Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns tại Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc hôm 6/11. Ảnh Reuters
Các doanh nghiệp đổ xô về hội chợ
Đứng gần quầy quảng cáo xuất khẩu đậu nành của Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns vui mừng nhấn mạnh sự đóng góp của nước này tại một trong những hội chợ thương mại lớn nhất thế giới tại Thượng Hải.
"Chúng tôi có số lượng doanh nghiệp tham gia triển lãm lớn nhất trong năm nay - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác," Đại sứ Burns nói với các phóng viên tại Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) ở Thượng Hải, diễn ra từ ngày 5 đến 10/11/2023.
Ông nói thêm rằng phái đoàn Mỹ có mặt ở đây "để thể hiện cam kết đối với mối quan hệ chung giữa Mỹ và Trung Quốc".
Financial Times (FT) cho biết, khung cảnh đông đúc của hội chợ lần này trái ngược hoàn toàn với sự vắng vẻ của sự kiện năm ngoái. Hội chợ năm nay cũng truyền tải viễn cảnh tăng cường hợp tác của Trung Quốc với Mỹ và các công ty nước ngoài khác, bất chấp những căng thẳng còn tồn tại và khả năng phục hồi kém hơn mong đợi của thị trường sau đại dịch Covid-19.
Đại diện tiếp thị của tập đoàn Dole Food (Ireland-Mỹ) Nie Dan cho biết: "Hiện chúng tôi chỉ nhắm mục tiêu đến các thành phố cấp một vì họ có mức tiêu thụ cao hơn. Nhưng kế hoạch tiếp theo của chúng tôi là mở rộng sang các thành phố cấp thấp hơn."
Sản phẩm của Dole Food. Ảnh: Tân Hoa xã
"Đây là thị trường khổng lồ"
CIIE là sự kiện thường niên do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động vào năm 2018. Năm nay, CIIE có sự tham gia của hơn 3.000 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp đều có gian hàng triển lãm.
Người đại diện cho doanh nghiệp rượu vang Georgia, Alexandre Ebralidze nói: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia hội chợ ở Thượng Hải. Đây là một thị trường khổng lồ, chúng tôi đang cố gắng phát triển từng bước một."
Tập đoàn điện tử Pickering có trụ sở tại thị trấn Clacton-on-Sea của Anh cũng lần đầu tiên tham dự CIIE. Giám đốc tiếp thị Joe Woodford của công ty chia sẻ: "Tôi thực sự đã không chắc rằng có bao nhiêu khách hàng sẽ quan tâm và tới nói chuyện với chúng tôi. Nhưng cuối cùng lượng khách tới gian hàng đã vượt quá mong đợi."
Woodford đánh giá, tập đoàn sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển công nghiệp nhanh chóng ở thị trường tỷ dân.
"Khi Trung Quốc tăng tốc sản xuất và chi phí sản xuất tăng lên, rõ ràng họ sẽ phải tự động hóa nhiều hơn và điều đó mang lại cho công ty chúng tôi cơ hội phát triển."
Christos Vlachos, nhà tài chính Hy Lạp tham gia vào lĩnh vực tài chính xuyên biên giới với Trung Quốc từ năm 2007, cho biết: "Tôi tin rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Hy Lạp có nhiều cơ hội và đó là lý do tôi ở đây".
Ảnh: Reuters
Xu hướng nội địa hóa
Bắc Kinh tìm cách khuyến khích các doanh nghiệp ở nước ngoài quay trở lại Trung Quốc Đại lục trong năm nay nhưng đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào nước này đã sụt giảm. Hoạt động tài chính xuyên biên giới trong năm nay cũng giảm đáng kể.
Nền kinh tế Trung Quốc phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch Covid-19 trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản suy thoái, nhưng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 8/11 đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc từ 5% lên 5,4%.
Washington trong những tháng gần đây đã cử một loạt quan chức cấp cao tới Trung Quốc, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Đại sứ Mỹ Nicholas Burns cho biết: "Chúng tôi không tìm cách tách rời mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc", đồng thời lưu ý rằng thương mại hàng hóa hai chiều giữa hai nước năm ngoái ở mức cao nhất được ghi nhận là 690 tỷ USD. Chính sách của Mỹ chỉ là "giảm rủi ro".
Tuy nhiên, hội chợ CIIE năm nay cũng cho thấy xu hướng nội địa hóa đang diễn ra ở Trung Quốc. Sự thay đổi này được đẩy nhanh bởi đại dịch Covid-19 và hiện vẫn đang diễn ra.