Sáng nay 17-1, tòa nhà dầu khí ở đại lộ Lê Lợi, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), nơi xảy ra vụ cháy đêm 16-1 khiến 2 người chết và 12 người nhập viện cấp cứu, đã được cơ quan chức năng phong tỏa hiện trường để điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Là người may mắn thoát nạn trong vụ cháy tòa nhà dầu khí , anh Trịnh Minh Trung (SN 1984, nhân viên Công ty kiến trúc Thanh Hóa) cho biết công ty anh thuê và làm việc tại tầng 9 của tòa nhà dầu khí, thời điểm đang làm việc, anh ngửi thấy mùi khét và có khói bốc lên nhưng không rõ cháy ở đâu.
Một lúc sau, anh Trung mở cửa bước ra thì thấy khói đen bốc lên mù mịt. Lúc này, anh Trung và 1 người giám đốc tên Cường đã chạy ra cầu thang máy để xuống nhưng cùng lúc đó điện ngắt.
"Chúng tôi men theo cầu thang bộ, khi đi xuống thấy nhiều người la hét thất thanh và khói đen dày đặc nên chúng tôi đã quay lại đi lên tầng thượng rồi bật điện thoại kêu cứu"- anh Trung thuật lại.
Nam nhân viên này còn cho biết do hít phải khí độc nên khi đi ngược lên, có lúc anh như muốn gục xuống, thế nhưng anh vẫn gắng gượng để trèo lên được tầng thượng. Anh Trung nói trong đời chưa bao giờ gặp phải cảnh tượng cận kề cái chết như hôm qua.
Sau khi lên tầng thượng kêu cứu khoảng 60 phút, anh và những người gặp nạn đã được lính chữa cháy tới hỗ trợ đưa xuống đất an toàn.
Clip trung sĩ Dương Văn Nam kể lại việc tham gia cứu người tại vụ cháy tòa nhà dầu khí
Nằm điều trị tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn còn khá mệt mỏi sau buổi tối vật lộn với "giặc lửa" để đưa các nạn nhân gặp nạn ra khỏi tòa nhà dầu khí.
Thuật lại sự việc xảy ra tối qua 16-1, trung úy Vũ Việt Dũng (SN 1992), cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết vào khoảng 18 giờ 30 phút ngày 16-1, đơn vị anh nhận được thông tin vụ cháy xảy ra tại tòa nhà dầu khí ở TP Thanh Hóa nên đã nhanh chóng cùng các chiến sĩ khác tới hiện trường để dập lửa, cứu người.
"Tới nơi, chúng tôi thấy lửa đang cháy rất lớn tại tầng 3 của tòa nhà. Lúc này, các xe chữa cháy tiến hành phun nước dập lửa, còn anh em chúng tôi được giao nhiệm vụ tiếp cận khu vực những người gặp nạn.
Khi chúng tôi lên tới tầng 7 thì phát hiện có rất nhiều người bị ngạt khí, lúc này có 2 chiến sĩ đi cùng là trung sĩ Nam và binh nhất Đông đã nhanh chóng nhường mặt nạ chống độc cho các nạn nhân để hỗ trợ đưa họ ra ngoài" - trung úy Dũng nói.
Tòa nhà nơi xảy ra vụ cháy tối 16-1
Cũng theo Cảnh sát PCCC Vũ Việt Dũng, sau khi nhường mặt nạ chống độc cho các nạn nhân, 2 cán bộ của anh cũng đã bị ngạt khí nhưng rất may đã được các chiến sĩ khác hỗ trợ đưa ra ngoài kịp thời.
Nói về hành động nhường mặt nạ chống độc của mình cho các nạn nhân, trung sĩ Dương Văn Nam (1997) cho biết bản thân lúc đó chỉ muốn cứu người nên thấy nhiều người bị ngạt khí trong tòa nhà, anh đã quên cả bản thân mình nhường ngay mặt nạ chống độc cho người khác, rồi lao vào nhà vệ sinh đóng cửa tránh khói.
"Lúc nhường mặt nạ cho các nạn nhân, tôi và anh Tống Văn Đông đã phải chạy vào nhà vệ sinh xả nước, đóng cửa lại để chống khói và chờ các lực lượng khác tới ứng cứu" - trung sĩ Nam kể lại.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã thông tin, vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực tầng 3, Tòa nhà dầu khí trên đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa vào khoảng 18 giờ ngày 16-1.
Ngọn lửa nhanh chóng bùng phát mạnh, thời điểm đó có nhiều người đang mắc kẹt trên các tầng cao của tòa nhà.
Hiện trường vụ cháy tòa nhà dầu khí khiến 2 người chết và 12 người bị thương
Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều 10 xe chữa cháy, gần 100 cán bộ chiến sĩ tới hiện trường, nhanh chóng tiến hành dập lửa và khẩn trương tiếp cận, giải cứu những người bị mắc kẹt. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.
Hậu quả, vụ cháy đã làm 2 người chết là chị L.T.P. (SN 1991, ngụ huyện Nông Cống) và chị N.T.T.H. (SN 1994, ngụ phường Đông vệ TP Thanh Hóa); 12 người bị ngạt khí, trong đó có 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Thanh Hóa.
Được biết, tòa nhà Dầu khí Thanh Hóa cao 11 tầng, do Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) sở hữu. Công ty này giao cho chi nhánh Thanh Hóa quản lý, sử dụng.
Ngoài ngành dầu khí, tòa nhà còn có khoảng 30 đơn vị khác thuê địa điểm để làm việc. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, có rất nhiều người của các công ty khác nhau đang làm việc thêm giờ để kịp cho Tết.