Một tuần sau khi bị chuột cắn, anh N.H. L (40 tuổi ở Hưng Yên) không ngờ mình phải nhập viện để điều trị… vì mắc bệnh Sodoku do chuột cắn.
Anh L cho biết trước đó anh bị chuột cắn tại nhà, chảy một tí máu đầu ngón chân nhưng anh không nghĩ có gì nghiêm trọng. Thế nhưng sau khoảng 7 ngày bị chuột cắt, ngón chấn cái bị chuột cắn sưng đỏ, người khi nóng bừng bừng, khi lạnh run.
Lúc đầu nghĩ là sốt vi rút, anh L tự mua thuốc về uống. Hai hôm liền uống thuốc không đỡ, anh cũng chẳng không nghĩ do ngón chân sưng đỏ là căn nguyên.
Khi thấy tình trạng sốt nóng sốt lạnh không cải thiện, anh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thăm khám. Chẩn đoán của bác sĩ cho biết anh L đã mắc bệnh Sodoku do bị chuột cắn. Anh L được chỉ định nhập viện điều trị.
Sốt do chuột cắn gọi là bệnh sodoku, được biết đến từ lâu, nguyên nhân do một loại xoắn khuẩn có tên là Spirillum minus. Khi bị nhiễm bệnh, chỗ bị chuột cắn sẽ sưng đỏ, sốt, sưng hạch…
Không được chẩn đoán, điều trị kịp thời hạch càng sung to, có thể nôn, buồn nôn, đau khớp, nặng có thể dẫn đến viêm khớp, viêm màng não, tình trạng sốt có thể kéo dài vài tháng. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu -Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trường hợp như anh L. phải nhập viện điều trị vì chuột cắn không phải là cá biệt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Các ca chuột cắn gây bệnh Sodoku vẫn nhập viện rải rác và điều trị rất hiệu quả bằng kháng sinh rẻ tiền khi chẩn đoán đúng bệnh. Mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận khoảng 10-20 ca bị sodoku do chuột cắn; khởi đầu vết cắn đơn giản nên nhiều người bệnh không để ý.
“Do vết chuột cắn đơn giản nên đôi khi người bệnh không để ý nhiều, khi thấy sốt, sưng hạch thì chữa quanh, tự uống thuốc, thậm chí cả những kháng sinh đắt tiền mà không mang lại kết quả.
Trong khi đó, căn bệnh này nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì chữa rất đơn giản, chỉ cần sử dụng kháng sinh đơn giản, kháng sinh mạnh không có tác dụng. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, việc điều trị hết sức phức tạp”- BS Nguyễn Trung Cấp nói
Theo các chuyên gia việc chẩn đoán bệnh do chuột cắn phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ. Tuy nhiên, việc chẩn đoán dễ bỏ sót, và hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ, khai thác thông tin từ bệnh nhân sau khi chuột cắn có sốt, viêm bạch hạch.
Thời kỳ ủ bệnh của bệnh Sodoku thường từ 5 ngày đến 4 tuần. Người bệnh khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao (39 - 40 độ), ớn lạnh, sốt thành từng cơn, sốt không có tính chu kỳ. Sự tái phát cơn sốt có thể xuất hiện vài lần trong vòng từ 1 đến 3 tháng.
Tại vị trí bị chuột cắn, các tổn thương ngoài da có thể tự khỏi, nhưng phần lớn các trường hợp xuất hiện ban xuất huyết hoại tử tại chỗ và có phản ứng của hạch khu vực. Trong quá trình bị bệnh, bệnh nhân có thể có các biểu hiện đâu cơ, đau khớp và thường diễn biến dẫn tới viêm khớp.
Đa số các ca bệnh đều nhẹ, nhưng có một tỉ lệ rất nhỏ bệnh nhân biểu hiện nặng, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu của hệ thống thần kinh: đau đầu, ảo giác, mê sảng dẫn đến hôn mê.
Nếu bệnh nhân không được điều trị, bệnh kéo dài thường 1 đến 2 tháng và có thể gây ra biến chứng gồm viêm màng não, nhồi máu cơ tim, viêm gan, viêm màng phổi, viêm mào tinh hoàn, thiếu máu nặng. Tỷ lệ tử vong khoảng 6 đến 10%.
Được biết, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các ca nhập viện vì bệnh Sodoku do chuột cắn đều được điều trị khỏi, không ca nào để lại các biến chứng.
Chuột là trung gian truyền rất nhiều loại bệnh, vì thế, Các chuyên gia khuyến cáo,để phòng bệnh, người dân nên tránh bị chuột cắn phải. Khi bắt chuột thì không dùng tay không mà phải đeo găng dày. Bên cạnh đó, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để đồ đạc ẩm thấp, bừa bãi làm nơi chuột trú ngụ, sinh sản.
Khi ngủ, nên chèn màn chặt kín 4 góc giường ngăn ngừa không cho chuột chui vào cắn. Nếu không may bị chuột cắn thì nên rửa sạch bằng nước muối, thuốc sát trùng, nước xà phòng, sau đó đến bệnh viện để được khám và tư vấn kịp thời.