Cảnh tượng những con gấu Bắc Cực gầy trơ xương, vấp ngã trên địa hình không có băng, ánh mắt "ngấn lệ" tìm kiếm mồi khiến nhiều người xúc động.
Con gấu Bắc Cực gầy trơ xương liên tục vấp ngã trên địa hình không băng tuyết. Ảnh: Paul Nicklen
Hiện tượng mất băng là hệ quả đáng sợ của biến đổi khí hậu. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và khả năng sinh tồn của gấu trắng. Bởi vì chúng vốn dựa vào các tảng băng để tiếp cận và tìm kiếm con mồi.
Băng tan không ngừng: Gấu Bắc Cực chỉ còn cách chờ chết
Hiện tượng băng tan chưa từng có đang khiến cho nhiều con gấu Bắc Cực chỉ còn biết chờ chết.
Theo đó, Paul Nicklen, một nhà sinh vật học kiêm nhiếp ảnh gia và các nhà làm phim tới từ tổ chức bảo tồn Sea Legacy mới đây tới quần đảo Baffin (Canada) và tình cờ bắt gặp cảnh tượng vô cùng xúc động.
Nó cố gắng tìm kiếm thức ăn để sinh tồn. Ảnh: Paul Nicklen
Đó là một con gấu trắng Bắc Cực gầy trơ xương, đói khát đến rệu rã, đang chờ chết trên hòn đảo không còn băng tuyết.
Cảnh tượng tàn khốc của tự nhiên và hoàn cảnh bi thương của con gấu Bắc Cực khiến những chuyên gia và nhà làm phim rất xúc động. Họ lặng thinh và bất giác những giọt nước mắt lăn dài trên má.
Nhưng không tìm thấy gì, con gấu tuyệt vọng nằm xuống chờ chết. Ảnh: Paul Nicklen
Nicklen cho biết, kể từ khi còn nhỏ, anh đã trông thấy hơn 3.000 con gấu trong tự nhiên. Tuy nhiên, hình ảnh con gấu Bắc Cực gầy gò, bước đi loạng choạng ở trên quần đảo Baffin là một trong những cảnh tượng khiến anh xúc động mạnh nhất.
Trao đổi với tờ National Geographic, Nicklen chia sẻ: "Chúng tôi đứng đó và bật khóc. Chúng tôi quay phim với những giọt nước mắt lăn dài trên má".
Xem video về con gấu Bắc Cực gầy trơ xương trên hòn đảo không băng:
Đoạn video đầy thương cảm được Nicklen chia sẻ trên Instagram và nhận được hơn 1 triệu lượt xem ngay sau khi vừa đăng tải.
Cụ thể, trong đoạn video đặc biệt này, người xem có thể thấy rõ con gấu Bắc Cực gầy trơ xương đang kéo lê hai chân sau để di chuyển. Nó có thể là do teo cơ vì bị đói nhiều ngày.
Băng tan khiến gấu Bắc Cực gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm thức ăn. Con gấu trong đoạn video cố lục lọi một chiếc thùng rác gần đó nhưng không tìm thấy gì. Nó đành bỏ cuộc, tuyệt vọng và nằm sụp xuống nền đất trơ trụi.
Nó quá ốm yếu. Cả đoàn làm phim đã cố gắng kìm nén xúc động để ghi lại cảnh tượng thương tâm về con gấu Bắc Cực đang hấp hối này.
Nó đau đớn vì thiếu năng lượng, cơ thể suy nhược và cơn đói liên tục bủa vây. Nicklen cho biết, con gấu trong đoạn video có thể đã chết chỉ trong vài giờ sau đó.
Khi liên tục được hỏi tại sao anh không can thiệp và cứu con gấu tội nghiệp, Nicklen cho biết: "Tôi cũng đã từng nghĩ tới điều đó. Nhưng cách thức giải cứu không giống như việc bạn đi quanh con gấu với một khẩu súng gây mê hoặc gần 200 kg thịt hải cẩu cho nó đỡ đói".
Theo nhà sinh vật học và nhiếp ảnh gia động vật hoang dã này chia sẻ, ngay cả khi có làm như vậy, việc đó cũng chỉ kéo dài thêm sự khổ sở cho con gấu. Hơn nữa, việc cho gấu Bắc Cực hoang dã ăn cũng bị cấm ở Canada.
Nicklen cho biết, anh và đoàn làm phim cố gắng ghi lại cái chết chậm đáng sợ của con gấu Bắc Cực vì không muốn nó chết một cách vô ích. Loài gấu sắp tuyệt chủng. Đây là cảnh tượng về một con gấu chết đói.
Thông điệp về biến đổi khí hậu: Phá tan bức tường "thờ ơ" của con người
Bằng cách thông qua câu chuyện về cái chết đáng sợ rất chân thực của con gấu Bắc Cực, Nicklen hy vọng có thể truyền tải được thông điệp lớn tới mọi người về những hậu quả "bi thương" của hiện tượng ấm lên toàn cầu (hệ quả của biến đổi khí hậu).
Biến đổi khí hậu có thể gây nên những hậu quả đáng sợ, ảnh hưởng đến nhiều loài động thực vật và cả con người.
Gấu trắng Bắc Cực đang "sống mòn" vì hiện tượng băng tan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ảnh: Paul Nicklen
Cụ thể, loài gấu trắng Bắc Cực từ lâu đã được coi là vật biểu trưng, điển hình cho ví dụ về tác động có thật của biến đổi khí hậu. Vốn chủ yếu sinh sống ở các vùng cực, chúng thường là loài đầu tiên chịu tác động trực tiếp của nhiệt độ tăng cao và mực nước biển dâng cao.
Băng tan dần đã và đang gieo rắc những cái chết đáng sợ, đau đớn và tuyệt vọng cho loài gấu này. Đặc biệt là trong các tháng mùa hè, gấu Bắc Cực có thể sẽ phải trải qua nhiều tháng không ăn trong khi chờ băng ở Bắc Cực đông cứng lại.
Vào tháng 3/2017, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo rằng, nếu "kịch bản" phát thải khí nhà kính như hiện nay thì phần băng còn lại của Bắc Mỹ sẽ bị tan chảy trong khoảng 300 năm tới.
Nếu không có giải pháp thích hợp, số lượng loài gấu Bắc Cực sẽ giảm đi trông thấy và có nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn.
Số lượng gấu Bắc Cực ngày càng sụt giảm. Ảnh: Kerstin Langenberger Photography
Hơn nữa, nếu Trái Đất tiếp tục ấm lên và hiện tượng băng ngày càng thấp ở mức kỷ lục thì chúng ta sẽ không những mất đi loài gấu trắng Bắc Cực và còn là toàn bộ các hệ sinh thái cực.
Có lẽ giải pháp hiện nay con người nên nỗ lực thực hiện trước viễn cảnh khủng khiếp của biến đổi khí hậu đó là cắt giảm lượng khí thải carbon, tiết kiệm lương thực, sử dụng năng lượng tái tạo, ngừng chặt phá rừng, ...
Chúng ta cần phải hành động trước khi quá muộn. Ảnh: Huffington Post
Con người cần phải chung tay hành động để bảo vệ các loài vật đáng thương như gấu Bắc Cực, chim cánh cụt, ... và cả chính cuộc sống tương lai của chúng ta.
Bài viết tham khảo các nguồn: NationalGeographic, Dailymail