Thiệt hại lớn từ các vụ lừa đảo trên không gian mạng
Bà Hợp ở thành phố Hải Phòng năm nay gần 70 tuổi, trước giờ bà chưa đi đâu ra khỏi lũy tre làng. Tuy nhiên một số máy lạ tự xưng là công an đang điều tra một vụ án mà bà là nghi phạm cầm đầu đường dây buôn ma túy. Đối tượng này yêu cầu bà Hợp phải nộp tiền vào một tài khoản ngân hàng và nghiêm cấm không được thông báo với con cháu.
Với trường hợp của mẹ chị Giang, bà nhận được một số máy lạ mời gia nhập vào một nhóm kín trên nền tảng Zalo để đầu tư tài chính. Đó là đầu tư coin. Lúc đầu bà được yêu cầu đóng 1 triệu đồng tiền phí bảo hiểm, sau đó vài ngày các đối tượng trả vào tài khoản của bà 2 triệu đồng.
Để thực hiện các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Tin tức)
"Sau khi mẹ tôi nhận được số tiền đó, hàng ngày có rất nhiều người ở trong nhóm đó kết bạn, inbox cho mẹ tôi để hỏi han, gửi ảnh nhà, xe và chụp nhiều tiền mặt để trong xe ô tô hoặc nhiều tiền mặt để trên bàn cho mọi người xem và gửi lời cảm ơn đến nhóm, đến thầy nên mẹ tôi lại càng tin vào nhóm đó", chị Nguyễn Thị Hương Giang, người nhà nạn nhân, cho biết.
Với chiêu trò thả con săn sắt bắt con cá rô, các đối tượng thông báo trong tài khoản coin của bà hiện đang có gần 200.000 USD, tương đương 5 tỷ đồng. Muốn lấy số tiền ra, bà phải đóng 1 tỷ tiền phí bảo hiểm. Mẹ của chị Giang đã tin tưởng, cố gắng xoay xở vay mượn và chuyển số tiền gần 850 triệu đồng cho các đối tượng vào 7/1 vừa qua. Tuy nhiên hiện tiền không lấy lại được, còn tài khoản của bà được cấp để vào trang web bỗng nhiên bị khóa.
"Số tiền đó là số tiền rất lớn trong tổng số tiền 845 triệu mẹ tôi nợ và gắn sổ đỏ. Tôi đang chuẩn bị về quê gấp để rút sổ đỏ mà mẹ tôi đã gán cho người ta để lấy tiền nộp cho bọn lừa đảo", chị Giang cho biết thêm.
Hành vi của các loại tội phạm này đang ngày một tinh vi hơn. Do đó Bộ Công an khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, nêu cao cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của các loại tội phạm này.
Những nạn nhân của các vụ lừa đảo trên không gian mạng như trên không hiếm. Thực tế hiện nay, một số người cũng là nạn nhân của các vụ lừa đảo do mở đường link trên email, hay qua tin nhắn trên điện thoại.
Để thực hiện các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin, nhưng có thể phân làm 3 nhóm chính:
- Giả mạo thương hiệu: chiếm 7,.6% (giả mạo SMS, website, số điện thoại của cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty tài chính…);
- Chiếm đoạt tài khoản online (Facebook, Zalo..): chiếm 11,4%;
- Các hình thức khác (việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay,..): chiếm 16%.
Rủi ro khi đầu tư vào ứng dụng MOE+
Không dừng ở các vụ lừa đảo cá nhân, các vụ lừa đảo nhờ vào công nghệ quy mô lên đến cả nghìn người với số tiền chiếm đoạt cả nghìn tỷ đồng. Thời gian qua nhiều ứng dụng ra đời. Đáng nói, vẫn là những chiêu thức cũ đánh vào lòng tham bằng những miếng mồi là lợi nhuận khủng. Dù những ứng dụng này liên tiếp bị các cơ quan chức năng đánh sập, nhưng mỗi lần ra đời nó vẫn lôi kéo được nhiều người tham gia.
Quỹ trợ cấp y tế, lãi suất 1,75%/ngày; chu kỳ đầu tư 15 ngày; trả lãi theo ngày, thanh toán gốc khi đáo hạn, tính ra với khoản lãi suất trên, chỉ 2 tháng là đã có thể nhân đôi số tiền đầu tư, lợi nhuận hấp dẫn khiến người đàn ông đã nhanh chóng bỏ hơn 300 triệu đồng vào đầu tư.
"Thu nhập khi tôi tham gia dự án này rất hấp dẫn. Ví dụ tôi tham gia 10 triệu thì dự án sẽ chiết khấu 10% và người giới thiệu tôi được 10%, tức là mỗi người được 1 triệu. Trả lãi theo ngày, hàng ngày tôi có thể rút tiền được và tái đầu tư khoản tiền đó", người tham gia ứng dụng MOE+ chia sẻ.
Lãi cao, thời gian hoàn vốn lại nhanh, hàng nghìn người rỉ tai nhau cùng bỏ tiền vào MOE+. Trong các group đội nhóm, nhóm ít cũng hơn 100 người, nhóm nhiều lên tới gần 1.000 người.
"Khi các bạn tham gia vào MOE+, chúng tôi sẽ cam kết giúp các bạn gia tăng thu nhập từ 20 - 30% trở lên. Toàn bộ quá trình vào MOE+ đều an toàn về vốn đầu tư. Với thời gian hoàn vốn từ 40 - 50 ngày, tránh mọi rủi ro cho nhà đầu tư", môi giới của ứng dụng MOE+ nói.
"Nhiều nhà đầu tư đã đổ rất nhiều vốn, thậm chí còn cầm cố tài sản, nhà cửa, đất đai, xe cộ, giấy tờ...", một người tham gia ứng dụng MOE+ cho biết.
Để thu hút người tham gia, ứng dụng MOE+ cũng liên tục đưa ra các gói đầu tư khác nhau. Gói đầu tư sau lãi lại cao hơn gói đầu tư trước. Mới đây, ngày 18/12/2022, ứng dụng này ra mắt dự án có tên "Hugo, Ras - Phúc lợi tất niên" với lãi suất lên tới 1,98%/ngày, tương đương với 59,4%/tháng, 712,8%/năm.
"28.800.000 đồng để đầu tư cho dự án này, sau 30 ngày nhận về 62 triệu. Ngon không, cực ngon. Lãi nhận hàng ngày. Hoàn vốn sau 30 ngày. Thứ hai là được 1 chuyến du lịch, còn được nhận bao lì xì 5 triệu đồng, còn được rút thăm trúng thưởng cực lớn. Giải đặc biệt là 1 con Mercedes 2,5 tỷ đồng. 300 giải lucky nhé, kiểu gì kiểu cũng trúng 100%", môi giới của ứng dụng MOE+ nói.
Trúng 100%, nhưng lại không phải là trúng thưởng, mà lại trúng vào ô "mất lượt". Sau khi dụ dỗ được người tham gia bỏ tiền đầu tư, cách đây vài ngày, ứng dụng MOE+ bỗng nhiên lấy lý do bị thanh tra thuế không cho người tham gia rút tiền và sau đó một ngày, ứng dụng này bỗng dưng bị sập, không thể truy cập được.
Xuất hiện 1,6 triệu tên miền độc hại lừa đảo dịp cuối năm
Theo ghi nhận của công ty bảo mật CyRadar, trong tháng 12/2022, có hơn 1,6 triệu tên miền độc hại xuất hiện, tăng 10% so với các tháng trước. Riêng tại Việt Nam, các chuyên gia đánh giá chiến dịch lừa đảo dịp cuối năm chủ yếu xoay quay các kịch bản nhắm vào hành vi dịp lễ Tết: mạo danh cho vay, các chương trình khuyến mãi mua sắm trực tuyến, quà tặng.
Báo cáo của hãng bảo mật Cyradar chỉ ra rằng, với mục tiêu lợi dụng các nhu cầu tài chính dịp Tết, những kẻ lừa đảo gia tăng đáng kể các nguồn website độc hại, tăng khoảng 10% so với tháng trước đó. Kịch bản tấn công phổ biến nhắm vào hành vi dịp lễ Tết, như: mạo danh cho vay, các chương trình khuyến mãi mua sắm trực tuyến, quà tặng.
"Trong năm 2022 đã có hơn 13 triệu tên miền độc hại được sinh ra nhằm tấn công người sử dụng. Trung bình mỗi tháng, hơn 1,1 triệu tên miền được sinh ra, đang tấn công hàng ngày, liên tục, không chỉ mỗi dịp lễ Tết", ông Nguyễn Minh Đức, nhà sáng lập, giám đốc điều hành Cyradar, cho biết.
Năm 2022, mục tiêu tài chính trong các vụ lừa đảo trực tuyến chiếm 76%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Forbes)
Thủ đoạn thường thấy của tội phạm là xây dựng các website có tên miền, giao diện giống với các cơ quan, ngân hàng uy tín và tìm cách phát tán tới người dùng. Do đó trước khi truy cập, người dùng cần kiểm tra kỹ lưỡng các địa chỉ web của mình.
Theo ghi nhận từ cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, mục tiêu tài chính trong các vụ lừa đảo trực tuyến chiếm 76%.
Các tổ chức tài chính và ngân hàng khẳng định, trong quy trình làm việc, họ không có bất cứ một yêu cầu tài chính nào với các khách hàng của mình thông qua điện thoại.
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị người dân cần thận trọng, nhất là trong dịp cuối năm, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cơ quan chức năng và phản ánh tại địa chỉ: https://canhbao.khonggianmang.vn.
Các hình thức lừa đảo trên mạng rất đa dạng từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư…, nhưng mục tiêu cuối cùng của các đối tượng chính là tiền. Do đó, người dân cần tỉnh táo và cần tuân thủ các nguyên tắc như "hãy chậm lại" khi nhận được các tin nhắn hay các lời chào mời.