"Tạm thời Nga không nên thay đổi chiến lược vũ khí hạt nhân trong trường hợp Mỹ rút khỏi INF, vì không có tình huống gia tăng căng thẳng cụ thể, ví dụ, Mỹ không triển khai tên lửa đạn đạo tại châu Âu"
Đó là quan điểm của ông Viktor Murakhovsky - Tổng biên tập tạp chí "Kho báu của Tổ quốc" và là thành viên Hội đồng chuyên gia của Tổ hợp Công nghiệp Quân sự.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với tờ Zvezda, cựu Tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa chiến lược Nga (1994-1996) - tướng Viktor Esin cho rằng hệ thống tấn công đáp trả bằng hạt nhân tự động "Perimeter" của Nga có thể vô ích trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.
Theo ông Esin, hệ thống này đang hoạt động và đã được hiện đại hóa, "nhưng khi nó bắt đầu được triển khai, chúng ta sẽ có ít phương tiện còn lại - chúng ta chỉ có thể phóng những tên lửa còn sót lại sau cú tấn công đầu tiên của kẻ xâm lược".
Mỹ sẽ có thể đạt được điều này nếu vi phạm Hiệp ước INF và triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung ở châu Âu. Họ có thể tiêu diệt hầu hết các tên lửa Nga ở phần châu Âu và chặn những tên lửa còn lại đang bay nhờ hệ thống phòng thủ tên lửa.
Ông Esin cũng nhấn mạnh rằng, trong điều kiện hiện tại, Nga sẽ phải xem xét lại học thuyết quân sự của mình và đẩy nhanh việc sản xuất tên lửa tầm trung, đồng thời cho biết Moskva có thể thực hiện được việc này trong thời gian ngắn trên cơ sở tên lửa ba tầng Yars.
"Chẳng lẽ cần có lời đáp trả của Nga trong trường hợp Mỹ rút khỏi hiệp ước hay sao? Nga không cần phải thay đổi chiến lược vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu Washington quyết định triển khai tên lửa đạn đạo tại châu Âu thì lại là chuyện khác.
Cần đánh giá tình hình quân sự cụ thể. Mỹ không có vũ khí bị liệt vào danh sách của Hiệp ước INF. Khi mà Mỹ chế tạo ra những vũ khí này thì mới có thể nói tới chuyện chúng ta sẽ thay đổi kế hoạch của mình" - ông Murakhovsky nói.