Nguồn tin của Reuters cho biết người Myanmar bỏ trốn vì sợ bị đàn áp sau khi từ chối tuân theo lệnh nổ súng vào người biểu tình của quân đội.
“Khoảng 116 người đã vượt biên hôm thứ Sáu”, một cảnh sát bang Mizoram (Ấn Độ) nói với Reuters, nhưng từ chối tiết lộ danh tính.
Nhóm này bao gồm cảnh sát, lính cứu hỏa. Một số người chỉ mang theo quần áo nhét trong bao tải nhựa màu trắng khi vượt biên.
Chính phủ liên bang của Ấn Độ đã ra lệnh cho chính quyền địa phương ngăn chặn dòng người Myanmar chạy qua biên giới. Nhưng việc này rất khó khăn, phần vì địa hình, phần vì người dân hai bên biên giới có quan hệ mật thiết về chủng tộc và văn hóa. Đến thời điểm hiện tại, số người vượt biên đã lên đến 400 người.
Một trong những nhóm công dân Myanmar mới nhất đến Ấn Độ hiện đang sống trong một ngôi làng ở huyện Champhai (bang Mizoram), cách con sông biên giới Tiau một đoạn đường ngắn.
Vào thời điểm được phóng viên Reuters tiếp cận, họ đang ngồi trong một căn phòng ngập nắng, vừa hút thuốc vừa xem điện thoại để cập nhật tin tức từ quê nhà.
Nhóm công dân Myanmar ở Ấn Độ làm biểu tượng ủng hộ dân chủ. Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Trong số những người ẩn náu ở ngôi làng biên giới, có Khaw - một quan chức Sở Cứu hỏa từ bang Chin (Myanmar).
Khaw cho biết ông được cấp trên yêu cầu vào ngày 18/2 rằng phải tham gia giải tán đám đông biểu tình chống đảo chính.
Khaw (34 tuổi) lập tức từ chối mệnh lệnh, và tham gia đình công với 20 lính cứu hỏa khác.
“Tôi ủng hộ CDM (phong trào bất tuân dân sự)”, Khaw nói. “Tôi không muốn chịu sự kiểm soát của quân đội.”
Người này cho biết thêm rằng 16 lính cứu hỏa Myanmar khác cũng đã tìm nơi trú ẩn tại ngôi làng của Ấn Độ.
Khaw tiết lộ anh không mang theo bất kì giấy tờ tùy thân nào đề phòng trường hợp bị lực lượng an ninh Myanmar bắt gặp. Nhưng anh đã cho phóng viên Reuters xem hình ảnh mình mặc đồng phục cứu hỏa.
Sau khi tham gia phong trào CDM, Khaw nói anh đã trốn trong một khu rừng ở bang Chin cùng khoảng 30 người khác.
Ngày 3/3, lực lượng an ninh Myanmar phát hiện ra nơi ẩn náu của Khaw, nên anh buộc phải chạy trốn sang biên giới, bỏ lại vợ và 4 đứa con.
Khi được hỏi về sự an toàn của gia đình mình, Khaw nói: "Đó là nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi."
Một người tự nhận là cảnh sát Myanmar nói chuyện qua điện thoại. Ảnh: Reuters
Đến thời điểm hiện tại, khoảng 140 người đã thiệt mạng khi cảnh sát nổ súng về phía người biểu tình hậu đảo chính ngày 1/2.
Những người biểu tình tiếp tục xuống đường bất chấp việc cảnh sát sử dụng đạn cao su, hơi cay và đạn thật.
Hôm thứ Hai, 15/3, lực lượng an ninh được cho là đã bắn tử vong sáu người tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, truyền thông địa phương và các nhân chứng cho biết.
Chính quyền Myanmar khẳng định họ đang hết sức kiềm chế trong việc xử lý “các cuộc biểu tình bạo động”. Chính quyền cáo buộc người biểu tình gây tổn hại đến an ninh và trật tự công cộng.
Theo Reuters