Shisa điện tử là một tổ hợp từ các công cụ, tinh dầu hoạt động như thuốc lá điện tử tuy mới du nhập vào nước ta thời gian gần đây nhưng với tình trạng nhiều người lạm dụng vô tội vạ đã gây ra những mối lo ngại về sự độc hại cho những ai sử dụng, nhất là giới trẻ.
Thú chơi tốn kém của con nhà giàu
Tình cờ bắt gặp một nhóm bạn trẻ đang ngồi nhả từng ngụm khói đặc quánh trong một quán cà phê thuộc địa bàn quận Phú Nhuận, chúng tôi liền bắt chuyện và hỏi thăm.
Không chút do dự, D – khoảng 20 tuổi mời chúng tôi hút thử kèm lời “quảng cáo” rằng thứ này “phê” hơn thuốc lá rất nhiều, lại an toàn và không gây nghiện.
Để thêm phần sành chơi, D lấy ra từ trong túi rất nhiều loại tinh dầu được đóng trong các loại chai thủy tinh rồi cho lên ghế.
Với thao tác thuần thục, D mở chiếc hộp (dạng ống điếu hình khối chữ nhật) rồi tháo ra viên pin của chiếc máy hút shisa chuyên nghiệp này.
D giải thích, để hút shisa điện tử thì việc mua một chiếc máy tốt rất quan trọng và khá tốn kém. Sau mấy câu, D cho một ít tinh dầu mùi thơm của quả dâu tây vào buồng đốt của chiếc máy rồi lắp pin vào, gắn đầu hút.
Với nguyên lý đốt cháy tinh dầu ngấm trong một lớp chất xốp bằng sức nóng của viên pin nên khi D hít một hơi thì lượng khói tỏa ra rất nhiều kèm mùi thơm.
D cho biết, muốn chơi loại shisa điện tử này thì nên chọn quán cà phê nào thoáng, ít người thì hút mới thoải mái được vì khi phun khói ra thì rất nhiều người tỏ vẻ khó chịu. Tuy vậy, D tin rằng nó không gây độc cho ai cả vì khói chỉ bay vào không khí rồi tan đi.
Ngồi cạnh D là 3 thanh niên tầm đôi mươi nữa, có người là người ngoại tỉnh. D nói nhóm bạn thi thoảng tập trung lại với nhau để trao đổi tinh dầu, các loại máy hút shisa, coi như là giao lưu với nhau.
Khi chúng tôi hỏi thì D nói đã hút loại này khoảng hơn 1 năm nay. Ban đầu hút thì hay bị sặc khói, có lần bỏ cả cơm nhưng sau thì quen dần rồi “lên đô” lúc nào không hay.
Không như thuốc lá, chỉ cần mua thuốc rồi cho vào mồm hút, shisa thì khác, người chơi buộc phải mua máy, tinh dầu theo sở thích của mình. G – bạn của D – cũng thừa nhận thú chơi này không phù hợp với con nhà nghèo.
Lúc mới chơi, G đã phải mua 2 chiếc thân máy, buồng đốt và một số tinh dầu với số tiền lên đến gần chục triệu đồng.
Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ vì cứ hễ mỗi khi đi giao lưu, thấy người ta chơi loại tinh dầu mới, có loại phụ kiện mới thì cách gì cũng phải bỏ tiền ra sắm thêm, không thì “coi quê độ lắm” – D – kể.
Để tiết kiệm tiền cũng như tận dụng tinh dầu mà mình chưa sắm nổi, G và D cùng khoảng 6 người nữa tạo thành nhóm, sử dụng chung để thêm phần phong phú dù điều kiện gia đình của các thành viên cũng thuộc loại khá giả.
Độc hại hơn cả thuốc lá
Theo những gì mà G giải thích với chúng tôi thì hiện nay trên mạng có rất nhiều trang web, mạng xã hội rao bán các loại công cụ hút và tinh dầu để phục vụ thú chơi này. Thứ đắt đỏ nhất là máy hút.
Theo lời G thì có chiếc máy với công suất pin lớn, buồng đốt rộng và loại xốp tốt thì giá lên đến 5-7 triệu đồng. Mua loại này về thì lượng khói rất lớn, hút “phê” hơn những loại có giá thành thấp.
Đó là chưa kể các loại tinh dầu bán kèm theo. D cho biết, loại tinh dầu bình thường có mác ghi sản xuất tại Malaysia, Trung Quốc thì tầm 300-500 nghìn đồng/lọ 50ml.
Tuy nhiên, muốn chứng tỏ sành điệu thì dân chơi phải mua loại có nguồn gốc từ các nước châu Âu hoặc Trung Đông.
Giá của 1 loại tinh dầu loại “cao cấp” này có khi lên đến 1-2 triệu đồng/lọ 10ml.
Để chứng minh với chúng tôi về điều đó, một tay D mở điện thoại giới thiệu hàng loạt trang web rao bán những mặt hàng này, tay thì kê miệng vào máy rít một hơi dài trước khi thả ra một làn khói dày đặc, khó chịu.
Dù trong suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi, nhóm của G vẫn khẳng định shisa điện tử không gây độc và không gây nghiện nhưng kết quả nghiên cứu khoa học về loại thuốc lá điện tử này lại hoàn toàn khác vơi những nhận định non nớt đó.
Dù tại nước ta chưa có kết quả nghiên cứu chính thức về tác hại của thuốc lá điện tử, shisa điện tử nhưng ở nước ngoài thì đã có những kết luận rất nghiêm túc về vấn đề này.
Theo kết luận của các nhà khoa học thuộc Đại học Portland được đăng trên Tạp chí Y Khoa New England (số ra ngày 21.1.2015), sau khi tiến hành kiểm tra lượng chất Formaldehyde, một chất khí không màu do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị.
Đây là chất hóa học độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài.
Theo các chuyên gia, cứ 3ml chất lỏng được đốt nóng sẽ tạo ra 14mg chất Formaldehyde. Với người thường xuyên hút 1 bao thuốc/ngày, lượng Formaldehyde “nạp” vào cơ thể là 3 mg/ngày.
Với liều lượng như vậy, nguy cơ ung thư ở những người hút thuốc lá điện tử lâu năm sẽ cao từ 5-15 lần so với những người nghiện thuốc lá thường.
Trước nghiên cứu này, tại Nhật Bản cũng đã có cảnh báo về nạn lạm dụng thuốc lá điện tử. Theo các nhà khoa học thuộc Bộ Y tế Nhật Bản thì thuốc lá điện tử chứa lượng chất gây ung thư cao gấp 10 lần so với các loại thuốc hút thông thường.
Với những căn cứ khoa học như vậy thì việc lạm dụng thuốc lá điện tử, sau này là shisa điện tử hiện nay đang thật sự là một hiểm họa đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là với các bạn trẻ.
Hiện nay, việc hút shisa truyền thống đang dần bị các cơ quan chức năng cấm thì việc phổ biến các loại thuốc lá điện tử này hiện đang vẫn nằm ngoài vòng kiểm soát, việc mua bán còn diễn ra rất công khai.
Thiết nghĩ, sắp tới các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn nữa đối mặt hàng độc hại này.