Hôn nhân không chung nhà
Câu chuyện về cặp vợ chồng Nhật Bản không ly thân nhưng cũng không sống chung một nhà từng gây chú ý trên mạng xã hội nước này. Họ đã kết hôn nhiều năm và có một người con, gia đình 3 người vô cùng hạnh phúc dù ở 2 ngôi nhà khác nhau. Vì sao gia đình này lại có một cuộc sống khác biệt như vậy?
Không giống nhiều người phụ nữ tại Nhật chọn làm nội trợ sau khi kết hôn, sinh con, người vợ Hiromi Takeda trong câu chuyện vẫn duy trì công việc huấn luyện viên thể hình và quản lý một phòng tập lớn. Người chồng Hidekazu Takeda là một nhà tư vấn chiến lược kinh doanh, công việc đòi hỏi phải liên tục giao tiếp với khách hàng, trả lời email và xử lý nhiều vấn đề phát sinh.
2 vợ chồng người Nhật chủ động chọn cuộc sống độc lập sau kết hôn
Kể từ khi gặp gỡ, kết hôn cho tới lúc có con, Hiromi và Hidekazu chưa từng chung sống với nhau. Sở dĩ họ chọn lối sống này là bởi cả 2 vợ chồng đều là những người có nhiều tham vọng, mong muốn đạt được thành công trong lĩnh vực mình theo đuổi. Mỗi ngày họ đều dành gần nửa ngày cho công việc. Điều này từng khiến cả Hiromi và Hidekazu đều trải qua đổ vỡ trong cuộc hôn nhân trước đó. Không phải ai cũng chấp nhận vợ hoặc chồng của mình coi trọng sự nghiệp hơn gia đình. Vậy nên họ lựa chọn dù kết hôn vẫn duy trì cuộc sống, công việc như trước. Đứa trẻ sẽ ở cùng mẹ còn Hidekazu sẽ lái xe đến nhà thăm vợ con 2 lần/tuần.
Lợi đủ đường vì lối sống khác biệt
Là người nghiện công việc, ngoài lúc ở công ty và đi ngủ, hầu như thời gian còn lại Hidekazu sẽ ngồi trước máy tính làm việc, thậm chí ăn uống cũng ở ngay bàn máy tính. Còn người vợ Hiromi lại có nhiều hoạt động hơn trong cuộc sống thường ngày. Cô thức dậy lúc 4h sáng để thiền định, sau đó mở máy tính sắp xếp kế hoạch trong ngày và viết blog, chia sẻ lên mạng xã hội cuộc sống cá nhân.
Gần đến giờ con đi học, Hiromi sẽ tất bật là ủi quần áo, chuẩn bị cơm trưa cho con và dọn dẹp nhà cửa. Sau khi đưa con đến trường, Hiromi mới bắt đầu công việc tại phòng gym. Lúc này mới là thời điểm người chồng Hidekazu thức giấc. Có thể thấy họ có nhịp sống hoàn toàn khác nhau, vậy nên sống khác nhà cũng là lựa chọn tối ưu với cặp đôi này.
Hai vợ chồng sống trong 2 ngôi nhà khác nhau, nhịp sống khác nhau
“Sống chung không phải yêu cầu bắt buộc trong cuộc hôn nhân của chúng tôi. Vợ chồng tôi đều hài lòng với cuộc sống hiện tại. Chúng tôi lựa chọn kết hôn như vậy để vừa có cảm giác an toàn khi một người làm chỗ dựa tinh thần, vừa duy trì lối sống của bản thân”, Hiromi nói.
Câu chuyện về cuộc hôn nhân 5 năm này khiến cư dân mạng Nhật Bản dậy sóng. Có nhiều bình luận tiêu cực cho rằng họ không làm tròn bổn phận và trách nhiệm trong cuộc sống gia đình. Nhiều cư dân mạng cảm thấy người chồng quá thiệt thòi vì không được vợ chăm sóc, lo việc bếp núc nhà cửa hàng ngày. Bên cạnh đó vẫn có những người ủng hộ người phụ nữ có sự nghiệp độc lập như Hiromi, tự tin lựa chọn cách sống mình mong muốn mà vẫn có chồng luôn ủng hộ.
Dù thế giới bên ngoài nói gì thì cặp vợ chồng này cho biết họ không quá quan tâm. Đó là bởi họ đến với nhau vì tình yêu, Hiromi thích sự đồng cảm và thấu hiểu của chồng trong khi Hidekazu bị thu hút bởi sự tự tin và tận tâm trong mọi việc của vợ.
Hai vợ chồng dành thời gian ở bên cạnh con cái
“Chúng tôi tin rằng tình yêu và sự tôn trọng giữa 2 người quan trọng hơn việc gò bó chung sống theo tiêu chuẩn chung, khiến chính chúng tôi không thoải mái. Tất cả chúng ta đều có quyền lựa chọn lối sống cho riêng mình”, Hidekazu chia sẻ.
Trên thực tế, hình thức kết hôn rồi ai về nhà nấy, tiếp tục sống chung với bố mẹ đôi bên hoặc ở riêng 2 nhà mới nổi lên những năm gần đây tại một số nước châu Á. Tại Trung Quốc, sống như vợ chồng Hiromi và Hidekazu được gọi là “hôn nhân hai ngả”. Hình thức kết hôn trở thành trào lưu do đáp ứng nhu cầu thực tế: bớt gánh nặng sính lễ cho nam giới và nữ giới có nhiều thời gian phát triển sự nghiệp hơn.
Tuy vậy, mối quan hệ hôn nhân được duy trì theo cách này hiện vẫn gây nhiều tranh cãi về tính toàn vẹn của các gia đình. Nhiều người lo ngại sống riêng biệt khiến sự gắn bó của các cặp đôi có thể suy yếu theo thời gian.
Theo Toutiao