Cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa năm 1945

B.T sưu tầm, SGK Sử 9 |

Năm 1940, Mặt trận Việt Minh được thành lập để tập hợp lực lượng đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc.

Chiến tranh thế giới thứ hai đã bước sang năm thứ ba. Sau khi lần lượt đánh bại ba nước Pháp, Bỉ, Hà Lan và chiếm phần lớn lục địa châu Âu, tháng 6 - 1941, phát xít Đức mở cuộc tấn công Liên Xô. Trên thế giới đã hình thành hai trận tuyến: một bên là các lưc lượng dân chủ, do Liên Xô đứng đầu, và một bên là khối phát xít Đức, Ý, Nhật. 

Ngay từ đầu, cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã là một bộ phận trong cuộc đấu tranh của các lực lượng dân chủ.

Trước tình hình thế giới và trong nước ngày càng khẩn trương, ngày 28 – 1 – 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Hội nghị họp tại Pác Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19 - 5 - 1941.

Cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa năm 1945 - Ảnh 1.

Lán Khuổi Nậm ở Pác Bó (Cao Bằng) nơi diễn ra Hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh

Hội nghị chủ trương trước hết phải giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách Pháp – Nhật. Hội nghị quyết định tiếp tục tạm gác khẩu hiệu "Đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày" thay bằng các khẩu hiệu "Tịch thu ruộng đất củo đế quốc và Việt gian chia cho dân cày nghèo, giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công", tiến tới thực hiện "Người cày có ruộng". 

Hội nghị chủ trương thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) bao gồm các tổ chức quần chúng, lấy tên là Hội Cứu Quốc nhằm: "Liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn".

Mặt trận Việt Minh chính thức thành lập ngày 19 - 5 - 1941. Chỉ sau một thời gian ngắn, tổ chức này đã có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân. Sau Hội nghị Trung ương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp – Nhật.

Cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa năm 1945 - Ảnh 2.

Lá cờ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mang từ nước ngoài về treo trong ngày thành lập Việt Minh

Công tác xây dựng lực lượng cách mạng tiến tới vũ trang khởi nghĩa khi thời cơ đến được đặc biệt coi trọng. Ngày từ cuối năm 1940, sau khi khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại, theo chủ trương của Đảng, một bộ phận lực lượng vũ trang khởi nghĩa được tổ chức lại thành các đội du kích, sang năm 1941 phát triển thành trung đội Cứu quốc quân hoạt động ở Căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. 

Để đối phó với sự vây quét của địch, Cứu quốc quân đã phát động chiến tranh du kích, sau đó phân tán thành nhiều bộ phận để chân chính lực lương và tiến hành công tác vũ trang tuyên truyền, gây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn.

Cao Bằng được coi là nơi thí điểm của cuộc vận động xây dựng các Hội Cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Đến năm 1942, khắp chính châu của Cao Bằng đều có Hội Cứu quốc, trong đó có ba châu "hoàn toàn" - nghĩa là mọi người đều gia nhập tổ chức Việt Minh, xã nào cũng có Uỷ ban Việt Minh. 

Rồi Uỷ ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng và Uỷ ban Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng được thành lập. Sang năm 1943, Ủy ban Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc – Lạng lập ra 19 ban xung phong "Nam tiến" để liên lạc với Căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai và phát triển lực lượng cách mạng xuống các tỉnh miền xuôi.

Cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa năm 1945 - Ảnh 3.

Các điều lệ của Việt Minh

Trong khi chú trọng xây dựng lực lượng chính trị trong quần chúng cơ bản ở nông thôn và thành thị, Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn không xem nhẹ việc tranh thủ tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân khác như sinh viên, học sinh, trí thức, tư sản dân tộc vào mặt trận cứu quốc.

Báo chí của Đảng và của Mặt trận Việt Minh (Giải phóng, Cờ giải phóng, Chặt xiềng, Cứu quốc, Việt Nam độc lập, Kèn gọi lính…) phát triển rất phong phú, đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, đấu tranh chống mọi thủ đoạn chính trị, văn hóa của địch, thu hút đồng đảo quần chúng vào hàng ngũ cách mạng.

Bước sang đầu năm 1944, tình hình nước ta và thế giới chuyển biến có lợi cho cách mạng. Cuộc chiến tranh chống phát xít bước vào giai đoạn kết thúc.

Đầu tháng 5 – 1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị cho các cấp sửa soạn khởi nghĩa và Kêu gọi nhân dân "sắm vũ khí đuổi thù chung". Không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi sục trong khu căn cứ.

Tình hình lúc này rất khẩn trương. Tháng 10 – 1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nêu rõ: "Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệ… Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!".

Cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa năm 1945 - Ảnh 4.

Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tháng 12 - 1944

Sau đó, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập (22 - 12 - 1944), phát động một phong trào đấu tranh chính trị và quân sự để thúc đẩy quá trình cách mạng tiến lên mạnh mẽ hơn nữa. Cuối tháng 12 - 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phay Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng).

Phát huy thắng lợi đầu tiến, đội quân giải phóng đã đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền, kết hợp chính trị với quân sự, xây dựng cơ sở cách mạng, góp phần củng cố và mở rộng căn cứ Cao – Bắc – Lạng, cổ vũ và thúc đấy phong trào cách mang của quần chúng trong cả nước. Quân địch ở các đồn hoang mang lo sợ. Một số Việt gian ra đầu thú chính quyền cách mạng hoặc xin trả lại của cải đã cướp đoạt của nhân dân.

Đồng thời ở Thái Nguyên, đội Cứu quốc quân phát động chiến tranh du kích. Chính quyền nhân dân được thành lập suốt một vùng rộng lớn, phía nam xuống tận tỉnh lị Thái Nguyên và Vĩnh Yên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại