Mặc dù iPhone 12 chưa ra mắt, nhưng trên thị trường hiện nay đã xuất hiện những chiếc "iPhone 12 Pro Max" hàng nhái. Những chiếc máy này thường được quảng cáo dưới tên "iPhone Đài Loan", "iPhone Singapore"... Những chiếc máy như thế này được bán với giá khoảng 2.5 triệu đồng.
Hộp của iPhone 12 Pro Max nhái giống hệt hộp của iPhone 11 Pro Max hiện tại.
Thông tin trên hộp ghi rằng đây là một chiếc iPhone 11 Pro Max, dung lượng 512GB.
Phụ kiện bên trong hộp bao gồm củ sạc và cáp sạc hàng "lô", chất lượng kém. Dù là hàng nhái, tuy nhiên iPhone 12 Pro Max vẫn sử dụng cổng Lightning như iPhone thật. Một điểm mới ở iPhone 12 Pro Max nhái là máy không đi kèm tai nghe, phải chăng những kẻ đạo nhái đã biết đến tin đồn Apple loại bỏ phụ kiện trên thế hệ iPhone sắp tới?
Đây là chiếc "iPhone 12 Pro Max" hàng nhái từ Trung Quốc.
Thiết kế của iPhone 12 Pro Max nhái dựa trên những thông tin rò rỉ trong thời gian qua. Viền của máy được làm vát thẳng giống với iPhone 5 và iPad Pro 2018/2020, thay vì bo cong như trên những thế hệ iPhone hiện nay.
Bên cạnh các nút bấm, gạt rung và khay SIM quen thuộc, iPhone 12 Pro Max nhái có một vết cắt ở cạnh trái trông rất giống khay SIM, nhưng thực chất không có tác dụng gì. Có vẻ như đây là "Smart Connector" giống trên iPad Pro, dù hiện nay vẫn chưa có thông tin nào cho thấy Apple sẽ mang cổng kết nối này lên iPhone.
Mặc dù là hàng nhái, nhưng chiếc iPhone 12 Pro Max này vẫn được tích hợp cổng Lightning để sạc và truyền dữ liệu.
iPhone 12 Pro Max dự kiến sẽ được trang bị 4 camera (hoặc 3 camera + cảm biến LiDAR), vậy nên iPhone 12 Pro Max hàng nhái cũng được trang bị 4 camera ở mặt lưng. Thực chất 3 trên 4 camera này là giả, chỉ là mô hình chứ không có tác dụng gì. Nhìn tổng thể, phần camera này cũng được làm khá thô.
Mặt trước của iPhone 12 Pro Max nhái là màn hình "tai thỏ". Nếu săm soi kỹ, phần tai thỏ này được cắt khá nham nhở.
Phần "Giới thiệu" của chiếc máy này nói rằng đây là một chiếc "iPhone 12 Pro Max" dung lượng 512GB, chạy phiên bản 13.5.1. Rõ ràng, đây không phải là những thông tin chính xác.
Ngay cả một số phần mềm kiểm tra hệ thống như CPU-Z hay AIDA64 cũng bị đánh lừa, cho rằng chiếc máy này dùng chip Snapdragon 855, dung lượng RAM lên đến 8GB. Thực tế nó chỉ được trang bị chip MediaTek MT6580, RAM 1GB và bộ nhớ trong 16GB. Cấu hình này tương đương một chiếc điện thoại giá rẻ ra mắt cách đây khoảng 4 năm trước, và có thể coi là rất yếu ở thời điểm hiện tại. Sẽ rất khó để người dùng có thể sử dụng thoải mái chiếc điện thoại này khi tình trạng giật/lag thường xuyên xảy ra.
Giao diện Android của iPhone 12 Pro Max nhái được làm giống với iOS, có thể đánh lừa những người dùng không am hiểu về iPhone. Còn đối với những người rành công nghệ hay đã dùng iPhone lâu năm sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt, bởi hệ điều hành Android "đội lốt" iOS này được làm cẩu thả, từ giao diện (font chữ, hiệu ứng chuyển cảnh), độ mượt, cho đến tính năng.
Không ít các thành phần ứng dụng và giao diện trên chiếc iPhone 12 Pro Max là hoàn toàn vô dụng. Ví dụ, ứng dụng gọi video FaceTime chỉ hiển thị màn hình đăng nhập giả, người dùng không thể nhập thông tin vào được. Hay trong ứng dụng Cài đặt có phần đăng nhập vào tài khoản iCloud, tuy nhiên nút Đăng nhập bị làm mờ. Khi giữ phím sườn ở bên phải, nếu như ở trên iPhone thật trợ lý ảo Siri sẽ được kích hoạt, thì trên chiếc iPhone 12 Pro Max nhái này sẽ xuất hiện một... bức ảnh giao diện Voice Control.
Một số ứng dụng của Apple như Maps, iBooks, Passbook, iTunes Store được thay thế bằng các ứng dụng tương đương của Google như Google Maps, Google Pay, Google Play Movies... Đương nhiên, không thể bỏ qua sự xuất hiện của cả kho ứng dụng Google Play Store.
Với mức giá 2.5 triệu đồng, rõ ràng người dùng không nên mua một chiếc máy hàng nhái, kém chất lượng như thế này. Mặc dù vậy, thực tế vẫn có một bộ phận người dùng thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin và bị những kẻ xấu lợi dụng.