Nguy cơ xóa sổ
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy các giá trị di sản văn hoá Việt Nam thảo bức thư gửi lãnh đạo Hà Nội hôm 4/12.
Trong thư, ông nhắc lại tầm quan trọng của Vườn Chuối: là di chỉ nằm trong khu phức hợp khảo cổ học có niên đại đặc biệt đánh dấu sự có mặt của con người trên địa bàn Hà Nội ít nhất từ 3.500-2.000 năm cách ngày nay.
Nếu xét về mặt văn hóa khảo cổ học trên cả nước thì di chỉ này có niên đại từ giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên cho tới Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn và sau Đông Sơn. Trong số này Vườn Chuối là di chỉ khảo cổ học quan trọng nhất, thuộc đất Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.
Di chỉ Vườn Chuối được phát hiện năm 1969, đến nay trải qua 8 đợt khai quật, gần nhất tháng 12/2014. PGS.TS Huy nêu thực trạng, toàn bộ 19 nghìn m2 khu di chỉ đã bị quy hoạch vào dự án Thăng Long 9.
Di chỉ khảo cổ này chưa được đưa vào danh sách kiểm kê của Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội, chưa được xếp hạng di tích nên có nguy cơ bị xoá sổ cao.
Ông Nguyễn Huy Nhâm, nghiên cứu sinh ở Nhật, từng tham gia khai quật khu vực này cũng nhắc tới thực trạng: do việc xây dựng khu đô thị Kim Chung-Di Trạch tạm thời bị đình trệ, người dân tiếp tục canh tác và chăn nuôi, rồi nạn trộm cắp hiện vật xảy ra nhiều năm qua.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội cho Tiền Phong biết, nhận được phản ánh đã cử cán bộ xuống làm việc.
“Cơ bản hiện trạng vẫn vậy nhưng cỏ mọc um tùm quá”. Biên bản làm việc giữa đại diện Ban Quản lý Di tích-Danh thắng Hà Nội, cán bộ phòng VHTT huyện Hoài Đức, cán bộ xã Kim Chung trong buổi kiểm tra di chỉ Vườn Chuối nêu hiện tượng: Dù không có công trình xây dựng trên phần đất di chỉ này, nhưng một số hộ dân tăng gia trồng cây.
Một số khu vực liền kề di chỉ Vườn Chuối có hiện tượng một số doanh nghiệp san gạt, đổ chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng.
Cấp cứu
Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Huy nêu một số giải pháp: Cho phép các nhà khảo cổ thực hiện khai quật toàn bộ di chỉ, đánh giá toàn bộ giá trị trước khi bị phá. “Hà Nội cần xem lại toàn bộ hồ sơ t8 lần khai quật trước, nhanh chóng xếp hạng di tích để có cơ sở pháp lý bảo vệ và bảo tồn”, PGS Huy nói.
Ông cũng cho rằng thành phố cần làm việc với BQL Dự án Thăng Long 9, chủ đầu tư để họ điều chỉnh quy hoạch. “Ta không phá quy hoạch, không làm khó họ nhưng tôi thấy họ có phần khuôn viên cây xanh, thành phố có thể thảo luận để họ thay đổi quy hoạch và không xây nhà trên phần đất di chỉ.
Hà Nội có thể tính toán bảo tồn một phần di chỉ cho các thế hệ sau biết về dấu mốc khảo cổ hiếm có như thế ở Hà Nội. Nếu chúng ta để mất quả là đáng tiếc”, ông nói.
Trước ý kiến của Sở VHTT Hà Nội rằng chưa thể xếp hạng di tích, chưa đưa vào danh sách kiểm kê vì chưa có quy hoạch khảo cổ, TS Nguyễn Hồng Kiên cho rằng Sở phải có trách nhiệm lên tiếng trước ý kiến của các nhà khoa học.
“Các nhà khảo cổ mong muốn giữ được những giá trị quý báu, đáng ra cơ quan quản lý phải đứng về phía các nhà khoa học, không nên nệ vào văn bản chưa có”, TS Kiên nói. Ông cũng nhấn mạnh không có chuyện giới khảo cổ cái gì cũng thích giữ lại “nhưng ít ra phải khai quật và đem hiện vật về lưu giữ”.
Ông cũng nhấn mạnh với các công trình lâu dài phải tuân theo Luật Di sản, cho phép các nhà khảo cổ vào “khai quật chữa cháy” trước khi tiến hành xây dựng. Trên thế giới các quốc gia đều thực hiện theo quy trình để các nhà khảo cổ khai quật, sau đó mới tới lượt các doanh nghiệp xây dựng.