Tiền tiểu đường là gì?
Những người bị tiền tiểu đường luôn có nồng độ đường huyết cao hơn bình thường và họ đang trên đà nguy cơ mắc bệnh tiểu đường túyp 2.
Theo ghi nhận của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ, có tới 30% bệnh nhân tiền tiểu đường sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường túyp 2 trong vòng 5 năm.
Không những thế, họ còn có thể gặp biến chứng sức khỏe nghiêm trọng khác như suy thận, tổn thương dây thần kinh, nhìn kém, bệnh tim và đột quỵ.
Tiền đái tháo đường được xem như là rối loạn glucose (đường) máu khi đói, hay rối loạn dung nạp glucose. Thông thường, lượng glucose trong máu khi đói (nhịn ăn ít nhất là 8 giờ) là từ 70 - 100 mg/dL;
Nhưng khi hàm lượng này đạt ở mức từ 100 - 125 mg/dL thì bạn bị tiền đái tháo đường. Còn khi con số đó cao hơn 126 mg/dL, có nghĩa là bạn đang bị tiểu đường.
Hàm lượng glucose trong máu ở mức 115 cảnh báo bạn đang bị tiền tiểu đường.
Phần lớn glucose trong cơ thể đến từ thức ăn - đặc biệt là các thực phẩm chứa carbohydrat. Glucose sẽ đi vào máu trong quá trình tiêu hóa.
Mới đây, CDC cùng với Hiệp hội Y khoa Mỹ và Hiệp hội Tiểu đường Mỹ đã lập ra một bài trắc nghiệm gồm 5 câu hỏi về lối sống và tiểu sử bệnh tình. Mỗi câu trả lời CÓ, bạn sẽ giơ một ngón tay lên.
1. Bạn là đàn ông (phụ nữ)?
2. Bạn trên 60 tuổi?
3. Bạn lười vận động?
4. Bạn bị thừa cân hoặc béo phì?
5. Tiền sử gia đình bạn có người bị tiểu đường tuýp 2?
Nếu giơ đủ 5 ngón tay, bạn nên đi khám bác sĩ để phòng nguy cơ mắc tiền tiểu đường.
Đây là một bài trắc nghiệm nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về căn bệnh tiền tiểu đường. Những câu hỏi đơn giản này sẽ giúp người dân tự ý thức được tình trạng sức khỏe để điều chỉnh lối sống kịp thời.
Tiền tiểu đường không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào rõ ràng. Vì thế, hầu hết những người bị tiền tiểu đường nhận ra mình mắc bệnh khi thấy xuất hiện triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Tuy nhiên, một triệu chứng cho thấy sắp mắc tiểu đường týp 2 là da trên một vùng của cơ thể bị sạm đen. Tình trạng này được gọi là bệnh gai đen (acanthosis nigricans) - và thường xuất hiện ở vị trí các khớp ngón tay, cổ, đầu gối, nách hoặc khuỷu tay.
Một số triệu chứng khác của bệnh tiểu đường týp 2 gồm:
• Đi tiểu thường xuyên
• Rất hay khát và/hoặc đói
• Mệt mỏi
• Nhìn mờ
• Vết đứt và vết bầm tím lâu liền
• Ngứa, tê hoặc đau ở bàn tay hoặc bàn chân
Nguồn: Mayo Clinic
Cách phòng ngừa tiền tiểu đường
Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tiền tiểu đường.
Rất may mắn là chúng ta có thể đưa mức đường huyết trở lại bình thường để ngăn chặn cả bệnh tiền tiểu đường và tiểu đường, bằng cách những thay đổi nhỏ trong lối sống. Và đó là:
- Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Chọn những thực phẩm ít chất béo và calo, nhưng giàu chất xơ như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên cám.
- Vận động: Hãy tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày với cường độ vừa 5 ngày/tuần. Còn Hiệp hội Tiểu đường Mỹ cũng khuyến cáo tập đối kháng (như tập tạ) 2 lần/tuần
- Chú ý cân nặng: Chỉ số BMI (được tính bằng cách lấy trọng lượng cơ thể chia cho bình phương chiều cao) tốt nhất nên đạt ở mức 18,5- 24,9. Nếu con số đó từ 25,0 - 29,9 và trên 30, chứng tỏ bạn đang bị thừa cân và béo phì.
- Kiểm tra huyết áp và cholesterol: Bệnh nhân tiền tiểu đường và tiểu đường loại 2 tăng rủi ro cao huyết áp và cholesterol cao. Nếu hàm lượng cholesterol cao, phải kiểm soát thường xuyên hàm lượng này.
Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến cáo huyết áp nên duy trì ở mức thấp hơn 130/80mmHg để ngăn ngừa những biến chứng thường đi kèm bệnh tiểu đường.
- Không hút thuốc lá: Nếu đang hút thuốc, hãy bỏ ngay. Hoặc nếu không hút thuốc thì bạn cũng đừng tập thói quen xấu này.
* Tổng hợp