Vụ trộm đầu tiên
Sinh ngày 10-10-1930 tại hạt Slab Fork, bang West Virginia, Mỹ, Dopris Maria Payne là con gái của một phụ nữ da đỏ thuộc bộ tộc Cherokee, còn cha cô là người Mỹ gốc châu Phi, mù chữ.
Ngay từ khi biết suy nghĩ, Payne đã chứng kiến những trận đòn tàn bạo mà cha cô dành cho mẹ cô.
Sự bạo hành ấy đã khiến Payne có ác cảm rất sâu sắc về đàn ông đến nỗi năm 2017, trong một lần trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, Payne nói: "Tôi sẽ không bao giờ đặt mình dưới tay một gã đàn ông nào cả".
Khi Payne 16 tuổi, tình trạng hôn nhân của mẹ cô càng lúc càng tồi tệ.
Hầu như ngày nào bà cũng bị chồng đánh chỉ vì tiền công kiếm được bằng cách đẩy xe cút kít chở những bao đậu nành từ nhà kho vào chợ, không đủ để ông chồng mua rượu uống. Tất cả những điều ấy thúc đẩy Payne phải làm một cái gì đó cho mẹ
Payne năm 35 tuổi, bị cảnh sát Cleveland tạm giữ vì tình nghi ăn cắp nữ trang.
Mà làm gì được khi Payne chỉ là đứa con gái mới lớn! Một sáng chủ nhật, Payne mặc bộ váy áo tươm tất nhất, lên xe bus đến thành phố Pittsburgh.
Tại một cửa hàng bán nữ trang, Payne đề nghị nhân viên bán hàng cho cô xem cùng lúc cả chục chiếc nhẫn kim cương, chiếc nọ nối tiếp chiếc kia.
Và mặc dù Payne có 2 dòng máu châu Phi, da đỏ, nhưng cô lại không đen, nhìn cô giống như người Nam Mỹ nên nhân viên bán hàng rất sốt sắng vì thời điểm đó, người Nam Mỹ ở Goatemala, Urugoay, Chile…, nổi tiếng là có rất nhiều vàng.
Sau khi xem xong, Payne cảm ơn rồi trả lại nhưng một tích tắc trước đó, cô đã khéo léo nhét một chiếc nhẫn vào lưng váy. Chiếc nhẫn ấy, Payne bán được 1.250USD (tương đương 250.000USD hiện nay).
Trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, Payne nói: "Tôi đưa hết cho mẹ tôi, bảo bà trốn về quê hương của bà ở bang South Dakota, dùng số tiền ấy làm lại cuộc đời. Cũng kể từ đó, tôi bỏ nhà ra đi rồi chẳng bao giờ còn gặp lại mẹ nữa".
Và như cổ nhân đã nói: "Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen thói", thấy việc trộm cắp dễ dàng quá, một tuần sau Payne thực hiện vụ thứ hai cũng tại thành phố Pittsburgh. Lần này, cô lấy một chiếc nhẫn kim cương, bán được 900USD.
Dùng số tiền ấy, Payne sắm sửa mấy bộ cánh sang trọng, áo khoác lông hải ly, ví tay và giày cao gót bằng da đà điểu.
Payne nói: "Vào giai đoạn mà người Mỹ gốc Phi bị đối xử như công dân hạng ba thì tôi lại giành được sự kính trọng của các nhân viên bán hàng, kể cả quản lý.
Trò chơi rất đơn giản: Tôi bước vào cửa hàng và làm như thể tất cả các loại nữ trang bày trong tủ kính đều thuộc về tôi.
Tôi yêu cầu họ cho tôi xem hết thứ này đến thứ khác với tốc độ chóng mặt để họ không còn nhớ là họ đã lấy cho tôi bao nhiêu thứ.
Sau đó, chỉ bằng một chút khéo léo, một chiếc nhẫn nào đó nằm gọn trong váy tôi. Cuối cùng, việc cần làm là nói lời cảm ơn và tạm biệt".
William McCoy, chủ cửa hàng nữ trang Gold & Jewels ở New York cho biết: "Cô ta rất duyên dáng, lịch thiệp. Tất cả chúng tôi đều bị đánh lừa vì điều này.
Khi cô ta đi khỏi và khi nhân viên của tôi sắp xếp lại từng món nữ trang vào vị trí của nó thì mới biết là mất nhưng lúc ấy, cô ta giống như đã tan vào không khí rồi".
Trộm cắp xuyên quốc gia
Cho đến khi bị bắt lần cuối cùng vào ngày 17-7-2017, Payne chỉ nhớ là mình đã thực hiện gần 1.800 vụ trộm, bán được hơn 2 triệu USD nhưng theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI, nếu tính giá trị đồng đôla Mỹ từ năm 1946 - là năm Payne thực hiện vụ trộm đầu tiên đến năm 2017, thì nó phải hơn 90 triệu USD.
