Chị Hoàng Hồng Hạnh (34 tuổi, Hà Nội) đưa con gái Nguyễn Bảo Anh (5 tuổi) tới bệnh viện khám khi bé xuất hiện các triệu chứng sốt, nhiệt độ cao nhất đo được là 39,5 độ, ho nhiều kèm chảy mũi trong, tiếng ho nặng và cảm giác khó thở khiến bé ăn kém. Kiểm tra X-quang ngực thẳng cho thấy hình ảnh phổi có tổn thương, nhiều nốt mờ rải rác. Bảo Anh được chỉ định nhập viện điều trị do viêm phổi nặng.
Các bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc hạ sốt, khí dung kết hợp truyền dịch tĩnh mạch để bù nước và điện giải cho bệnh nhi. Ngày thứ 2 nhập viện, tình trạng ho và khó thở tăng lên, Bảo Anh được cho thở oxy hỗ trợ, tình trạng dần ổn định từ ngày thứ 5. Kết quả xét nghiệm nuôi cấy cho thấy Metapneumovirus là nguyên nhân chính gây bệnh. Hai chị em khác của Bảo Anh cũng được xác nhận nhiễm virus này và phải nhập viện điều trị với những biểu hiện tương tự.
Hình ảnh tổn thương phổi do nhiễm Metapneumovirus trên phim chụp X-quang. Ảnh: BVCC.
Theo bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Phương Thảo - khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, số trường hợp nhập viện do Metapneumovirus tại đây tăng cao đột biến từ sau kỳ nghỉ Tết âm lịch. Đặc biệt, số trường hợp viêm phổi nặng, suy hô hấp chiếm 1/3 tổng số bệnh nhi nhập viện.
Human Metapneumovirus (hMPV) là một virus mới được phát hiện từ năm 2001, có nhiều đặc điểm dịch tễ tương tự như RSV, virus hợp bào hô hấp thường gây bệnh vào dịp đông - xuân tại Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, Metapneumovirus ít phổ biến và thường không gây diễn tiến nặng.
Khi nhiễm virus, người bệnh xuất hiện các triệu chứng hô hấp trên như ho nhiều, khó thở kèm theo sốt. Sau đó bệnh tiến triển thêm với các dấu hiệu khó thở, thở khò khè, một số trường hợp nặng hơn có dấu hiệu tổn thương phổi khi chụp X-quang, viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản. Trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch là đối tượng dễ mắc bệnh và có nguy cơ diễn tiến nặng.
Tại miền Bắc, giai đoạn chuyển mùa đông - xuân thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm trong không khí cao tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh hô hấp phát triển mạnh như RSV, phế cầu, cúm, Hib… Khi đồng nhiễm Metapneumovirus cùng các vi khuẩn, virus khác thì nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, gây biến chứng sẽ tăng cao. Trẻ em là đối tượng có sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh, khi một trẻ nhiễm bệnh sẽ dễ lây bệnh cho người khác trong gia đình, trường học, khu vui chơi… từ đó bùng phát thành dịch trong cộng đồng, bác sĩ Phương Thảo nhận định.
Tiêm chủng đầy đủ hỗ trợ củng cố hệ miễn dịch cho trẻ. Ảnh: VNVC
Phòng tránh Metapneumovirus
Hiện tại, chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể về thuốc điều trị đặc hiệu hay biến chứng sau khi nhiễm Metapneumovirus. Phương pháp xử trí các trường hợp nhiễm Metapneumovirus là điều trị triệu chứng: bù nước điện giải, hỗ trợ hô hấp, nâng cao dinh dưỡng, điều trị kháng sinh khi có bội nhiễm… Do đó, các gia đình nên chủ động phòng lây bệnh bằng cách hạn chế để trẻ đến nơi đông người, tiếp xúc với những người có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi… để loại trừ nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Bố mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh, đặc biệt sau khi đi vệ sinh và trước bữa ăn. Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt vật dụng, đồ vật mà mọi người thường xuyên chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa, thiết bị di động… sẽ giúp tránh được nguy cơ tiếp xúc với virus. Các chuyên gia y tế cũng khuyến khích bố mẹ nên tiêm chủng cho trẻ đầy đủ các mũi vaccine được khuyến cáo theo chương trình tiêm chủng mở rộng và đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tốt giúp nâng cao đề kháng tự nhiên của cơ thể.
Bác sĩ Phương Thảo cho biết, khi trẻ có các dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp, bố mẹ không cần quá lo lắng vì bệnh hô hấp do virus gây ra có thể tự khỏi sau 7 ngày. Gia đình có thể chủ động theo dõi diễn tiến bệnh tại nhà bằng cách đo nhiệt độ thường xuyên, đếm nhịp thở, nghe tiếng ho, quan sát thay đổi trong ăn uống và vệ sinh của trẻ…
Nếu trẻ chưa khỏi bệnh sau 10 ngày hoặc có xuất hiện các dấu hiệu tăng nặng, nghi ngờ viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để theo dõi. Một số dấu hiệu bố mẹ cần lưu ý bao gồm: Sốt cao trên 39 độ hoặc không hạ sốt sau khi uống thuốc; ho có đờm đặc, kèm theo sốt cao; trẻ mệt mỏi, quấy khóc có thể bỏ ăn, bỏ bú. Khi trẻ có dấu hiệu thở nhanh, cần nghĩ ngay tới khả năng viêm phổi. Trẻ được xem là thở nhanh khi nhịp thở trên 60 lần/phút nếu dưới 2 tháng tuổi, trên 50 lần/phút khi trẻ 2 tháng - 1 tuổi, có dấu hiệu thở rút lõm lồng ngực nếu trẻ trên 1 tuổi. Da tím tái quanh môi, đầu các chi (tay, chân) cũng là triệu chứng cần chú ý bởi đây là dấu hiệu nặng khi trẻ bị thiếu oxy.