Ngày 6/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Cần hỗ trợ đúng đối tượng
Với các nhóm nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vốn và rút ngắn thời gian làm hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp (DN).
Đồng thời, áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giảm phí và đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Ngoài ra, NHNN đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, có chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ.
Đối với các giải pháp trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng cần hỗ trợ đúng đối tượng, tập trung ưu tiên các ngành và lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, các DN có tiềm năng.
Các NH thương mại cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với những DN trong các lĩnh vực bị tác động mạnh như du lịch, dịch vụ, xuất khẩu nông sản, vận tải, dệt may, da giày.
Các chính sách về giảm, miễn thuế phí cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong thời điểm này. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính trong tháng 3 này trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch.
Đồng thời, trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước. Đây là một trong những giải pháp được các DN chờ đợi trong bối cảnh hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên là rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải cần sớm giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt.
Thủ tướng yêu cầu chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của DN do nhà nước định giá.
Được dự báo sẽ thiệt hại khoảng 7 tỉ USD do dịch, ngành du lịch đang đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản có số ca nhiễm bệnh tăng nhanh những ngày vừa qua.
Là cơ quan đầu mối, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được Thủ tướng giao đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa, quảng bá hình ảnh để thu hút khách.
Để hỗ trợ ngành du lịch vượt khó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị mở rộng diện xét và cải tiến thủ tục cấp thị thực điện tử, đề xuất việc miễn phí thị thực đối với du khách đi theo chương trình du lịch trọn gói đến hết năm 2020, trước mắt là các vùng, quốc gia không có dịch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
Tìm thị trường mới cho hàng xuất khẩu
Các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đang bị ảnh hưởng rõ rệt do dịch Covid-19. Hiện mỗi ngày tồn hàng trăm xe container hàng hóa, chủ yếu là nông sản tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai để chờ xuất đi Trung Quốc.
Do đó, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh xuất khẩu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.
Hiện nay, một số ngành sản xuất trong nước đang đối mặt với nguy cơ "cạn" nguyên liệu sản xuất như ôtô, may mặc, da giày, điện - điện tử.
Để kịp thời ứng phó, Bộ Công Thương cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho sản xuất trong nước.
Đồng thời, củng cố thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ. Ngành công thương cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo đối với các mặt hàng thiết yếu phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, bộ đã đánh giá tác động và đề xuất các phương án ứng phó trình Chính phủ để thực hiện. Bên cạnh các giải pháp triển khai ngay trong bối cảnh dịch bệnh, cần tính đến kế hoạch hậu dịch bệnh.
"Các giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng và minh bạch để DN lấy lại đà tăng trưởng là rất quan trọng. Đồng thời, hỗ trợ nguồn lực để bảo đảm DN có điều kiện duy trì sản xuất - kinh doanh, giữ thị phần phát triển khi hết dịch" - bộ trưởng cho hay.
Dưới góc độ địa phương, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết đơn vị này sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam ở các nước để hỗ trợ DN trên địa bàn TP tìm nguồn nguyên phụ liệu mới trong bối cảnh bị thiếu hụt, đặc biệt là các ngành điện - điện tử, dệt may, da giày.
Về hoạt động xuất khẩu, ông Thăng cũng đồng tình với giải pháp mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do đó, Sở Công Thương TP Hà Nội sẽ hướng dẫn DN về truy xuất nguồn gốc, đóng gói, bao bì nhãn mác, bảo quản phù hợp với yêu cầu của những thị trường khó tính.
Gia hạn khoảng 30.000 tỉ đồng thuế, tiền thuê đất
Ngay trong chiều 6/3, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trong đó, tập trung vào các ngành chịu tác động trực tiếp của dịch như du lịch, vận tải, khách sạn, dệt may, da giày.
Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo rà soát là khoảng 30.000 tỉ đồng. Dự kiến thời điểm hỗ trợ DN sẽ áp dụng ngay khi Nghị định được Chính phủ ký ban hành và sẽ kết thúc vào cuối năm 2020.
M.Chiến
Kích cầu cho du lịch ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan tăng cường truyền thông các chủ đề "Sống an toàn", "Việt Nam an toàn", khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Đây cũng là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp, trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL nêu ra tại hội nghị xây dựng kế hoạch truyền thông và kích cầu du lịch Phú Quốc tổ chức sáng 6-3 do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang phối hợp với Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam tại Phú Quốc tổ chức.
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang - cho hay trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách đến Kiên Giang đạt 1,6 triệu, trong đó khách quốc tế đạt 1,149 triệu lượt, giảm 30% so với cùng kỳ. Tổng thiệt hại về kinh tế mà Kiên Giang ước tính trong tháng 2 từ du lịch là khoảng 1.039 tỉ đồng.
Trong khi đó, tại Cần Thơ, 2 tháng đầu năm chỉ đón khoảng 1,13 triệu lượt khách, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng doanh thu từ du lịch chỉ đạt khoảng 643 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, An Giang cũng ghi nhận lượt khách du lịch trong 2 tháng đầu năm giảm từ 25%-35% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện nhiều DN cũng mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ các DN, đồng hành cùng DN để vượt qua những khó khăn. Theo đại diện Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ, Cần Thơ cũng có chiến dịch riêng để ứng phó với tình hình dịch Covid-19, chú trọng an toàn cho du khách, định hướng xây dựng hệ thống và bản đồ điểm đến an toàn dành cho khách du lịch.
Còn đại diện Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Bến Tre cho rằng cần phải có liên minh hợp tác kích cầu du lịch và cần thiết mở rộng liên kết, quảng bá ở các vùng khác.
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo khẳng định sẽ đồng hành cùng các DN để tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đẩy mạnh truyền thông "điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng", kết nối các hoạt động liên kết hợp tác, tạo ra sản phẩm kích cầu du lịch nhằm sớm giúp DN du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn.
H.Tuấn