Trong 70 năm "hành nghề", Payne có 23 cái tên, 9 hộ chiếu. Địa bàn hoạt động của "nữ quái siêu trộm" không chỉ gói gọn trong lòng nước Mỹ mà còn ở Paris, Pháp, London, Anh, Amsterdam, Hà Lan, Milan, Italia, Tokyo, Nhật Bản…
Vẻ mặt có vẻ hiền lành của Payne ở tòa án khiến chẳng ai nghĩ lão bà là siêu trộm cắp. |
Năm 1952, Payne bị bắt lần thứ nhất. Tại một tiệm kim hoàn ở Monte Carlo, Công quốc Monaco, Payne mắc sai lầm khi thực hiện trò "ảo thuật" để làm biến mất một chiếc nhẫn kim cương với 9 con số 0 khắc trên thành nhẫn.
Và bởi vì chiếc nhẫn quá đặc biệt nên nhân viên cửa hàng phát hiện ngay khi Payne ra khỏi cửa. Bị cảnh sát Monaco bắt lúc vừa đến sân bay để về New York nhưng cảnh sát lại không tìm thấy chiếc nhẫn trong người Payne cũng như trong hành lý của cô.
Ở buồng giam, Payne cạy viên kim cương 10 carat ra khỏi vỏ nhẫn, ném vỏ nhẫn vào bồn cầu còn viên kim cương thì cô giấu vào một cái lỗ được thiết kế rất khéo léo trong khóa thắt lưng.
Được tha sau 9 tháng vì không đủ bằng chứng, Payne bán viên kim cương ở New York với giá 148.000USD trong lúc cả chiếc nhẫn có giá 500.000USD.
Năm 1980, Payne - lúc này 50 tuổi - bị bắt lần thứ hai ở bang Ohio, Mỹ, khi lấy cắp một chiếc nhẫn ở cửa hàng trang sức King's Crown.
Mặc dù đã giấu nó vào cái túi nhỏ trong váy nhưng không hiểu sao, lúc Payne bước ra thì nó rơi xuống đất. Bị tạm giam và trong lúc chờ ra tòa, "nữ quái siêu trộm" khai ốm để được cho đi bệnh viện.
Nằm điều trị chưa đầy 1 ngày, đến nửa đêm Payne trốn mất.
Liên tiếp 10 năm sau đó, Payne thực hiện trót lọt hàng nghìn vụ trộm. Đến ngày 22-1-2010, Payne bị bắt tại cửa hàng Saks nằm trên Đại lộ thứ Năm, hạt Costa Mesa, bang California vì một lý do rất ngớ ngẩn.
Lúc bước vào cửa hàng này, Payne đã không cưỡng nổi trước vẻ đẹp của chiếc áo khoác hiệu Burberry.
Mặc dù nữ quái thừa tiền để mua nó vì nó chỉ có giá 1.300USD nhưng chẳng hiểu sao, Payne lại mặc nó vào và thản nhiên ra cửa. Bị phát hiện vì trong áo có gắn chip theo dõi, nữ quái bị tạm giam 2 tiếng rồi được trả tự do sau khi đã nộp 500USD tiền phạt.
Trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, Payne nói: "Biết sao được. Tôi cũng chỉ là phụ nữ, mà phụ nữ nào lại chẳng thích làm đẹp".
Tháng 1-2011, ở tuổi 81, Payne bị tòa án thành phố San Diego, bang California tuyên phạt 16 tháng tù vì ăn cắp 1 chiếc nhẫn kim cương 1 carat.
Trước đó, trong quá trình thẩm vấn, cả cảnh sát bang California lẫn Cục Điều tra Liên bang FBI đều không ngờ rằng bà già da dẻ nhăn nheo, răng rụng mất vài chiếc, khuôn mặt có vẻ hiền lành lại là tác giả của gần 1.300 vụ trộm (chỉ tính riêng trong nội địa nước Mỹ) suốt hơn 60 năm qua.
Tim Wayne, điều tra viên thuộc Sở Cảnh sát San Diego nhớ lại: "Khi tôi hỏi Payne rằng động cơ nào đã khiến bà thực hiện hành vi trộm cắp thì bà ta cười rất… tội nghiệp: "Già thấy đẹp quá mà già không đủ tiền mua nên già mới ăn trộm thôi.
Cả đời già chỉ ao ước được đeo một chiếc nhẫn kim cương nhưng nếu không ăn trộm thì chắc đến chết cũng chẳng có".
Cây kim trong bọc lòi ra
Cuối tháng 5-2012, sau 16 tháng thụ án, Payne được thả. Chứng nào tật nấy, ngày 29-10-2013, "nữ quái siêu trộm Payne", 83 tuổi, bị bắt vì ăn cắp một chiếc nhẫn kim cương trị giá 22.500USD ở Palm Desert, bang California.
Lần này, Payne nhận tội và bị kết án 2 năm tù cùng 2 năm quản chế, cấm không được đặt chân vào các cửa hàng trang sức.
Lão bà Payne ra khỏi tù ở tuổi 87, sau 2 tháng tù giam. |
Tuy nhiên, sau 3 tháng nằm trong trại giam, Payne được thả vì nhà tù… quá đông, không đủ chỗ chứa! Trước khi thả, cảnh sát đeo vào chân Payne 1 chiếc vòng theo dõi.
Ngày cũng như đêm, nó liên tục tuyền tín hiệu về Sở Cảnh sát Palm Desert và như vậy, cảnh sát hoàn toàn có thể biết Payne đi đâu, đến đâu, vào thời điểm nào.
Tháng 7-2015, Payne lấy cắp trót lọt một nhẫn kim cương trị giá 33.000USD ở thành phố Charlotte nhưng chẳng hiểu sao, chiếc vòng theo dõi lại mất tín hiệu khiến cảnh sát không thể buộc tội lão bà.
Tuy nhiên lần này, FBI bắt đầu đặt nghi vấn về Payne.
Tìm kiếm trong hồ sơ tàng thư, FBI thấy một tấm hình của Payne, do Sở Cảnh sát thành phố Cleveland, bang Ohio chụp ngày 18-5-1965 vì nghi ngờ Payne có liên quan đến vụ mất cắp tại một cửa hàng nữ trang vàng bạc trong thành phố.
Tiến hành gửi hình ảnh và thông báo đến tất cả các sở sảnh sát trên toàn nước Mỹ, FBI nhận được một số phản hồi, tình nghi Payne là thủ phạm của những vụ trộm cắp nữ trang xảy ra tại địa phương họ.
Không hề biết rằng mình đã nằm trong tầm ngắm của cảnh sát, Payney vẫn nhởn nhơ thực hiện những chuyến trinh sát mục tiêu.
Trong vai một lão bà quý tộc Nam Mỹ giàu có, ngày 23-1-2017, Payne vào cửa hàng nữ trang ở Atlanta, bang Georgia rồi bằng trò ảo thuật nhanh tay lẹ mắt, lão bà cuỗm một đôi bông tai kim cương của nhà sản xuất thời trang lừng danh Christian Dior, trị giá 96.000USD.
Và cũng như lần trước, chiếc vòng theo dõi cũng mất tín hiệu.
Sau này, các kỹ thuật viên của FBI mới biết nếu người đeo vòng đến những nơi phát ra từ tính - như một nam châm điện tại một nhà máy chẳng hạn - thì tín hiệu của vòng sẽ bị từ tính phá hủy, mà cửa hàng nữ trang ở Atlanta lại nằm trên một đường tàu điện ngầm, nơi phát ra từ tính rất mạnh.
Và rồi chuyện gì đến ắt sẽ đến nhưng lần này, nó đến vì một món đồ rất tầm thường. Ngày 17-7-2017, lão bà bị bắt khi vừa ăn cắp một nhẫn bạc, giá chỉ có 86,22USD ở cửa hàng Wal Mart.
Chiếc vòng kiểm tra ở cổ chân Payne đã gửi tín hiệu về sở cảnh sát nên chẳng khó khăn gì trong việc xác định Payne là thủ phạm vì thời điểm xảy ra vụ mất cắp, tín hiệu cho thấy Payne đang có mặt ở nơi này.
Tuy nhiên, tuổi tác đã cứu Payne. Lão bà chỉ bị giam 2 tháng rồi được thả những vẫn phải đeo vòng kiểm tra, đã thiết kế lại để chống từ tính.
Trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, Payne thản nhiên: "Ở tuổi 87, đôi tay tôi vẫn còn nhanh nhẹn lắm và không có gì bảo đảm rằng tôi sẽ lại không ăn cắp thêm một lần nữa".
Khi được hỏi bà có chút nào hối hận về cuộc sống phạm pháp của mình hay không? Payne cười móm mém: "Không! Tôi không hối hận vì tôi là kẻ chuyên ăn cắp đồ trang sức, nhưng tôi hối hận vì sao tôi lại ngớ ngẩn để mình phải bị bắt mấy lần…".
Chi tiết cuối cùng về nữ quái Payne là khi bắt bà ngày 17-7-2017, cảnh sát đã khám xét chỗ ở của bà nhưng không tìm ra bất cứ một thứ tài sản nào đáng giá. Payne cũng chẳng có tài khoản trong ngân hàng.
Hơn 90 triệu USD (tính theo thời giá hiện nay) là kết quả của 1.800 vụ trộm biến đi đâu thì vẫn là điều bí ẩn, chẳng ai hiểu được vì Payne không chồng, cũng chẳng có con, lại không cha mẹ, anh chị em để lão bà có thể chia sẻ số tài sản trộm cắp được…