Cảnh báo virus cực độc âm thầm đột biến, có thể nguy hiểm cho người hơn

Anh Thư |

Một điều gì đó đã xảy ra vào giữa năm 2021 - người đứng đầu một trung tâm nghiên cứu về cúm hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo

Một nghiên cứu vừa công bố trên Nature Comunications khẳng định nhân loại đang đối diện với đợt bùng phát lớn nhất lịch sử của cúm gia cầm A/H5N1 (cúm gia cầm độc lực cao).

Rủi ro bùng dịch với con người vẫn đang được WHO đánh giá ở mức "thấp" nhưng đang gia tăng vì virus đã và đang tiếp tục thay đổi.

TS Richard Webby, Giám đốc Trung tâm hợp tác của WHO về Nghiên cứu sinh thái học của cúm ở thú và chim - thành viên nhóm nghiên cứu, cảnh báo "một điều gì đó đã xảy ra" vào giữa năm 2021.

Cảnh báo virus cực độc âm thầm đột biến, có thể nguy hiểm cho người hơn - Ảnh 1.

TS Richard Webby - Ảnh: ST JUDE CHILDREN'S RESEARCH HOSPITAL

Đó là thời điểm mà loại cúm này đột ngột chứng tỏ khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với những đợt dịch cúm gia cầm trước đây, gây ra các đợt bùng phát kéo dài cho đến nay, càn quét chim hoang dã, gia cầm và cả những động vật có vú vốn chưa từng phát hiện bệnh này.

Nghiên cứu khẳng định virus này đã đột biến và gia tăng độc lực (khả năng gây bệnh nặng) trên đường lây lan từ châu Âu sang Bắc Mỹ từ năm 2021 đến nay.

Các nhà nghiên cứu đã thử xem xét một con chồn sương bị nhiễm một trong những chủng mới của cúm A/H5N1 và phát hiện một lượng virus khổng lồ trong não nó.

WHO từng tuyên bố hồi tháng 2 rằng nguy cơ lây nhiễm và gây ra dịch bệnh ở con người vẫn là thấp, sau khi 2 người mắc loại cúm này ở Campuchia (trong đó 1 người chết) được xác định là bị lây từ động vật chứ không phải từ người sang người.

Nhóm nghiên cứu nhắc lại phân loại rủi ro "thấp" đó nhưng đi kèm cảnh báo: "Virus này không tĩnh, nó đang thay đổi".

"Điều đó làm tăng khả năng, thậm chí chỉ là khả năng tình cờ, virus này sở hữu các đặc điểm di truyền cho phép nó giống virus ở người hơn" - TS Webby nói. Điều đó có nghĩa nguy cơ nó tăng khả năng lây sang người và lây từ người sang người vẫn treo lơ lửng.

Nhóm nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm 2 hoặc 3 thay đổi nhỏ dự kiến có thể xảy ra trong một loại protein của virus này, khiến nó thích nghi với người hơn. May mắn là đến nay vẫn chưa thấy.

Các tác giả cho biết điều cần làm bây giờ là tiếp tục giám sát nó, cũng như nỗ lực tiêm phòng cho gia cầm để kìm hãm đợt lây lan lớn này, như một số quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ai Cập, Việt Nam... đã làm.

Tại Việt Nam, cúm A/H5N1 ở người được xếp loại là bệnh truyền nhiễm nhóm A - tức nguy hiểm hơn COVID-19 hiện nay, vốn vừa được hạ cấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại