Cảnh giác với “bẫy” thông tin xấu, độc

MẠNH THẮNG |

Sắp tới, dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp, trong đó có dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Việc lấy ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội Đảng nói riêng hay việc sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp và phản biện của nhân dân nói chung vào các vấn đề trọng đại của đất nước thể hiện sự dân chủ về chính trị ở nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như Việt Nam. Nhưng dịp này lại là thời cơ “vàng” để các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị tăng cường chống phá.

Gần đây, theo dõi các bài viết trên mạng xã hội dễ dàng nhận thấy, điểm chung mà các đối tượng khoác áo “nhà dân chủ”, “người yêu nước”, “nhà báo tự do”, “chuyên gia”… hướng tới là khoét sâu vào những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý kinh tế ở các cấp và hiện tượng cán bộ thoái hóa biến chất bị pháp luật xử lý để cho rằng phải “đa nguyên chính trị” mới có điều kiện thay đổi tình hình…

Khoác áo tự do dân chủ, núp bóng phản biện xã hội, các phần tử này còn lấy ví dụ về sự tiến bộ của dân chủ phương Tây và thể chế chính trị tam quyền phân lập, cũng như đời sống ở các nước phát triển để ngầm so sánh, dẫn dụ người tiếp nhận thông tin.

Đó là tại các quốc gia này, việc bầu cử minh bạch, khách quan, hướng vào lựa chọn những ứng cử viên có giải pháp giải quyết các vấn đề đời sống xã hội tồn đọng, vấn đề người dân quan tâm chứ chẳng cần nghị quyết như Việt Nam vẫn làm.

Từ đây, các đối tượng định hướng người dân, cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất cần phải “lập quyền dân”, mục đích cuối cùng là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; cổ xúy những người ảo tưởng về khả năng bản thân...

Có thể nói, cách đưa thông tin qua dùng từ ngữ khôn khéo, linh hoạt và hình ảnh cắt ghép hết sức tinh vi có vẻ khách quan ấy là hết sức nguy hại.

Điều này dễ khiến người tiếp nhận mất cảnh giác và lầm tưởng là đúng đắn để từ đó thay đổi quan điểm, dẫn đến đưa ra cách nhìn lệch lạc, vô tình vận động người khác mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Trên thực tế, những âm mưu, việc làm của các phần tử phản động cũng đã lung lạc được một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã chỉ rõ mục đích của những kẻ đang muốn hạ thấp vai trò của Đảng là: “Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ.

Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Để không bị rơi vào “bẫy” thông tin như đã nêu, trong công tác lãnh đạo, một mặt các tổ chức Đảng cần quán triệt và thực hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền giáo dục cán bộ, đảng viên.

Trong đó, cần hết sức coi trọng việc cung cấp thông tin kịp thời, trung thực, minh bạch, khách quan để xây dựng niềm tin vào sự nghiệp lãnh đạo của Đảng. Điển hình như sự quyết đoán trong phòng, chống dịch Covid-19 là rất kịp thời và hiệu quả, mang lại niềm tin cho nhân dân.

Mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên cập nhật kiến thức để nâng cao bản lĩnh chính trị.

Hiện nay, ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương xuất hiện tình trạng lười học tập chính trị, nghiên cứu nghị quyết, chỉ thị Đảng ở các mức độ khác nhau.

Đây là biểu hiện nguy hại vì tạo ra những người yếu kém về bản lĩnh, lý luận chính trị, thiếu nhạy cảm chính trị. Từ đó, dễ a dua theo những nội dung tuyên truyền hết sức tinh vi của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn và cơ hội chính trị.

Các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan báo chí cần phải cập nhật thông tin chính trị nhanh chóng và thường xuyên; kịp thời giải thích, phê phán, đấu tranh với những thông tin sai lệch.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần huy động được đông đảo lực lượng tham gia hoạt động truyền thông, chia sẻ các thông tin chính thống trên không gian mạng, mạng xã hội để giúp nhân dân có cái nhìn tích cực và xây dựng niềm tin vững chắc vào sự nghiệp lãnh đạo của Đảng.

Mặt khác, cũng cần theo dõi, xử lý nghiêm những trường hợp đưa thông tin sai sự thật; phối hợp với các đơn vị cung cấp mạng xã hội gỡ bỏ thông tin xấu độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xây dựng nền tảng đạo đức xã hội và thể chế chính trị.

Công nghệ thông tin phát triển nhanh, mạnh thì cuộc chiến thông tin càng khốc liệt. Đây là môi trường lý tưởng và thuận lợi để các đối tượng chống phá, cơ hội chính trị nuôi dưỡng, thực hiện âm mưu đen tối là lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tiếp nhận thông tin tích cực, chủ động nghiên cứu các tài liệu lý luận, chính trị, sống lạc quan, trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân và hành xử đúng pháp luật là “hàng rào tư tưởng” hữu hiệu ngăn chặn thông tin xấu, độc, góp phần tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại