Xơ gan, nhiễm khuẩn huyết vì chủ quan với sỏi mật
Mới đây, các bác sĩ chuyên khoa gan mật của Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành mổ lần thứ 7 lấy sỏi mật cho nam bệnh nhân 65 tuổi đến từ Thanh Hóa. TS.BS Đỗ Tuấn Anh- Trưởng khoa phẫu thuật Gan mật – Bệnh viện Việt Đức cho biết, trước đó nam bệnh nhân này đã mổ lấy sỏi mật đến lần thứ 6 nên khi bị đau bụng theo cơn nhiều ngày liên tiếp rồi lại khỏi nên nam bệnh nhân đã chủ quan.
Mãi tới lần đau bụng vật vã gần đây nhất kéo dài, bệnh nhân cảm thấy không yên tâm nên đã đến Bệnh viện Việt Đức thăm khám.
Qua thăm khám và làm các chỉ định cận lâm sàng, các bác sĩ cho biết sỏi mật của bệnh nhân lại xuất hiện với các viên sỏi cứng, kết dính và bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện xơ gan. TS.BS Đỗ Tuấn Anh cùng các cộng sự đã tiến hành ca phẫu thuật lấy sỏi cho bệnh nhân. Có viên sỏi to nhất khoảng 4 cm, nhiều viên kết dính, to bằng quả trứng gà.
TS.BS Đỗ Tuấn Anh cùng e kíp phẫu thuật lấy sỏi mật lần thứ 7 cho nam bệnh nhân đến từ Thanh Hóa
“Bệnh nhân cho biết, ngày bé bị giun chịu ống mật, lần mổ đầu tiên lấy sỏi mật của bệnh nhân từ cách đây vài chúc năm, nên với trường hợp này không loại trừ lần mổ tiếp theo”- TS.BS Đỗ Anh Tuấn nói
TS. BS Đỗ Tuấn Anh cho biết, khoa thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân bị sỏi mật vì chủ quan không theo dõi đã dẫn tới biến chứng xơ hỏng gan.
Khoa Phẫu thuật gan mật đã từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân ngoài 40 tuổi đã mổ sỏi mật tới lần thứ 7, tình trạng gan của bệnh nhân đã xơ hỏng. Bệnh nhân có tình trạng rối loạn đông cầm máu, giảm tiểu cầu. Trước khi mổ, bác sĩ đã phải truyền tiểu khi chỉ số ổn định đã nhanh chóng thực hiện ca mổ.
Tuy nhiên, sức khoẻ của bệnh nhân không thể duy trì cho một ca mổ dài nên bác sĩ chỉ tán được sỏi ở nhánh gần dễ, còn sỏi ở nhánh sâu thì chưa làm được. Sau mổ bệnh nhân đã ra viện, siêu âm có hình ảnh viên sỏi li ti như hạt gạo tình trạng xơ gan vẫn còn
Trước đó, các bác sĩ phẫu thuật gan mật tụy cũng đã kịp thời cứu nữ bệnh nhân đến từ Điện Biên viện trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, gan xơ, tính mạng nguy kịch do bị nhiễm trùng đường mật do sỏi gây tắc nghẽn.
TS.BS Đỗ Tuấn Anh cho biết, bệnh nhân N.T.H (42 tuổi, tại Điện Biên) được chuyển tới Bệnh viện Việt Đức đã ở trong tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Các bác sĩ phải mổ cấp cứu cho bệnh nhân.
Do tình trạng nhiễm trùng đường mật của bệnh nhân rất nặng nên gia đình nghĩ chị khó qua khỏi đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần đưa chị về bất cứ lúc nào. Điều kỳ diệu đã xảy ra sau ca mổ 6 ngày, bệnh nhân H. đã tỉnh, sau 15 ngày bệnh nhân đã đi lại, nói chuyện được.
Được biết, trước khi vào viện, ở nhà bệnh nhân H. bị đau bụng theo từng cơn và đã đi khám nhưng không tìm ra nguyên nhân. Đau bụng tới ngày thứ 6, bệnh nhân bị ngất nên đã được chuyển từ Điện Biên xuống Bệnh viện Việt Đức với nghi ngờ sỏi mật.
Theo lời chị H., trước đó, chị đã từng mổ sỏi ống mật chủ. Cứ nghĩ mổ xong là khỏi nên chị H. không theo dõi thêm, tuy nhiên khi đến Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ cho biết, vẫn có sỏi trong đường mật của chị H., thậm chí gan đã bị xơ.
Phòng chống bệnh sỏi mật bằng cách nào?
TS.BS Đỗ Tuấn Anh cho biết, bệnh sỏi mật là một bệnh về đường tiêu hóa do sự hình thành sỏi trong túi mật gây ra. Đây là một bệnh lý thường gặp, có khoảng 20% dân số trên thế giới từng mắc phải.
Ở các nước Âu Mỹ thường gặp chủ yếu là bệnh sỏi túi mật, chiếm từ 80–90%. Trái lại ở các nước nhiệt đới nói chung và Việt Nam nói riêng, sỏi mật chủ yếu gặp ở đường mật chính, trong đó sỏi trong gan chiếm tỉ lệ 20-56%. Có khoảng 20% dân số sẽ phát triển sỏi mật trong cuộc đời của mình, trong số đó có 20-30% phát triển thành các triệu chứng bệnh.
Trong những năm gần đây, việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý sỏi mật có nhiều tiến bộ, song tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý sỏi mật chưa có xu hướng giảm xuống.
“Một số trường hợp có sỏi túi mật, sỏi trong gan không có triệu chứng rõ ràng nhưng khi có những triệu chứng đau kéo dài ở vùng mạn sườn phải: đau âm ỉ hoặc đau dữ dội lan ra sau lưng hoặc vùng thượng vị; sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng… thì cũng là lúc bệnh sỏi mật gây biến chứng nặng”- TS.BS Đỗ Tuấn Anh cảnh báo
TS.BS Đỗ Tuấn Anh cũng cảnh báo thêm, riêng sỏi ở đường mật chính, bao gồm sỏi ống mật chủ, sỏi ống gan chung và đoạn đầu ống gan phải-trái, cho dù mới chớm xuất hiện cũng gây ra các triệu chứng trầm trọng hơn sỏi trong túi mật , đây cũng là loại bệnh lý hay gây các biến chứng nguy hiểm như sốc nhiễm trùng đường mật, viêm phúc mạc mật, hoại tử đường mật và cần can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Để phòng bệnh sỏi mật, TS.BS Đỗ Tuấn Anh khuyến cáo người dân cần ăn chính, uống sôi, tẩy giun định kỳ 6-1 năm. Khi phát hiện sỏi mật, polyp túi mật và bất thường cần đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn điều trị sớm.
“Sỏi mật là căn bệnh mắc do thói quen ăn kém vệ sinh, ăn thức ăn sống có nhiễm trùng. Hiện nay, cuộc sống hiện đại mọi người thường ăn thức ăn đường phố, đồ ăn nhanh không đảm bảo vệ sinh tăng các ca bệnh mắc sỏi mật… ” TS.BS Tuấn Anh cho hay