Trẻ vào viện vì nhiều đợt viêm phổi, được chuyển đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, chẩn đoán nhão cơ hoành phải.
TS.BS Nguyễn Việt Hoa - Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Các triệu chứng lâm sàng của nhão cơ hoành phải thường khó phát hiện và không đặc hiệu do có gan áp sát.
Trẻ có thể đến với triệu chứng suy hô hấp, viêm phổi nhiều đợt, rối loạn tiêu hóa, chậm tăng cân hoặc do đi khám bệnh khác tình cờ phát hiện.
Bệnh có thể chẩn đoán nhầm với các bệnh phổi biệt lập, nang thùy dưới phổi, di dạng nang tuyến phổi… vì có những triệu chứng tương tự.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Theo TS. Hoa, phương pháp điều trị chính của bệnh là phẫu thuật tạo hình cơ hoành. Việc khâu cơ hoành qua nội soi đường ngực ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khá khó khăn, đòi hỏi phải có điều kiện về gây mê hồi sức và điều kiện trang thiết bị cũng như phẫu thuật viên có kinh nghiệm.
Các biến chứng có thể gặp trong và sau phẫu thuật như: Chảy máu, nhiễm trùng, tràn máu tràn khí màng phổi, tái phát bệnh, suy hô hấp phải nằm thở máy lâu dài.
Tại khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị hoành bẩm sinh cho trẻ sơ sinh đã trở thành thường quy, việc ứng dụng nội soi 3D với ưu điểm là cho hình ảnh sắc nét có độ sâu, độ thực cao hơn so với nội soi 2D, giúp quá trình mổ của phẫu thuật viên diễn ra dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian phẫu thuật, cho kết quả tốt.
Cơ hoành là phần cơ hình vòm, ngăn cách giữa khoang ngực và khoang bụng, tức là ngăn giữa phần trên là khoang ngực, chứa tim và phổi, với phần dưới là khoang bụng chứa các cơ quan trong ổ bụng. Cơ hoành là cơ chủ yếu của hệ hô hấp, giúp con người có thể hít thở bình thường.
Tình trạng “nhão cơ hoành – liệt cơ hoành” là do khiếm khuyết phần cơ, cơ hoành chỉ như một miếng màng mỏng. Do đó các cơ quan trong ổ bụng sẽ đẩy cơ hoành lên trên, chiếm chổ của phổi. Nhão cơ hoành thường được phát hiện tình cờ khi chụp X quang phổi.
Đây là một dị tật bẩm sinh cần phải phẫu thuật nhưng không phải là phẫu thuật cấp cứu. Các bác sĩ khoa hồi sức, bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật viên sẽ hội ý với nhau để quyết định thời điểm phẫu thuật.