Cảnh giác trước các chiêu trò “dàn cảnh” để lừa đảo

Mã Hải |

Các nhóm trộm cắp đang áp dụng hàng loạt thủ đoạn mới nhằm trục lợi từ "con mồi", thậm chí trong nhiều trường hợp nạn nhân không dám lên tiếng...

1. Một thủ đoạn khá mới của bọn trộm cắp bằng hình thức dàn cảnh bán dâm vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hồ Chí Minh) triệt phá.

Trong hơn 2 năm “hành nghề”, 18 đối tượng trong băng nhóm này đã thực hiện trót lọt gần 1.000 vụ trộm, nhưng số nạn nhân trình báo cơ quan Công an chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó cũng là lý do vì sao chúng hoạt động trong khoảng thời gian dài mới bị triệt phá.

Nguyễn Anh Tuấn (tự Tuấn “mụn”, ngụ quận Gò Vấp), một trong 3 kẻ cầm đầu đường dây này bật mí “bí quyết” để chúng “thành công” là đánh vào tâm lý của nạn nhân.

“Ông nào hám của lạ cũng sợ gia đình và người thân biết cả nên họ không dám tố cáo đến cơ quan Công an. Còn ai có ý định trình báo là tụi em chặn đường đe dọa, bảo sẽ đến tận nhà để nói cho người thân họ biết chuyện.

Lo sợ, nhiều người năn nỉ tụi em xin lại giấy tờ, chấp nhận bỏ tiền, điện thoại”, Tuấn “mụn” khai với cơ quan điều tra.

Để ép nạn nhân “ngậm bồ hòn làm ngọt”, 3 “nữ quái” trong băng nhóm này khi đứng đường đón khách luôn chọn những người đàn ông trung niên, đi xe gắn máy đắt tiền và đặc biệt là có chiếc ví dày cộm mà bằng “cặp mắt nhà nghề” các ả chỉ cần liếc qua là biết được.

Đối với khách làng chơi còn trẻ, ăn mặc luộm thuộm, đi xe “cà tàng” là chúng từ chối bằng cách hét với giá thật cao. Minh chứng là nạn nhân bị trộm tài sản vào ngày 29-1-2019 (bị bắt quả tang) mang theo 20 triệu đồng trong túi quần và bị mất sạch chỉ trong vài phút.

Để tạo cảm giác thích thú cho nạn nhân, những kẻ đóng giả gái mại dâm nói mình là công nhân, mẹ ở quê bị bệnh nặng, bí bách quá nên mới làm liều kiếm tiền giúp mẹ.

Khi cần thiết, chúng còn rơi vài giọt lệ khiến các ông khách cảm thương, chấp nhận “đi” với giá cao như là một cách để giúp đỡ.

Sau khi “cá đã cắn câu”, kẻ đóng giả đưa khách đến căn nhà do bọn chúng thuê để đồng bọn “xẻ thịt” con mồi. Khi biết mình sập bẫy kẻ bất lương, phần lớn nạn nhân chấp nhận xem đó là bài học xương máu dành cho mình.

“Bị mất trộm xong tôi thấy xuất hiện một số kẻ mặt mày bặm trợn, xăm hình vằn vện. Khi tôi lớn tiếng, một thanh niên trong nhóm nhận mình là chồng của cô gái thì tôi biết mình không còn lối thoát, đành im lặng ra về.

Tôi phải nói dối vợ con bị đánh rơi bóp trên đường rồi âm thầm làm lại giấy tờ đã bị trộm.

Tôi thấy mình có lỗi với vợ con vì một chút ham vui mà gây nhiều phiền toái, cũng may là người thân chưa hay biết gì chuyện này. Tôi đã tố cáo đến cơ quan Công an và xin được giữ bí mật về lai lịch”- một nạn nhân đau khổ cho biết.

Cảnh giác trước các chiêu trò “dàn cảnh” để lừa đảo - Ảnh 1.

Tang vật bị thu giữ.


2. Trước đây, mỗi năm Đội 8, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an các quận, huyện thụ lý hàng trăm vụ tố cáo làm giấy tờ giả nhà đất để lừa đảo.

Sau khi có quá nhiều bài học cảnh giác và các phòng công chứng siết chặt khâu giám định giấy tờ thì kiểu lừa này giảm hẳn vì kẻ gian không dám đến phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng, đặt cọc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây kẻ lừa dạng này đã tái xuất nhưng mục đích của chúng chỉ là chiếm đoạt tiền đặt cọc.

Bà N.T.T, một nạn nhân ngụ ở quận 6 kể lại: Thấy tờ rơi dán trên cột điện rao bán căn nhà nằm trên đường Chợ Lớn, bà dự định mua cho đứa con trai ra ở riêng nên liên hệ qua số điện thoại.

Đầu dây bên kia nhận mình là người môi giới và cho biết người chủ vì đang cần tiền gấp nên bán căn nhà với giá khá mềm là 4,5 tỉ cho căn nhà cấp 4 gần 70m². Đối tượng này hẹn gặp bà T. tại căn nhà rao bán để gặp chính chủ thỏa thuận trực tiếp.

Bà T. đến nơi thì thấy đây là một quán cà phê nhỏ. Người môi giới bố trí bà T. ngồi vào bàn phía ngoài lề đường rồi điện thoại cho ai đó. Trong tích tắc có một người đàn ông từ dưới nhà bếp bước lên, trên tay cầm theo xấp giấy tờ.

Với vẻ mặt buồn bã, người đàn ông nhận mình là chủ căn nhà, cần bán nhà gấp để đưa đứa con độc nhất sang Singapore trị bệnh ung thư. Sau khi đưa cho bà T. xem giấy tờ bản chính căn nhà, người đàn ông đưa ra giá chắc nịch là 4,5 tỉ không thể bớt thêm.

Tuy biết đây là cái giá khá rẻ nhưng bà T. cũng kỳ kèo đôi chút nhưng người đàn ông chấp nhận bớt.

Cùng lúc đó có đôi nam nữ tìm đến đây để hỏi mua nhà, “người chủ” bảo họ uống cà phê chờ một chút sẽ sang tiếp chuyện. Nhìn bộ dạng tỏ vẻ như nóng lòng, sốt ruột của đôi nam nữ, bà T. bắt đầu lo lắng sợ tuột mất cơ hội mua căn nhà.

Chỉ đợi có vậy, người đàn ông quả quyết: “Nếu chị đồng ý thì đặt cọc làm tin, sáng mai công chứng mua bán, còn không để tôi bán cho người khác”.

Thấy không còn cơ hội nào tốt hơn, bà T. chấp nhận đặt cọc trước 200 triệu đồng và gọi con mang tiền đến. Do ngoài giờ hành chính, phòng công chứng đã đóng cửa nên hai bên chỉ làm bằng giấy tay. Bà T. vui vẻ ra về mà không hề có chút lo lắng nào.

Sang hôm sau bà T. quay lại căn nhà theo lịch đã hẹn để đi công chứng thì tá hỏa khi hay chẳng có chuyện bán căn nhà này. Người chủ quán tên là Thảo cho hay thuê căn nhà này của người khác để bán cà phê.

Còn người đàn ông hôm qua là khách quen mới, hơn một tuần nay. Tất nhiên tên trong giấy chứng nhận mà kẻ lừa cho bà T. xem cũng không đúng với tên người chủ thật sự…

Qua các thông tin tìm hiểu thêm sau đó, bà T. biết chắc mình đã bị nhóm tội phạm dàn cảnh lừa đảo. Nhưng tất cả đều đã muộn, vì chứng cứ mà bà T. có được chỉ là tờ giấy lộn ghi vài dòng chữ của một kẻ lạ...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại