
Ngoài tên lửa không đối không, Su-30 MKI có thể sử dụng nhiều loại tên lửa không đối hải chống hạm như Kh-59MK, Kh-356 và Kh-31A, sắp tới là tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos do liên doanh Ấn Độ và Nga phát triển. Trong khi Rafale chỉ được trang bị tên lửa chống hạm MBDA AM 39-Exocet.
Như vậy, với cặp đôi Rafale và Su-30 MKI, lực lượng không quân Ấn Độ đã có những loại máy bay chiến đấu thế hệ 4+ tốt nhất, kể cả sử dụng trong không chiến trong và ngoài tầm nhìn cũng như khả năng chống hạm.
Bên cạnh việc sở hữu được Rafale để tăng cường lực lượng; việc mua Rafale sẽ giúp Ấn Độ tiếp cận được với công nghệ hàng không tiên tiến của Pháp. Trong quá khứ, Ấn Độ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài.
Hiện nay, Ấn Độ đang phụ thuộc nhiều vào Nga về công nghệ quân sự. Việc mua bán Rafale có thể giúp cho Ấn Độ tiếp cận nhiều công nghệ cao hơn từ các đối tác phương Tây để giúp họ có thể phát triển ngành công nghiệp hàng không của họ mà không phải quá phụ thuộc vào Nga.
Tiêm kích đa năng Rafale của Pháp trình diễn
Những chiếc Rafale, SU-30MKIs và máy bay chiến đấu nội địa Tejas sẽ là xương sống của Không quân Ấn Độ đến tận những năm 2045. Khi đó lực lượng không quân của Ấn Độ sẽ được trang bị những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 trong chương trình hợp tác phát triển máy bay tàng hình FGFA giữa Ấn Độ và Nga.
Điều này sẽ giúp lực lượng không quân Ấn Độ (IAF) luôn chiếm ưu thế tuyệt đối trước đại kình địch láng giềng Pakistan ít nhất trong vài thập kỷ nữa và đưa IAF trở thành lực lượng không quân mạnh ở khu vực Nam Á.