Cảnh giác với dịch bệnh ho gà

Tạ Nguyên |

Thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố đã xuất hiện các ca mắc, ổ dịch ho gà sau thời gian dài không ghi nhận ca bệnh. Đây là bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Cảnh giác với dịch bệnh ho gà- Ảnh 1.

Nhiều trẻ mắc ho gà do chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi. Ảnh: TTXVN

Dịch gia tăng ở nhiều địa phương

Tại Hà Nội, số ca mắc ho gà đang có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây. Đơn cử như trong tuần trước, Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc ho gà, tổng số từ đầu năm đến nay Thành phố đã có 193 trường hợp mắc; trong khi cùng kỳ năm 2023 Hà Nội không ghi nhận ca bệnh ho gà. Mầm bệnh ho gà đã được ghi nhận rải rác tại 29 quận, huyện, thị xã của Thành phố.

Tại Quảng Ngãi, tỉnh cũng đang khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống bệnh ho gà, ngăn không để bệnh lây lan trên diện rộng khi đã ghi nhận rải rác ca mắc. Dịch ho gà đang tái xuất hiện trong khi từ năm 2020 đến nay, địa phương không ghi nhận ca bệnh ho gà. Vì vậy, ngay khi phát hiện ca bệnh, tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ho gà; kịp thời phát hiện sớm ca bệnh và ca nghi ngờ để cách ly, điều trị và khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời.

Tại TP Hồ Chí Minh, cũng đã ghi nhận hàng chục ca bệnh ho gà, ghi nhận các ca mắc, nhập viện tại các cơ sở y tế. Trong số các ca mắc có 90% ca bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi; các trẻ bị ho gà đều có mẹ chưa tiêm hoặc chưa rõ tiền sử tiêm chủng ho gà. Nhiều ca biến chứng nặng như: Phải thở oxy qua ống thông mũi, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

Lý giải về việc số ca mắc ho gà tăng ở nhiều địa phương trong thời gian gần đây, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Số ca bệnh ho gà gần đây gia tăng là do tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh này giảm xuống. Vừa qua, tình trạng thiếu vaccine xảy ra, một số trường hợp không được tiêm chủng. Đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19, việc thực hiện dịch vụ tiêm chủng bị giảm và nhất là gần đây cũng xảy ra việc thiếu vacicne 5 in 1 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ đã khiến dịch ho gà quay trở lại”.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, điều này là không bất thường vì đã biết nguyên nhân do tiêm chủng, thời gian trước trẻ được tiêm chủng đủ thì dịch này ít xảy ra.

Bộ Y tế cũng nhận định, tình hình bệnh ho gà tại một số tỉnh, thành phố đang có diễn biến phức tạp. Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố lập kế hoạch phòng, chống dịch sởi, ho gà tại các địa phương; không để lây chéo trong các cơ sở y tế và đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng.

Tiêm chủng để tạo miễn dịch phòng bệnh

Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ho gà đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vaccine cho trẻ. Hiện bệnh ho gà đã có vaccine phòng bệnh và được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Các vaccine có thành phần ho gà được tiêm cho trẻ từ đủ 2 tháng tuổi. Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần chú ý lịch tiêm để đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.

Đối với những trẻ dưới 2 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine ho gà, nhưng trẻ vẫn có thể được hưởng miễn dịch thụ động từ kháng thể của mẹ được truyền qua nhau thai. Vì vậy, không chỉ trẻ nhỏ, các bà mẹ khi mang thai cũng cần tiêm chủng vaccine có thành phần ho gà trong thời kỳ mang thai để có miễn dịch cho con trong những ngày đầu đời.

Cùng với việc tiêm chủng, để giảm nguy cơ mắc bệnh ho gà cho trẻ, công tác vệ sinh phòng bệnh cũng cần đảm bảo như: Giữ vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là sau khi ho hoặc hắt hơi; dạy trẻ che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi.

Tại các gia đình cần vệ sinh nhà cửa, đặc biệt là các bề mặt mà trẻ thường tiếp xúc như đồ chơi, bàn ghế. Đảm bảo không gian sống thông thoáng, có ánh sáng mặt trời và không khí trong lành.

Với trẻ em, cha mẹ cần chú ý cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống cân đối, giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch phòng bệnh.

Đặc biệt, cha mẹ cần quan sát và theo dõi các triệu chứng của trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu ho nhiều, khó thở, hoặc sốt cao, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Lịch tiêm chủng vaccine chứa thành phần ho gà:

- Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi.

- Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng.

- Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng.

- Mũi thứ 4: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Đối với các bà mẹ có thể tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh uốn ván - bạch hầu - ho gà (Tdap) trong thời gian mang thai.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại