Cảnh đáng sợ ở căn nhà giữa phố, người bước vào run rẩy, người không muốn rời đi

Tú Anh |

Ở các hành lang, dây điện chằng chịt, không gian chật hẹp, mùi rác thải, bụi, phân động vật nồng nặc.

Chung cư số 155-157 Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP.HCM) được xây dựng từ trước năm 1975. Tòa nhà gồm 6 tầng, rộng gần 600 m2, diện tích sàn xây dựng là 4.000 m2. Mỗi căn hộ có diện tích từ gần 20 m2 - 60 m2. Trước đây, chung cư có 80 hộ dân sinh sống.

Năm 2016, Sở Xây dựng TP.HCM tiến hành kiểm định mức độ nguy hiểm của tòa nhà. Kết quả, khả năng chịu lực của tòa nhà ở cấp độ D - tòa nhà không thể đáp ứng với yêu cầu sử dụng bình thường. Công trình chỉ có hiện trạng bên ngoài chắc chắn còn phía trong đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cảnh đáng sợ ở căn nhà giữa phố, người bước vào run rẩy, người không muốn rời đi - Ảnh 1.

Cổng đi vào chung cư nhếch nhác, không có bảo vệ.

Ngày 13/6, UBND phường Phạm Ngũ Lão đã có buổi tiếp xúc cư dân, thông báo về việc di dời và bố trí tạm cư. Theo đó, mỗi hộ dân sử dụng 1 căn hộ ở chung cư này được lựa chọn 1 căn hộ trong danh sách quỹ nhà tạm cư ở quận 1 (6 căn), quận 4 (1 căn), quận Bình Thạnh (20 căn), xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (100 căn).

Những người dân không đồng ý chuyển về căn hộ tạm cư sẽ được hỗ trợ thuê nhà tạm cư với mức 5 triệu đồng/tháng đối với hộ từ 4 nhân khẩu trở xuống; 4 khẩu trở lên mỗi nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 1,25 triệu đồng/tháng, nhưng không quá 15 triệu đồng/tháng/hộ.

Theo ghi nhận của VietNamNet vào ngày 8/10, hầu hết cư dân ở chung cư đã dọn đi. Bên ngoài cửa phòng của các căn hộ này đã được niêm phong, có chữ ký đồng ý của chủ hộ, chữ ký ghi nhận của chính quyền địa phương và chữ ký của người thứ ba.

Cảnh đáng sợ ở căn nhà giữa phố, người bước vào run rẩy, người không muốn rời đi - Ảnh 2.

Cán bộ phường xuống niêm phong những căn hộ chủ chấp nhận dời đi.

Trên sân thượng, từng mảng bê tông bong tróc, cong vênh. Rác thải lâu ngày không được dọn, chất đống. Tường bao quanh nứt nẻ, ẩm ướt, rêu mọc đầy.

Hành lang 6 tầng của tòa nhà nhỏ hẹp, bụi, mạng nhện bám đầy tường, dây điện, dây cáp điện thoại, internet chằng chịt, treo lơ lửng trên trần. Rác thải của các hộ dọn đi vứt vương vãi trong phòng. Cả không gian đầy mùi bụi, ẩm mốc, phân động vật. Tuy nhiên, hiện còn 10 hộ vẫn đang sống ở đây.

Căn hộ rộng gần 20 m2 của ông Nguyễn Anh Đức, hiện 84 tuổi ở tầng 6. Căn hộ này ông mua cách đây 40 năm. Hiện, ông và vợ chồng con gái đang ở.

Cảnh đáng sợ ở căn nhà giữa phố, người bước vào run rẩy, người không muốn rời đi - Ảnh 3.

Bên trong các căn hộ chủ chấp nhận di dời, rác thải vứt vương vãi xuống nền.

Giải thích về lý do chưa dời đi, ông Đức cho biết, gia đình chưa biết phải đi đâu. Một phần, ông thấy, chung cư vẫn còn ở được, không xuống cấp như kết luận của Sở Xây dựng TP.HCM. Các dịch vụ như vệ sinh, điện nước… còn đầy đủ. Chỉ cần sơn sửa lại, đi lại đường dây điện là ổn.

‘Tôi có hai phương án để lựa chọn. Một là chuyển đến căn hộ dưới Vĩnh Lộc B. Hai là nhận 5 triệu đồng/tháng để đi thuê nhà. Tôi thấy cả hai cách đó đều không khả thi. Bây giờ, tôi cứ ở đây đến khi nào người ta phá bỏ rồi tính’, ông Đức nói.

Căn hộ rộng hơn 40 m2 của vợ chồng chị Thơ, hiện 43 tuổi ở tầng 3. Lối đi vào nhà nhỏ hẹp, tối om. Bên trong, vợ chồng chị ngăn nhà làm hai tầng. Phía trên là nơi ngủ, học tập của các con. Ở dưới là bếp nấu, chỗ ngủ của hai vợ chồng và khu sinh hoạt chung.

Cảnh đáng sợ ở căn nhà giữa phố, người bước vào run rẩy, người không muốn rời đi - Ảnh 4.

Ngoài hành lang, dây điện chằng chịt, từng mảng tường bong tróc...

Vợ chồng chị Thơ sống ở chung cư đã hơn 20 năm. Chồng chị làm giáo viên. Chị nhận may áo quần tại nhà. Hai đứa con chị đang học ở trường gần nhà. ‘Bây giờ, gia đình tôi chuyển đi thì phải thay đổi tất cả mọi thứ’, chị Thơ thở dài.

Chị Thơ cho biết, nếu chuyển xuống Vĩnh Lộc B, chị sẽ mất hết khách hàng, các con phải thay đổi chỗ học. Còn nhận 5 triệu để đi thuê nhà thì e không đủ. ‘Tôi có đi xem một số chung cư cũ gần đây để chuyển qua, nhưng thấy ở đó còn xuống cấp hơn’, chị Thơ nói.

Cảnh đáng sợ ở căn nhà giữa phố, người bước vào run rẩy, người không muốn rời đi - Ảnh 5.

Nhiều mảng tường đã bong tróc.

Chị thở dài: ‘Nhà là của mình, có giấy tờ đầy đủ. Người ta nói dời đi nhưng không nói thời gian quay lại. Ai biết, khi mình không ở đây nữa thì có chuyện gì xảy ra. Chẳng thà người ta kêu mình bỏ thêm tiền để đập đi xây lại’.

Vợ chồng bà Lê Thị Hạnh, 55 tuổi, làm dọn dẹp vệ sinh ở chung cư đã dời đi mấy tháng nay. Tuy nhiên, bà không hài lòng với nơi ở mới.

Cảnh đáng sợ ở căn nhà giữa phố, người bước vào run rẩy, người không muốn rời đi - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Anh Đức sống ở chung cư đã 40 năm. Ông cho biết, không muốn rời đi vì thấy chung cư chỉ cần sơn sửa lại là ở được.

‘Chung cư tôi đang ở còn xuống cấp hơn chung cư này’, bà Hạnh nói. Bà cho biết, từng sống ở chung cư Bùi Viện hơn 40 năm. Khi đó, công việc của bà là quét dọn chung cư Bùi Viện, thu nhập ổn định. Từ khi chuyển chỗ mới, công việc của bà bấp bênh. Bà phải đi làm giúp việc nhà, giữ em bé để đảm bảo cuộc sống.

Bà Hạnh cũng lo lắng, không biết tới bao giờ cả gia đình mới được về lại nhà cũ. 'Căn nhà là gia tài của vợ chồng tôi. Không biết tới đây sẽ ra sao. Vợ chồng tôi đang rất lo lắng', bà Hạnh thở dài.

Trả lời VietNamNet, ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão cho biết, chung cư 155 Bùi Viện đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn khi người dân tiếp tục sinh sống.

Thời gian qua hầu hết người dân đã chọn được nơi ở và gói hỗ trợ phù hợp nên đồng ý di dời. Sau khi các hộ dọn đi, phía ủy ban đã xuống niêm phong có chữ ký của chủ hộ, cán bộ phường và người chứng kiến. Hiện còn 10 hộ vẫn đang ở tại chung cư, ủy ban phường đang tiếp tục vận động các hộ di dời để đảm bảo an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại