Cảnh sát Giao thông và định kiến

Ngô Nguyệt Hữu |

Hai vụ lăng mạ, hành hung Cảnh sát Giao thông (CSGT) xảy ra liên tiếp tại hai thành phố lớn là Cần Thơ và Hà Nội cho thấy cần đến lúc có biện pháp mạnh để gìn giữ, bảo vệ hình ảnh chiến sĩ CSGT.

Khi vụ việc một sỹ quan quân đội hưu trí có lời nói, cử chỉ không đúng chuẩn mực đối với Trung úy CSGT tại Thành phố Cần Thơ chưa hạ nhiệt, thì ngay tắp tự, một vụ việc khác với mức độ hành vi nghiêm trọng hơn lại xảy ra tại TP.HCM.

Khoảng 18h ngày 17-7, khi điều khiển xe ô tô đến gần giao lộ Ung Văn Khiêm – Nguyễn Xí (Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM), bà Trịnh Thị Thùy Dương đã điều khiển xe lấn trái làn.

Lúc này, một chiến sĩ CSGT công tác tại đội CSGT Hàng Xanh đang làm nhiệm vụ điều tiết giao thông tiến đến nhắc nhở, yêu cầu bà Dương điều khiển xe đúng làn nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.

Thay vì chấp hành yêu cầu này vì sai làn đường, bà Dương đã với thái độ không thể hung hăng hơn đã tấn công chiến sĩ cảnh sát giao thông. Đồng thời, với những ngôn từ không thể vô văn hóa hơn đã được bà Dương liên tục thốt ra để nhục mạ chiến sĩ CSGT này.

Một người đi đường đã quay lại toàn bộ vụ việc và post lên mạng xã hội. Rất nhanh chóng, đoạn clip ấy đã tạo nên sự phẫn nộ trong dư luận. Không ai chấp nhận được hành vi vô văn hóa, coi thường người thi hành công vụ của bà Dương.

Sáng 18-7-2017, tôi có gọi điện thoại trao đổi với Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Hàng Xanh, đồng chí Đội trưởng cho biết công an Phường 25 đã mời bà Dương lên làm việc, lập hồ sơ xác minh xử lý. Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng một vụ việc nghiêm trọng như thế này bắt buộc phải khởi tố tiến đến xử lý hình sự.

Cần phải nói thêm rằng cơn mưa dầm kéo dài từ trưa đến chiều ngày 17-7 đã khiến tình hình giao thông tại TP.HCM trở nên hỗn loạn, đặc biệt là vào giờ tan tầm. Khu vực Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh…. vào chiều qua kẹt xe nghiêm trọng, lực lượng CSGT phải căng mình ra điều tiết phân luồng giao thông dưới mưa.

Đây không phải là hai vụ việc lăng mạ, tấn công CSGT đơn lẻ, mà gần như tuần nào tháng nào cũng có những chiến sĩ CSGT lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” này.

Định kiến của một bộ phận dư luận đã khiến hình ảnh người chiến sĩ CSGT trở nên không trọn vẹn. Bản thân của các chiến sĩ CSGT cũng chịu nhiều sức ép khi đối diện với thái độ hằn học của người vi phạm, với điện thoại có chức năng ghi hình chụp ảnh luôn chĩa sẵn vào mình khi thực thi nhiệm vụ.

Trong lực lượng công an, CSGT là đơn vị tiếp xúc, va chạm với nhân dân nhiều nhất. Đa phần những va chạm tiếp xúc ấy điều trong tình huống không ai muốn, nghĩa là trong hoàn cảnh xử lý vi phạm. Mà có ai vi phạm lại có thiện cảm với người xử lý mình bao giờ?.

Ngay cả nhiều bài viết trên các cơ quan thông tấn, việc chuyển tải những hình ảnh tiêu cực nhiều hơn những hình ảnh tích cực cũng góp phần khiến dư luận có cái nhìn không đúng đắn, thậm chí là lệch lạc đối với lực lượng CSGT.

Một điều khá mâu thuẫn là người dân thường quên mất tự vấn mình vì sao lại vi phạm giao thông để bị xử lý, tại sao lại không chấp hành luật giao thông? Thay vào đó, mỗi lần có hành vi vi phạm luật giao thông, người vi phạm lại vin vào những tiêu cực đã bị xử lý trước đó trong lực lượng CSGT để đổ vấy.

Lãnh đạo Bộ Công an, Thủ trưởng các đơn vị CSGT chưa bao giờ dung túng cho những sai phạm của các chiến sĩ CSGT. Điển hình nhất là vài hôm trước, loạt điều tra trên một tờ nhật báo phản ánh tình trạng kiểm tra phương tiện giao thông chớp nhoáng của CSGT, ngay lập tức Ban Giám đốc Công an của các Tỉnh bị phản ánh đã yêu cầu các chiến sĩ CSGT bị nêu tên viết kiểm điểm, giải trình tạm thời không thi hành nhiệm vụ chờ xác minh điều tra làm rõ.

Bởi có những cái nhìn định kiến, mà định kiến thì không trao đổi được, nên dư luận đã quên đi mất những hình ảnh chiến sĩ CSGT dầm mưa điều tiết giao thông, chôn chân trong lũ để hướng dẫn các phương tiện tham gia lưu thông nhằm đảm bảo sự an toàn, rồi những ngày nắng nóng cao độ chiến sĩ CSGT vẫn phải làm nhiệm vụ.

Ngay trong cơn mưa chiều, ngay trong ngày nắng gắt, ngay sáng sớm hay khuya lắc khuya lơ, người chiến sĩ CSGT vẫn tuần tra, giám sát nhằm giữ gìn sự thông thoáng trên đường.

Quan trọng hơn, việc gì phải ra việc đó. Chiến sĩ CSGT có tiêu cực thì sẽ bị xử lý và cá nhân lăng mạ, tấn công chiến sĩ CSGT cũng phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật, không thể lấy định kiến để biện hộ cho những sai trái, vi phạm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại