Việt Nam có thể thành lập lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh: Kinh nghiệm và xu hướng quốc tế

Sao Mai |

Rất có thể trong thời gian tới, trong đội hình của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02) sẽ có thêm Trung đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh.

Trong những ngày qua, một thông tin đã làm xôn xao giới nghiên cứu quân sự trong nước, đó là tại dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cảnh sát cơ động (thay thế Pháp lệnh Cảnh sát cơ động) để lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công an đã hé lộ một số hình thức tổ chức mới của lực lượng Cảnh sát cơ động.

Theo đó, trong thời gian qua, Đảng ủy Công an TW, lãnh đạo Bộ Công an đã kết luận, chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng đối với việc tăng cường xây dựng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; dự kiến tăng thêm về lực lượng, tổ chức mới như: thành lập Trung đoàn Không quân Công an nhân dân, Trung đoàn Cánh sát cơ động kỵ binh …

Như vậy, rất có thể trong thời gian tới, trong đội hình của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02) sẽ có thêm Trung đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh.

Mặc dù chưa có những thông tin cụ thể về tổ chức biên chế, vũ khí trang bị của cảnh sát cơ động kỵ binh Việt Nam, nhưng trên thế giới đã có một số mô hình cảnh sát kỵ binh có thể giúp chúng ta ít nhiều hình dung về lực lượng đặc biệt này.

Những ưu thế của cảnh sát kỵ binh

Trong lịch sử, kỵ binh là binh chủng bộ đội sử dụng động vật cưỡi (chủ yếu là ngựa, nhưng có thể có thêm lạc đà, trâu v.v…) trong hoạt động tác chiến. Là lực lượng có tính cơ động cao, trong một thời gian rất dài, đây là lực lượng quan trọng trong hoạt động của mọi quân đội.

Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là khi nền công nghiệp cơ khí cho ra đời các loại xe cơ giới, pháo, và súng máy, thì kỵ binh dần mất đi ưu thế của mình. Kể từ thập niên 40 của thế kỉ XX, kỵ binh truyền thống đã gần như biến mất.

Các đơn vị mang tên "kỵ binh" thực ra chỉ là bộ binh được trang bị thêm ngựa để vận chuyển khí tài chứ không sử dụng ngựa để xung phong khi tác chiến như trước đây.

Ở Liên Xô, từ chỗ là binh chủng lừng lẫy danh tiếng của thời kỳ Nội chiến (nhiều người Việt Nam đã từng một thời say mê với nhân vật Pavel Korchagin trong "Thép đã tôi thế đấy", nguyên là một lính kỵ binh của của lữ đoàn Budyonny), kỵ binh truyền thống đã được biên chế thành các đơn vị kỵ binh cơ giới hóa, để lấp chỗ trống cho những thiệt hại khủng khiếp của binh chủng thiết giáp Liên Xô thời kỳ đầu Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Sau thắng lợi ở Berlin, lực lượng kỵ binh nhanh chóng được cắt giảm mạnh để tăng cường sức kéo cho nông nghiệp, và cuối cùng bị xóa sổ, do binh chủng này đã không còn ưu thế so với xe tăng và bộ binh cơ giới.

Việt Nam có thể thành lập lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh: Kinh nghiệm và xu hướng quốc tế - Ảnh 2.

Cảnh sát kỵ binh Moscow (Nga).

Trong quân đội các nước Âu - Mỹ, vẫn còn nhiều đơn vị mang tên "kỵ binh", nhưng trên thực tế là kỵ binh thiết giáp, kỵ binh cơ giới - trang bị các xe thiết giáp, xe cơ giới để cơ động nhanh (tương tự như vai trò của kỵ binh truyền thống thời cổ).

Hoa Kỳ còn có các đơn vị "kỵ binh bay" cơ động bằng trực thăng. Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ đã giao chiến với nhiều đơn vị của Quân Giải phóng trên chiến trường miền nam Việt Nam.

Có thể nói, kể từ sau năm 1950, vai trò của kỵ binh trong quân sự chỉ còn dừng lại ở công tác vận tải, tuần tra, và nghi lễ, không còn trực tiếp tham gia chiến đấu quy mô lớn. Tuy nhiên, với hoạt động của lực lượng cảnh sát, thì kỵ binh lại vẫn có chỗ đứng nhất định của mình.

Trong nhiều lực lượng cảnh sát đã hình thành lực lượng cảnh sát kỵ binh (mounted police), chủ yếu sử dụng ngựa để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng:

Thứ nhất, đó là trong nhiệm vụ tuần tra biên giới trên bộ (border patrol). Đa phần đường biên là những khu vực có địa hình rừng núi phức tạp, gây khó khăn cho hoạt động của xe cơ giới.

Trong khi đó, nếu như chỉ hành quân bộ, thì lực lượng cảnh sát biên phòng sẽ không thể bao quát được đường biên, cũng như gặp khó khăn trong truy đuổi các phần tử tội phạm. Song song với việc tuần tra biên giới, cảnh sát kỵ binh còn có thể được sử dụng trong nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại các khu vực rừng núi.

Thứ hai, hiện nay cảnh sát kỵ binh giữ vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ ở đô thị, đó là tuần tra (patrol), kiểm soát đám đông (crowd control), và chống bạo động (anti-riot). Trước hết, chiều cao của cảnh sát kỵ binh vượt lên khỏi đám đông trên đường phố, cho phép quan sát một khu vực rộng lớn hơn.

Việt Nam có thể thành lập lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh: Kinh nghiệm và xu hướng quốc tế - Ảnh 3.

Cảnh sát kỵ binh chống bạo động Indonesia.

Ở chiều ngược lại, cũng sẽ có nhiều người nhìn thấy cảnh sát kỵ binh hơn cảnh sát tuần tra thông thường, khiến cho sự hiện diện của lực lượng trị an trên đường phố được tăng cường.

Trong nhiệm vụ chống bạo động, mấu chốt là phải nhanh chóng xác định và khống chế những phần tử chủ chốt.

Những phần tử kích động chủ chốt chỉ chiếm số ít, và thường xuyên lẩn tránh phía sau "hàng rào người", khiến cho lực lượng cảnh sát chống bạo động thông thường rất khó tiếp cận khống chế.

Với trọng lượng lớn, động năng cao, cảnh sát kỵ binh chống bạo động sẽ giữ vai trò xung kích, chia cắt đám đông, nhanh chóng đột phá, khống chế những phần tử chủ chốt của đám đông bạo động.

Có thể nói, nhiệm vụ chống bạo động trên đường phố cũng giống như chiến đấu trong thời đại vũ khí lạnh (không sử dụng hỏa khí sát thương), do đó vai trò của kỵ binh vẫn là rất quan trọng.

Việc hợp đồng tác chiến giữa cảnh sát kỵ binh và cảnh sát thông thường trong chống bạo động về cơ bản tương tự như phối hợp giữa kỵ binh và bộ binh trong chiến tranh thời cổ. Để thực hiện nhiệm vụ này, cảnh sát kỵ binh sẽ được trang bị các loại mũ, giáp đặc chủng cho cả người và ngựa.

Thứ ba, cảnh sát kỵ binh còn được sử dụng trong một số hoạt động nghi lễ của Nhà nước, hay của lực lượng cảnh sát, góp phần làm tăng tính trang trọng của sự kiện.

Việt Nam có thể thành lập lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh: Kinh nghiệm và xu hướng quốc tế - Ảnh 5.

Cảnh sát kỵ binh lạc đà Ai Cập.

Những lực lượng cảnh sát kỵ binh nổi tiếng trên thế giới

Cùng với sự hình thành của các đô thị ở châu Âu và châu Mỹ, lực lượng cảnh sát kỵ binh cũng ra đời và phát triển trong các nhiệm vụ ở đô thị. Cảnh sát kỵ binh London được thành lập từ năm 1760, và là đơn vị lâu đời nhất của Cảnh sát đô thành London (London Metropolitan Police).

Đơn vị này có quân số khoảng 135 người, và thường hoạt động theo nhóm gồm 10 cảnh sát viên, 01 trung sĩ, và 01 thanh tra (chỉ huy).

Trong khối thịnh vượng chung Anh, cũng có nhiều lực lượng cảnh sát kỵ binh với qui mô nhỏ hơn, như Cảnh sát Hoàng gia Canada có một đơn vị kỵ binh nhỏ với 36 con ngựa, Cảnh sát tiểu bang New South Wales (Úc) có khoảng 38 con ngựa.

Việt Nam có thể thành lập lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh: Kinh nghiệm và xu hướng quốc tế - Ảnh 6.

Cảnh sát kỵ binh Anh.

Ở Mỹ, lực lượng tuần tra biên giới Hoa Kỳ sử dụng khoảng 200 con ngựa trong thực hiện nhiệm vụ dọc theo biên giới Mỹ - Mexico. Tại các đô thị, cũng có nhiều đơn vị cảnh sát kỵ binh, tuy nhiên đã bị thu hẹp qui mô đi khá nhiều: Cảnh sát kỵ binh ở Boston và San Diego đã bị giải thể vào năm 2011.

Thành phố New York sở hữu đơn vị cảnh sát kỵ binh lớn nhất nước Mỹ, nhưng đã giảm từ 130 người và 125 con ngựa, chỉ còn 79 người và 60 con ngựa vào năm 2011, sau đó lại giảm tiếp còn 55 con ngựa vào năm 2016.

Cảnh sát kỵ binh Philadelphia đã bị giải tán từ năm 2004, nhưng sau đó được tái lập với qui mô nhỏ, chỉ gồm 4 con ngựa, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tuần tra và nghi lễ.

Ở Nga, cảnh sát kỵ binh cũng đã được duy trì từ thời kì Liên Xô. Đặc biệt, tại các khu vực của người Cossack (Cô-dắc) các đơn vị cảnh sát kỵ binh được sử dụng rộng rãi, như một phần của lực lượng bán quân sự Cossack.

Việt Nam có thể thành lập lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh: Kinh nghiệm và xu hướng quốc tế - Ảnh 7.

Cảnh sát kỵ binh mang khí tài chống bạo động, bảo vệ hội nghị thượng đỉnh G20 (Anh).

Cảnh sát cơ động kỵ binh Việt Nam: Quá khứ, hiện tại, và tương lai

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (tiền thân của Bộ đội Biên phòng hiện nay) đã từng sử dụng rộng rãi việc tuần tra biên giới bằng giống ngựa Buzuluk do Liên Xô viện trợ.

Buzuluk là tên một làng ở vùng Orenburg Oblast của Nga, nơi nổi tiếng về giống ngựa quý, góp phần làm nên danh tiếng của các kỵ binh Cô-dắc. Trong thời kỳ nội chiến, nguyên soái Georgy Zhukov lừng danh đã từng làm trung đoàn trưởng trung đoàn kỵ binh 39 Buzuluk, thuộc sư đoàn kỵ binh 7 Hồng quân.

Tuy nhiên, cùng với những thay đổi trong tổ chức lực lượng (cuối năm 1979, Công an nhân dân vũ trang đổi tên là Bộ đội Biên phòng và chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Năm 1988, Bộ đội Biên phòng lại chuyển sang trực thuộc Bộ Nội vụ cho đến cuối năm 1995 thì lại chuyển về Bộ Quốc phòng), nên đàn ngựa Buzuluk của Liên Xô viện trợ đã bị giải tán. Hiện nay, lực lượng Bộ đội biên phòng vẫn sử dụng ngựa ở qui mô nhỏ, nhưng chủ yếu cho nhiệm vụ vận tải lên các đồn biên phòng.

Đối với lực lượng Cảnh sát cơ động, từ trước đến nay chỉ chủ yếu sử dụng chó nghiệp vụ, như là loại động vật nghiệp vụ duy nhất. Các đơn vị cảnh sát cơ động trực thuộc K02, cũng như thuộc Công an các tỉnh, thành hiện nay chủ yếu sử dụng các loại xe ô tô, xe mô-tô, xe gắn máy làm phương tiện cơ động.

Việt Nam có thể thành lập lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh: Kinh nghiệm và xu hướng quốc tế - Ảnh 8.

Xe thiết giáp đặc chủng, chống đạn của CSCĐ.

Trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh nếu được triển khai, có thể sẽ sử dụng thuần túy ngựa, hoặc bao gồm các phân đội hỗn hợp giữa ngựa và mô-tô nghiệp vụ, để thực hiện các nhiệm vụ cơ động nhanh trong đô thị.

Nhiệm vụ thường xuyên của Trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh có thể là tuần tra trong đô thị, nhất là các khu vực công viên, khu vui chơi, khu vực phố đi bộ ở các thành phố lớn.

Khi đó, việc sử dụng ô tô và xe gắn máy để kiểm soát các khu vực này của cảnh sát cơ động thông thường sẽ gặp khó khăn, vì kích cỡ của xe ô tô khá cồng kềnh, tốc độ của các phương tiện cơ giới lại quá cao.

Cảnh sát cơ động kỵ binh xuất hiện có thể tăng cường kiểm soát khu vực phố đi bộ, cũng như các tuyến phố lân cận, và còn có thể trở thành một dấu ấn trong phát triển du lịch của Thủ đô.

Mặt khác, Trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh còn có thể là lực lượng ứng trực để xử lý các tình huống phát sinh trong các đô thị, đặc biệt là khi có tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng.

Với thế mạnh của mình, cảnh sát cơ động kỵ binh sẽ là mũi chủ công trong kiểm soát đám đông và chống gây rối, như tiền lệ của các lực lượng cảnh sát kỵ binh trên thế giới.

Cuối cùng, cảnh sát cơ động kỵ binh cũng có thể được sử dụng cho những nhiệm vụ nghi lễ, hay được huy động cho các nhiệm vụ trên địa hình khó khăn cho hoạt động của xe cơ giới. Ngoài chức năng chính, cảnh sát cơ động kỵ binh còn có thể được huy động cho những nhiệm vụ văn hóa, như tham gia vào các phim lịch sử.

Đây là việc có tiền lệ, như trước đây Bộ Quốc phòng Liên Xô đã duy trì một trung đoàn kỵ binh, chủ yếu để làm nhiệm vụ nghi lễ, và làm diễn viên cho các phim lịch sử thời trung đại và thời kỳ nội chiến. Sau đó, trung đoàn này được rút gọn như một phần của trung đoàn bảo vệ điện Kremlin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại