Gia tăng số trường hợp sởi với biến chứng nặng
Khoa Truyền nhiễm (BV Nhi TW) từ đầu năm 2018 đến nay đã tiếp nhận 44 bệnh nhân nhập viện điều trị sởi, trong đó, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mới được 2 tháng, số còn lại từ 3 đến 5 tuổi, trong đó, ghi nhận 1 ca tử vong do sởi là bé trai N.K. (sinh năm 2014, ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên).
Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, số ca mắc sởi đang gia tăng trên địa bàn Hà Nội. Từ đầu năm 2018 đến ngày 19/3, Hà Nội có 38 trường hợp mắc bệnh sởi, riêng trong tuần từ ngày 12/3-18/3 tại Hà Nội có 10 trường hợp mắc.
Nhiều trẻ bị mắc sởi do sự chủ quan của người lớn nên đã có những biến chứng nguy hiểm
Ngoài ra, chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm nay, bệnh viện tiếp nhận gần 1.000 ca mắc cúm vào điều trị nội trú. BS Đỗ Thị Thúy Nga (Khoa Truyền nhiễm - BV Nhi TW) cảnh báo, người dân vẫn cho rằng bệnh ho gà, thủy đậu, cúm hay sởi là các căn bệnh thông thường, lành tính nên chủ quan.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy biến chứng viêm não, biến chứng vào nội tạng là điều có thể xảy ra.
Không chỉ những bệnh nhân có nền thể trạng không tốt, bất thường, mà những người có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh cũng có thể gặp biến chứng với diễn tiến bất ngờ.
Miễn dịch chủ động của người lớn trong cộng đồng giảm
Về tình hình dịch sởi, PGS. TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, phân tích cho thấy đến thời điểm này, số ca mắc sởi tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái với gần 90 trường hợp (trong năm 2017, cả nước chỉ ghi nhận 141 trường hợp mắc sởi, chủ yếu tại miền Bắc).
Đáng lưu ý, qua điều tra dịch tễ, trong số các trường hợp mắc sởi có 54 ca mắc (chiếm 38,3%) ở độ tuổi dưới 9 tháng tuổi. Trong đó 54 trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 55 bé không tiêm chủng, 22 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cũng bày tỏ lo ngại khi dịch sởi có thể bùng phát trong năm nay, đặc biệt với trẻ dưới 15 tuổi và dưới 9 tháng tuổi.
Hơn nữa, theo quy luật cứ 4 năm dịch sởi sẽ quay lại một lần, tại miền Bắc đã xảy ra dịch lớn năm 2013-2014 với hơn 5.000 ca mắc và trên 100 trẻ tử vong, trong khi đó tỷ lệ tiêm chủng tại nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người và các khu công nghiệp còn thấp nên nguy cơ dịch bùng phát rất lớn.
Cùng với đó, bệnh sởi lây truyền rất mạnh, miễn dịch chủ động của bà mẹ truyền cho trẻ sơ sinh để bảo vệ trong những tháng đầu đời rất thấp…
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, tại khu vực phía Nam cũng ghi nhận số trẻ mắc bệnh dưới độ tuổi tiêm chủng (vắc xin sởi và ho gà) có xu hướng gia tăng do miễn dịch cộng đồng giảm.
Một trong những nguyên nhân do tỉ lệ cộng đồng có miễn dịch với căn bệnh này còn chưa cao nên nguồn lây bệnh cho trẻ có thể từ chính ông bà, bố mẹ là những người tiếp xúc hàng ngày với trẻ.
“Ở người lớn nếu mắc bệnh biểu hiện có thể không rõ ràng nhưng được biệt với trẻ sinh, nhất là trẻ dưới 2 tháng tuổi biến chứng rất cao. Do đó việc bao phủ đối tượng tiêm chủng là vô cùng quan trọng trong phòng chống các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin”- Viện trưởng Phan Trọng Lân nói
Cơ quan chuyên môn dự báo thời tiết mùa Hè năm 2018 tiếp tục diễn biến bất thường, nóng ẩm, mưa nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh như sởi, ho gà, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản... bùng phát.
Sẽ điều chỉnh tiêm vắc xin sởi cho tre từ 6 tháng tuổi
Việc tiêm vắc xin được coi là "hàng rào" bảo vệ trẻ trước dịch bệnh
Trước nguy cơ dịch sởi có chiều hướng gia tăng, tại hội nghị phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và dịch bệnh mùa hè năm 2018 mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ rõ, thực tế miễn dịch sởi ở trẻ em thì tốt, nhưng miễn dịch của người lớn không có.
Việt Nam bắt đầu triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985, tỷ lệ tiêm chủng tăng dần hàng năm ở trẻ em vì thế có một lượng lớn người lớn không có miễn dịch.
Điều này lý giải vì sao nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin cũng mắc sởi là do không có miễn dịch từ mẹ truyền cho.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đánh giá xem lại miễn dịch của cộng đồng với bệnh sởi, đưa ra khuyến cáo tiêm vắc xin cho người lớn, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Đặc biệt, Bộ Y tế đang hoàn tất những bước thử nghiệm cuối cùng, để đẩy sớm tuổi tiêm vắc xin ở trẻ em từ 9 tháng lên 6 tháng. "Sắp tới ngành y tế có thể sẽ tổ chức tiêm vắc xin sởi cho trẻ ngay từ khi 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng như hiện nay- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh sởi
Trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7- 21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng sau:
- Sốt cao > 39°C.
- Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng.
- Chảy nước mắt, mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt.
- Ban mọc theo thứ tự, bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ. Ngày thứ 2: Ngực lưng cánh tay. Ngày thứ 3: Bụng, mông, đùi, chân. Khi ban mọc tới chân, hết sốt và ban bắt đầu bay.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau:
- Trẻ sốt cao liên tục ≥ 39°C- 40°C.
- Khó thở, thở nhanh.
- Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ…
- Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.