Nhân giống lan đột biến không quá khó
Trao đổi với Tiền Phong về cơn sốt lan đột biến hiện nay, TS. Khuất Thị Hải Ninh cho biết: “Về nguyên lý thì lan nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô từ vật liệu ban đầu là kie và lan tách từ kie để nhân giống đều là phương pháp nhân giống vô tính.
Trong đó, nuôi cấy mô phụ thuộc vào nguồn vật liệu ban đầu. Đối với lan nếu ta dùng quả để nuôi cấy trong ống nghiệm nhằm mục đích nhân giống thì bản chất của nó vẫn là nhân giống hữu tính.
Nói đơn giản thì cách này giống như hình thức lấy hạt để gieo ngoài tự nhiên. Do đó, tất cả những cây được sinh ra bằng phương pháp nuôi cấy này sẽ phân ly giống như hình thức ta gieo hạt. Lúc ấy, cây sẽ có những hình thái khác nhau do có kiểu gen không đồng nhất.
Nhưng nếu như chúng ta lấy kie lan để nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô thì những cây sinh ra từ phương pháp này sẽ có kiểu gen như nhau và giữ nguyên đặc điểm của cây mẹ lấy kie ban đầu”.
TS. Khuất Thị Hải Ninh ( Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp - Trường Đại học Lâm Nghiệp).
TS. Khuất Thị Hải Ninh khẳng định, việc nhân giống lan đột biến bằng phương pháp nuôi cấy mô là hoàn toàn khả thi. “Điểm ưu việt của việc nhân giống lan đột biến bằng phương pháp nuôi cấy mô so với phương pháp tách kie ban đầu là có hệ số nhân giống cao.
Nếu hoàn thiện được quy trình nhân giống lan đột biến bằng nuôi cấy mô thì chỉ cần có vài kie ban đầu, chúng ta có thể nhân đến hàng vạn, hàng triệu cây.
Trong khi đó, nếu làm thủ công thì một kie chỉ ra được 1 cây, xong từ cây đó lại sinh trưởng và tạo ra các kie mới nên số lượng cây giống ra được sẽ ít hơn và mất thời gian hơn. Đồng thời độ trẻ hóa của cây nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô cũng hơn hẳn cây tách kie.
Tuy nhiên, để hoàn thiện quy trình nhân giống lan đột biến bằng phương pháp nuôi cấy mô đòi hỏi khá nhiều thời gian, công sức và vốn đầu tư để nghiên cứu mới có thể công bố bản quyền một giống lan đột biến hoàn chỉnh và phát triển để nhân giống đại trà”.
Cảnh giác với chiêu trò rao bán giống lan đột biến nuôi cấy mô từ kie
Nói về hiện tượng nhiều người bị lừa đảo do mua lan nuôi cấy mô được bán tràn lan trên mạng với giá thành rẻ, TS. Khuất Thị Hải Ninh nhận định: “Vài năm nay gần đây, thị trường lan đột biến trong nước rộ lên thông tin cho rằng một số nhà vườn đã nuôi cấy mô loại hoa cảnh này thành công và bán tràn lan trên thị trường nhưng tôi cho rằng việc sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống lan đột biến rồi cung cấp cho người trồng ở Việt Nam là chưa có.
Còn ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan,…có thể họ đã nghiên cứu từ lâu thì mới ra được cây con có mặt hoa y chang cây mẹ, với điều kiện là nuôi cấy mô từ kie lan mẹ.
Nếu lấy quả lan làm vật liệu ban đầu để nuôi cấy thì phải sau 1 năm mới có cây để giao cho người trồng.
Nhưng nếu sử dụng kie lan làm vật liệu ban đầu thì phải mất vài năm mới ra được số lượng cây con nhiều. Bên cạnh đó, rất khó để lấy được 1 kie lan làm mẫu sạch ngay lần đầu để nhân giống mà có thể phải mất hàng trăm kie hay thậm chí nhiều hơn nữa để nghiên cứu.
Trong khi đó, ở Việt Nam một kie lan hiếm có độ dài vài cm được đẩy lên giá vài triệu đến trăm triệu, hoặc cả tỉ đồng nên không một nhà trồng lan nào dám chấp nhận độ rủi ro quá lớn ấy ra để đưa số lượng lớn kie lan cho nhà nghiên cứu thử nghiệm.
Còn việc thị trường xuất hiện tràn lan nhiều giống lan được nuôi cấy mô thì có thể họ dùng quả lan để đưa đến các phòng nuôi, cấy mô rồi nhân giống, nhưng cây sinh ra từ cách này sẽ bị phân ly, không giữ được mặt hoa và bị biến đổi rất nhiều mặc dù vẫn giữ được một số đặc trưng chung”.
Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp - Đại học Lâm nghiệp đã nhân giống In vitro thành công nhiều loại hoa Lan (Phi điệp Trắng, phi điệp tím, Trầm tím, Đai châu, Quế lan hương, Tam bảo Sắc) và hoa Dạ,…
Nhận định về thị trường lan đột biến dưới góc nhìn chuyên gia, bà Hải Ninh : “Tôi thấy hiện tại nhiều người chơi lan nhưng theo suy nghĩ là muốn làm giàu nhanh, họ mong muốn đầu tư vào để bán đi bán lại rồi thu lợi nhuận chứ không phải là thú chơi đơn thuần.
Còn số người có điều kiện kinh tế, có thể bỏ ra số tiền lớn để mua lan đột biến là không nhiều, và những người mới bắt đầu tham gia, không am hiểu về vấn đề của lan đột biến thì độ rủi ro rất cao.
Bởi vì, đến một thời điểm nào đó, khi thị trường lan đột biến bị “chững” lại thì người mới chơi là những đối tượng dễ bị ‘tổn thương’ nhất.
Lan thì đúng là rất đẹp nhưng mà nên chơi ở mức độ thưởng thức thôi, còn bỏ ra hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng để đầu tư thì cần phải thật cảnh giác với những rủi ro luôn rình rập”.
Trắng tay vì lan đột biến
Theo cơn sốt lan đột biến đang lên cao, cũng xuất hiện vô số chiêu trò lừa đảo tinh vi đẩy nhiều người rơi vào cảnh trắng tay.
Cuối tháng 7/2020, ông N. ở Phú Thọ làm đơn trình báo tới cơ quan công an về việc mình bị một số đối tượng lừa bán lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ thông qua mạng xã hội Facebook với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Một giống lan đột biến đang gây sốt trên thị trường hiện nay
Từ tháng 7 tới nay, công an một số tỉnh, thành đã ra văn bản cảnh báo về rủi ro từ phong trào chơi lan, nhất là lan đột biến gen và lưu ý người tham gia thị trường lan có nguy cơ phát sinh tranh chấp sau giao dịch hoặc bị lừa đảo, đa cấp trái pháp luật...
Công an tỉnh Nghệ An cũng đang xác minh, làm rõ một số người bị tố có hành vi lừa đảo liên quan hoạt động mua bán lan đột biến. Theo tố giác, nhóm người này đến Nghệ An thuê nhà trồng lan rồi lên mạng xã hội “thổi giá”, bán cho người khác.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho rằng: “Người mua hoa lan cần cẩn thận, tránh hám lợi tới mức đầu tư liều lĩnh, thiếu căn cứ bởi tôi tin hoa lan dù quý đến đâu cũng không thể có giá hàng tỷ đồng như nhiều người mua bán trên mạng”.
Luật sư Thơm đánh giá thêm: “Những người bán hoa lan có thể bị xử lý hình sự nếu gian dối trong quảng cáo hoặc tạo các giao dịch ảo để lừa người khác mua.
Như tôi biết, công an tại Hòa Bình đã bắt một số người có hành vi gắn hoa của cây lan đột biến vào cây lan thường để bán cho người khác, những đối tượng này bị điều tra về tội lừa đảo là chính xác.
Ngoài ra, với những nhóm người mua đi bán lại để đẩy giá hoa lan lên cao hơn giá trị thực, thu hút người khác tham gia rồi kiếm lời cũng có dấu hiệu của hành vi gian dối nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cũng cần phải xử lý hình sự”.