Cảnh giác những trò lừa đảo siêu tốc

Minh Tiến |

Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã xuất hiện những vụ lừa đảo với tốc độ… siêu nhanh. Bằng những thủ đoạn mới và cực "dị", nhóm đối tượng tạo ra các màn kịch khiến cho bị hại mất cảnh giác. Và bọn chúng sẽ nhanh chóng lấy đi tiền, tài sản khi mà các bị hại còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra…

Thuê trụ sở theo ngày để lừa shipper

Trung tá Ngô Văn Điển, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an quận Long Biên cho chúng tôi biết, mới đây các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra và đề nghị truy tố, xét xử cặp "nữ quái" Nguyễn Bích Huệ (SN 1983, trú tại Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) và Phan Thị Hậu (SN 1981, trú tại Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Hai nữ quái này cũng là điển hình cho việc phát minh ra trò lừa đảo siêu tốc. Chỉ với thủ đoạn mới này trong vòng khoảng 6 tháng, các đối tượng đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng của các bị hại.

Theo cơ quan công an, đầu năm 2019, Công an phường Bồ Đề (quận Long Biên) nhận được đơn trình báo của anh Ngô Văn M. (SN 1980, trú ở phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội) về việc anh bị lừa đảo khi đi xin việc làm.

Ngày 9-1-2019, anh M. lên mạng xã hội để tìm việc thì đọc được thông tin đăng tải trên mạng tuyển người giao hàng tại địa chỉ 127 Phú Viên (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội).

Đến nơi anh M. gặp 2 phụ nữ, một người xưng tên Ninh, tiếp anh và tư vấn đồng thời phân công anh M. vận chuyển 9 hóa đơn giao hàng với tổng số tiền gần 74 triệu đồng.

Ninh cũng yêu cầu anh M. đặt cọc 15% số tiền hàng là 11 triệu đồng. Thù lao anh M. sẽ được nhận sau khi hoàn thành công việc.

Thấy công việc khá đơn giản, lại có thù lao cao nên anh M. đồng ý ký vào hợp đồng và đưa tiền cho Ninh. Ninh hẹn M. 13h đến để giao hàng. Đến 13 giờ cùng ngày, anh M. đến cửa hàng số 127 Phú Viên thì thấy khóa cửa, và không liên lạc được với Ninh.

Không thể tin được mình đã bị lừa một cách chóng vánh như vậy nên anh M. cứ quanh quẩn ở khu vực đó. Nhiều giờ sau anh M. mới đến Công an Phường Bồ Đề trình báo.

Tổ chức điều tra, cơ quan công an phát hiện ra hàng loạt các vụ lừa đảo tương tự, đã xảy ra trên địa bàn quận Long Biên từ tháng 8-2018. Nhóm đối tượng này đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sàng lọc nhiều đối tượng nghi vấn, ngày 20-2-2019 các trinh sát phát hiện Nguyễn Bích Huệ có đặc điểm tương đồng với đối tượng nghi vấn trong vụ lừa đảo trên có mặt trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và đã mời đối tượng về trụ sở để làm rõ.

Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Bích Huệ khai nhận đã cùng Phan Thị Hậu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Ngô Văn M.. Cũng từ đây, trò lừa đảo siêu nhanh của nhóm đối tượng này đã được làm rõ.

Quen nhau từ năm 2008, cùng phải lĩnh án về tội lừa đảo, Hậu và Huệ đã "chập" vào với nhau để dựng lên một màn kịch thuê shipper giá cao nhằm chiếm đoạt tài sản của những người có nhu cầu tìm việc. Thủ đoạn của nhóm này rất "dị", và được phân công phân nhiệm rõ ràng, cụ thể.

Đầu tiên cả hai đi dò hỏi các nơi về việc thuê ki ốt bán hàng. Là phụ nữ, lại mồm mép lanh lợi nên bọn chúng đã nhanh chóng thỏa thuận được việc thuê địa điểm. Dĩ nhiên hai đối tượng sẽ không thanh toán tiền thuê.

Chúng vẽ ra rằng sẽ thuê hẳn 6 tháng, trả tiền "tươi" ngay song phải chọn ngày "nhập trạch" nên một vài ngày tới chỉ đến quét dọn, kê đồ thôi. Đến khi nào thuê chính thức sẽ trả đủ tiền. Chủ nhà nghe nói có lý nên cũng gật đầu. Chúng dựng lên một cái bảng hiệu cho ra dáng là một doanh nghiệp rồi bắt đầu màn kịch.

Huệ tiếp tục lên mạng Internet để đăng thông tin tuyển người giao hàng trên địa bàn Hà Nội, thù lao tốt (khoảng 150-200 ngàn đồng/giờ làm việc). Bọn chúng cũng đi mua nhiều sim điện thoại rác để đăng, sử dụng tên giả nhằm gặp gỡ trao đổi với bị hại.

Khi có người gọi đến liên hệ và tìm hiểu thông tin việc làm (thường rất nhanh, chỉ vài giờ sau khi đăng) thì bọn chúng sẽ cho địa điểm vừa dọn dẹp.

Công việc mà các đối tượng làm mồi nhử là giao sim thẻ theo ca, mỗi ca 4 giờ. Sau đó Huệ và Hậu đưa ra một số hóa đơn hàng do bọn chúng đã viết trước, nếu khách có nhu cầu làm việc thì Huệ hoặc Hậu yêu cầu khách ký hợp đồng và yêu cầu đặt cọc tiền tương ứng 10-15% hóa đơn hàng.

Trường hợp khách không có tiền đặt cọc thì Huệ và Hậu yêu cầu để lại xe máy cùng giấy tờ xe để làm tin, khi nào chuyển hàng xong sẽ nhận lại xe. Nhân viên sau đó sẽ tự tìm phương tiện để đi giao hàng.

Sau khi khách để lại tài sản để bắt đầu công việc thì ngay lập tức hai đối tượng sẽ đóng cửa hàng, biến mất để chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn trên, nhóm này đã thực hiện trót lọt 7 vụ lừa đảo cùng trên địa bàn quận Long Biên và nhiều vụ trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Tổng số tiền nhóm này chiếm đoạt được làm rõ là hơn 130 triệu đồng. Mỗi phi vụ các đối tượng thực hiện chỉ trong vòng 1-2 ngày.

Cá biệt, chỉ trong ngày 3-1-2019 nhóm này đã liên tiếp chiếm đoạt chiếc xe Honda Vision của anh Mai Tuấn Đạt (trú tại phường Việt Hưng) và chiếc xe Wave RSX của anh Bùi Văn Công (quê Trực Ninh, Nam Định).

Cũng theo cơ quan công an, khi các trinh sát bất ngờ ập vào một căn nhà trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, đối tượng Huệ còn tỏ ra coi thường pháp luật.

Bởi trước đó Huệ đã từng bị công an một quận đưa về, song chúng bịa ra là làm thuê cho một đối tượng nam khác. Do chưa đủ tài liệu nên cơ quan công an đã phải tạm "buông".

Khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Long Biên đã điều tra, thu thập chứng cứ, dựng lên được toàn bộ quá trình lừa đảo của đối tượng nên khi bị đưa về đấu tranh, khiến các đối tượng đều phải ngoan ngoãn khai nhận tội lỗi.

Được biết Phan Thị Hậu từng có đến 3 đời chồng, một mình nuôi 5 đứa con, lại đi "bốc họ" nên cuộc sống có nhiều khó khăn, thường xuyên lâm vào cảnh nợ nần cùng quẫn. Nguyễn Bích Huệ cũng là kẻ vô nghề nghiệp, không kế sinh nhai nên chập với nhau thành một đôi lừa đảo.

Trà trộn vào ứng dụng đặt đơn hàng để lừa đảo

Thời gian vừa qua, có rất nhiều shipper (người giao hàng theo yêu cầu) lên tiếng vì bị một nhóm lừa đảo với tốc độ chóng mặt. Chỉ trong vòng mấy chục phút, các nạn nhân đã phải ngậm đắng vì mất tiền quá nhanh.

Hai đối tượng Trịnh Minh Ngọc và Nguyễn Thanh Sang (SN 1995 cùng trú tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chính là tác giả của trò lừa đảo này.

Anh Nguyễn Mạnh X. (trú tại quận Hoàn Kiếm - một nạn nhân của nhóm đối tượng này) kể lại với chúng tôi. Buổi tối ngày 16-6-2019, thông qua một ứng dụng trên mạng Internet, anh X. thấy xuất hiện một đơn "ship" tiền từ phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm) đến một khu đô thị trên quận Hoàng Mai. Phí ship cao hơn hẳn những nơi khác.

Anh X. bấm vào nút "nhận" thì được đối tượng Ngọc hướng dẫn chuyển 2 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng. Tiếp đó Ngọc nói anh X. cầm theo biên lai chuyển tiền đến địa chỉ ở khu đô thị T. nhận lại tiền và phí ship.

Tuy nhiên, khi cầm biên lai chuyển tiền đến địa điểm cần giao dịch thì nạn nhân không liên lạc được với bất kỳ ai và số tiền 2 triệu đồng cũng bị mất. Anh X. đã lên công an phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trình báo.

Không chỉ có anh X. mà hàng loạt nạn nhân của Ngọc đã lên mạng cùng nhau tố cáo đối tượng. Người bị lừa 2 triệu, kẻ bị lừa 5-10 triệu.

Cảnh giác những trò lừa đảo siêu tốc - Ảnh 2.

Ngọc và Sang - 2 kẻ chuyên lừa shipper.


Thủ đoạn của Ngọc là lợi dụng những shipper mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm nên Ngọc đã trà trộn vào các group dành cho shipper và các ứng dụng đặt đơn giao hàng.

Sau đó đối tượng "book" shipper đến các điểm, cửa hàng nạp tiền như Momo, Viettelpay... với nội dung là nhờ shipper nạp hộ tiền vào tài khoản mang tên Trịnh Minh Ngọc, Lê Minh Hải… Tiếp đó đối tượng nói shipper cầm hóa đơn đó về địa chỉ "ma" để nhận lại tiền và phí ship.

Ngọc sẽ để tiền phí ship khá cao để shipper mới vào nghề mất cảnh giác. Sau khi shipper nạp tiền vào tài khoản của đối tượng xong rồi shipper đến địa chỉ do đối tượng cung cấp thì mới phát hiện đó là địa chỉ không có thật.

Tiếp nhận đơn của bị hại, Công an phường Lý Thái Tổ đã phối hợp với đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khẩn trương tổ chức điều tra truy bắt nhóm đối tượng. Tại cơ quan công an, Ngọc và Sang đã thừa nhận hành vi phạm tội.

Theo đó, Ngọc chịu trách nhiệm tạo các đơn hàng giả, còn Sang phụ trách việc hướng dẫn chuyển tiền cho các "shipper". Bằng thủ đoạn tinh vi trên, hai đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của gần chục bị hại.

Được biết Trịnh Minh Ngọc từng là một đối tượng hoạt động vận chuyển hàng hóa qua các ứng dụng vận chuyển online. Do am hiểu về quy trình ứng tiền - nhận đơn - giao hàng - thu tiền nên Ngọc đã rủ bạn học cùng cấp 2 là Nguyễn Thanh Sang lên kế hoạch lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các "shipper". Tới đây nhóm này sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân, shipper không ham "việc nhẹ lương cao", dễ mắc bẫy các đối tượng lừa đảo. Khi bị lừa, người dân cũng cần nhanh chóng có mặt tại cơ quan Công an để trình báo, phối hợp truy bắt đối tượng.


Vờ bán tiền ảo, giật tiền thật như "chảo chớp"

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đối với Nguyễn Hồng Ngọc (SN 1991, trú tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) và Nguyễn Thúy Hằng (SN 1989, trú tại phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo điều tra từ cơ quan chức năng, khoảng tháng 9-2017, Nguyễn Hồng Ngọc và Nguyễn Thúy Hằng thuê một căn hộ chung cư để ở và kinh doanh "tiền ảo" Ethereum (viết tắt là ETH) trên mạng Internet.

Ngọc lập tài khoản facebook mang tên "Ruby Vương Triệu Ngọc" và đăng nội dung "Emitano - Mua bán Bitcoin và Ethereum nhanh chóng và an toàn". Đối tượng cũng tạo tài khoản ví điện tử để giao dịch tiền điện tử.

Cuối tháng 12-2017, anh Whang Taegun (quốc tịch Hàn Quốc) đến Việt Nam du học và có nhu cầu mua bán tiền điện tử ETH. Khi thấy tin rao bán của Ngọc, anh Whang đã nhắn tin mua. Dù chỉ sở hữu 1 đồng ETH nhưng thấy khách hàng hỏi mua nên Ngọc nảy sinh ý định lừa đảo.

Quá trình cả hai nhắn tin trao đổi, Ngọc bốc phét là "muốn mua bao nhiêu cũng được" và giá thì rẻ hơn nơi khác. Tin tưởng nên anh Whang đã đặt mua 41,79 đồng ETH với giá thỏa thuận 20 triệu/1 đồng. Tổng cộng là 840 triệu đồng.

Ngọc nhắn anh Whang biết có đủ số tiền ETH, khi nào anh Whang chuyển tiền thì đối tượng sẽ chuyển tiền ETH tương ứng vì đồng tiền này biến động từng phút. Sau khi hai bên thống nhất, Ngọc hẹn khách hàng đến một quán cà phê để hoàn tất việc mua bán.

Chiều 2-1-2018, Ngọc và Hằng lái xe ô tô đến điểm hẹn. Nhìn thấy anh Whang và bạn ngồi chờ trong quán, Ngọc nói với đồng bọn "hai thằng này nhìn gà, dễ bị lừa".

Bộ đôi bàn nhau là Ngọc sẽ giả vờ giao dịch còn Hằng để ô tô nổ máy trước chờ sẵn. Và ngay khi anh Whang chuyển khoản tiền thì Ngọc sẽ tìm cách leo lên xe ô tô và chuồn.

Đúng như kế hoạch, Ngọc vào quán cafe gặp anh Whang. Sau đó hai bên đến ngân hàng gần đó để chuyển tiền. Khi thấy tin nhắn báo tài khoản có tiền, Ngọc vờ đi ra ngoài sảnh ngân hàng đứng.

Anh Whang đi theo và yêu cầu Ngọc chuyển đủ số tiền ETH. Nhưng lợi dụng anh Whang không để ý, Ngọc chạy ra đường lên xe ô tô của đồng bọn tẩu thoát.

Anh Whang sau đó đến cơ quan Công an trình báo và đề nghị phong tỏa tài khoản của Ngọc. Ngọc và Hằng sau đó đã bị cơ quan công an bắt giam, và bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại