Cao thủ võ Việt: Nhìn vào trò hề ở Trung Quốc mới thấy làng võ Việt Nam quá may mắn!

Tiểu Mã |

Một số nhân vật từ làng võ Việt đã chỉ ra lý do sâu xa khiến môn đồ phái Võ Đang lẫn Vịnh Xuân Quyền ở Trung Quốc để thua ê chề khi bước lên võ đài trong thời gian gần đây.

Vừa qua, làng võ thuật Trung Quốc liên tiếp trải qua những "cơn bão" khi lần lượt các võ sư truyền thống thuộc phái Vịnh Xuân rồi Võ Đang để thua ê chề khi đối đầu các võ sĩ phong trào.

Không lâu sau thất bại muối mặt của võ sư phái Vịnh Xuân – Quan Long trước một đấu sĩ Muay Thái nghiệp dư, đến lượt một võ sư khá lớn tuổi thuộc môn Võ Đang cũng để thua, bị đá gãy 2 chiếc răng khi tỉ thí với một đối thủ phong trào.

Quan Long để thua võ sĩ nghiệp dư

Võ sư phái Võ Đang để thua võ sĩ Muay Thái phong trào

Sau khi chứng kiến những thất bại muối mặt của một số võ sư phái Võ Đang và Vịnh Xuân của Trung Quốc, một võ sĩ ở đội tuyển Muay Việt Nam khi trao đổi với chuyên trang Trí Thức Trẻ, báo điện tử Tổ Quốc đã cho rằng làng võ Việt Nam may mắn khi không có những võ sư rởm và những trận đấu "ngớ ngẩn" giống như tại Trung Quốc:

"Theo tôi, các võ sư nếu chỉ tập kỹ thuật của Võ Đang hay Vịnh Xuân, sẽ rất khó để họ thi đấu với các võ sĩ chuyên đánh đài như các môn kickboxing, Muay, MMA… Những môn đó không phù hợp để đấu đài.

Ở Việt Nam, may mắn là chúng ta không xuất hiện những võ sư rởm và những trận đấu ngớ ngẩn như vậy. Một số võ sư phái Vịnh Xuân hay Võ Đang Trung Quốc đã "chết" vì quá ảo tưởng. Có thể họ chịu ảnh hưởng quá lớn bởi phim ảnh rồi tự biến mình thành những diễn viên, phải hứng chịu tất yếu là thất bại cay đắng mỗi khi thi đấu".

Trong khi đó, võ sư Đinh Ngọc Huy – Chưởng môn phái Thiếu Lâm Nam quyền Long Hổ Môn Thích Thanh Tâm tại TP.HCM đã đưa ra những góc nhìn riêng của mình:

"Những trận đấu như thế này giống như những con sâu làm rầu nồi canh. Bởi vì những người luyện võ cổ một cách bài bản vẫn có thể thi đấu đối kháng, tất nhiên là còn tùy theo từng luật đấu của các bộ môn. Vì vậy, những trận đấu như thế này chỉ mang tính cá nhân mà thôi, không thể đại diện cho một môn phái hay một nền võ thuật cổ.

Võ cổ truyền không đi xuống dốc đối với những người luyện tập chân chính, còn những người luyện tập chưa tới nơi tới chốn thì sẽ chỉ mang tính cá nhân của họ mà thôi".

Cao thủ võ Việt: Nhìn vào trò hề ở Trung Quốc mới thấy làng võ Việt Nam quá may mắn! - Ảnh 3.

Theo Chưởng môn Đinh Ngọc Huy phái Long Hổ Môn thì một số võ sư Trung Quốc không tập luyện nghiêm túc nhưng lại ngộ nhận vào khả năng của mình.

Theo vị chưởng môn trẻ tại TP.HCM thì những môn võ truyền thống thiên về nhu nhuyễn như Võ Đang, Thái Cực, Vĩnh Xuân thực chất có thể dùng để chiến đấu. Tuy nhiên, nó đòi hỏi các võ sư phải tập luyện một cách rất khoa học và nghiêm túc. Cách tốt nhất là các võ sư của những môn phái này nên tập thêm kỹ thuật của các môn võ hiện đại.

"Các môn thiên về nhu nhuyễn nên tập thêm các kỹ thuật của môn khác để có thể thi đấu đối kháng, vì bị ràng buộc bởi luật thi đấu nên phải tập thêm các môn khác để thích nghi dần.

Tất nhiên, nếu bỏ hết yếu tố luật thi đấu, những môn võ thiên về nhu nhuyễn sẽ có thể áp dụng để chiến đấu được nhưng nếu qua yếu tố luật thì sẽ rất nguy hiểm. Hơn nữa, các môn phái này chỉ có thể chiến đấu được với điều kiện là những võ sư phải tập luyện rất nghiêm túc, khoa học chứ không phải cứ mang cái mác võ cổ rồi luyện vài đường cơ bản là chiến đánh được đâu".

Trong khi đó, võ sư, HLV Phạm Đăng Khoa ở môn phái Đức Nam Nhị Khúc Côn phân tích với chuyên trang Trí Thức Trẻ, báo điện tử Tổ Quốc:

"Trận đấu vừa qua của võ sư phái Võ Đang Trung Quốc chỉ là một trong nhiều trận đấu kiểu như này diễn ra khá phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là Trung Quốc trong suốt thời gian qua. Nó không phản ánh bản chất của nền võ thuật truyền thống, mà chỉ mang tính cá nhân. Có một số võ sư họ ngộ nhận bởi những gì mà họ đang có.

Võ thuật luôn có hai phương diện. Một là rèn luyện thể chất và khả năng chiến đấu tự vệ. Hai là rèn luyện tinh thần. Tuy nhiên, ngoài nội hàm tự thân rèn luyện thể chất và tinh thần của võ thuật, thì bản chất của võ thuật là tính chiến đấu.

Khi chúng ta làm mất đi khả năng chiến đấu của võ thuật, thì võ thuật chỉ là một môn rèn luyện thể dục dưỡng sinh. Tính chiến đấu của võ thuật được thể hiện ở hai phương diện. Đó là Thế và Dụng.

Thế, là lý thuyết đòn đánh được mô phỏng qua một trận đấu tưởng tượng khi tập luyện. Dụng lại là khả năng vận dụng kỹ năng của Thế vào thực tiễn chiến đấu. Một số võ sư chỉ tập quơ múa vài bài theo giáo trình của môn phái mà họ theo tập, nghĩa là chỉ học Thế, học lý thuyết, không chú trọng đến Dụng mà nghĩ rằng đã lĩnh hội được tuyệt kỹ thâm sâu của võ thuật.

Hệ quả là khi va chạm thực tế chiến đấu, họ đều phải trả giá với những cái kết cay đắng. Như vị võ sư phái Võ Đang vừa để thua ở Trung Quốc chính là ví dụ điển hình cho trường hợp này.

Võ thuật truyền thống không có lỗi trong những trận đấu như thế này, có chăng đó là lỗi của các sư phụ đã không dạy bảo đệ tử đúng cách, mà chỉ "nổ" nhằm mục đích kiếm tiền, hậu quả đệ tử phải tự mình chuốc lấy".

Cao thủ võ Việt: Nhìn vào trò hề ở Trung Quốc mới thấy làng võ Việt Nam quá may mắn! - Ảnh 4.

Võ sư, HLV Phạm Đăng Khoa cho rằng một số võ sư Trung Quốc thua vì chỉ học "Thế" nhưng không học "Dụng".

(*Xem thêm các tin tức võ thuật hấp dẫn tại đây).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại