Thói quen ăn uống qua loa rất nhiều người đang mắc phải
Lối sống nhanh, tranh thủ thời gian từng giờ từng phút để làm việc, học tập, ngủ… đã khiến cho không ít người trẻ phải nhập viện cấp cứu.
Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhên N.V.H (16 tuổi ở HN), phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị đau bụng dữ dội. Bệnh nhân được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán nam bệnh nhân bị thủng dạ dày.
Theo Ths.BS Nguyễn Đình Liên, Khoa Ngoại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), đây là một trong những ca bệnh nhân bị viêm và thủng dạ dày trẻ tuổi được bác sĩ tại khoa tiếp nhận.
Hình ảnh bệnh nhân bị thủng dạ dày do ăn uống thiếu khoa học và căng thẳng trong học tập, ảnh BSCC.
Được biết, nam sinh H đang trong giai đoạn chuẩn bị thi vào cấp III nên việc ăn uống, sinh hoạt rất thất thường. Trong quá trình học tập H, cũng rất căng thẳng, mệt mỏi do phải học thêm, ôn thi nhiều môn liên tục.
Gia đình H, tạo mọi điều kiện cho nam sinh chỉ có ăn và học. Bữa sáng trước khi đi học H chỉ ăn bánh mỳ hoặc mỳ tôm qua loa và bỏ bữa trưa để tranh thủ ngủ. Buổi chiều trước khi đi học thêm H chỉ uống sữa hoặc nước ngọt để đi học thêm, đến tối về nhà mới ăn cơm cùng gia đình.
Trước khi vào viện, H có biểu hiện đau âm ỉ vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua nhiều. Nam sinh đã được gia đình mua thuốc giảm đau điều trị tại nhà. Khi H có bị đau bụng dữ dội gia đình đã đưa đi viện cấp cứu.
Bác sĩ Liên cho hay, rất may là cháu đến sớm, nên được bác sĩ mổ nội soi, phát hiện lỗ thủng ở dạ dày. Viêm đau, viêm loét dạ dày ở lứa tuổi học sinh thì ngày càng phổ biến và có xu thế xuất hiện càng nhiều ở trẻ nhỏ tuổi. Trường hợp thủng dạ dày thì ít gặp hơn.
Nguyên nhân thủng dạ dày
Bác sĩ Liên khuyến cáo, thói quen ăn uống không khoa học, thiếu vệ sinh, tâm lý căng thẳng, lo âu, stress …đó chính là những nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, biến thủng dạ dày hoặc ung thư hóa do loét dạ dày.
Trạng thái tâm lý lo âu, sức ép học tập lớn cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị đau dạ dày. Cha mẹ thúc ép trẻ học hành tạo cảm giác căng thẳng, học không vào đầu đối với trẻ, khiến trẻ luôn rơi vào trạng thái lo lắng thái quá dễ dàng dẫn tới những cơn đau bụng tăng dần lên.
Khi có vấn đề dạ dày nếu không được điều trị sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày…
Phòng bệnh viêm loét dạ dày ở lứa tuổi trẻ, tuổi học đường cần phải cân đối thời gian học, nghỉ ngơi, chơi; bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý. Khuyến khích cho trẻ vận động, tham gia thể dục thể thao và các trò chơi giải trí lành mạnh để bớt tâm lý căn thẳng, lo âu.
"Trẻ ở trong lứa tuổi học đường nếu xảy ra tình trạng đau bụng tái diễn, nôn hoặc buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng khó tiêu, thiếu máu, đi ngoài phân đen …thì cần đưa trẻ đến viện để được thăm khám kịp thời", bác sĩ Liên nói.