Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội đều triển khai dạy và học online và phần mềm miễn phí trên mạng.
Thời gian gần đây, một số phụ huynh đã phản ánh đến đường dây nóng của Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em (111) về nguy cơ trẻ bị kẻ xấu nhắn tin, xâm hại trên môi trường mạng.
Phóng viên VOV phỏng vấn bà Nguyễn Thuận Hải, Tổng đài trưởng Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em (Cục Trẻ em-Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về nội dung này.
Hình ảnh tin nhắn dụ dỗ trẻ em chụp ảnh được phụ huynh chụp lại khi trẻ học online
PV: Thưa bà, một số phụ huynh đã phản ánh, quá trình học online, các con có nhận được tin nhắn từ người lạ dụ dỗ tham gia cuộc thi ảnh với yêu cầu chụp ảnh mà không mặc quần áo trên người. Vậy thông tin này có chính xác không?
Bà Nguyễn Thuận Hải: Về những việc mà một số bài báo cảnh báo, thực ra là không phải bây giờ trẻ học online mới xảy ra, mà trước đây cũng rất nhiều trường hợp trẻ em bị quấy rối, gọi chung là xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Có rất nhiều nguy cơ rủi ro không phải đến bây giờ mới thấy rõ điều đó. Trước đây, rất nhiều trường hợp Tổng đài 111 cũng đã phải can thiệp và hỗ trợ. Tuy nhiên đợt này, Tổng đài tiếp nhận được một số trường hợp phụ huynh gọi thông tin và chúng tôi cũng đều có những hỗ trợ nhất định.
Ví dụ như nếu trường hợp trẻ tiếp cận những hình ảnh đó, có những phản ứng tâm tư, chúng tôi tư vấn trực tiếp cho phụ huynh và trẻ em.
Đồng thời, những trường hợp này chúng tôi đều gửi thông tin cho Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin Truyền thông. Có những trường hợp chúng tôi gửi tới Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an.
Trường hợp thông qua báo chí phản ánh, chúng tôi cũng đã chuyển thông tin sang Cục An ninh mạng, Bộ Thông tin Truyền thông và chờ phản hồi thông tin xác minh xem địa chỉ này xuất phát từ đâu. Sau đó, họ sẽ chuyển cho Cơ quan điều tra để có thể xử lý nếu liên quan đến yếu tố hình sự
PV: Trước thực trạng này, Tổng đài 111 đã có những giải pháp gì để ngăn chặn việc các đối tượng xấu xâm hại trẻ em?
Bà Nguyễn Thuận Hải: Chúng tôi cũng đang có những hướng dẫn cụ thể hơn để trẻ và gia đình có những nhận biết, đặc biệt là nhận biết những nguy cơ xâm hại trẻ em liên quan đến những yếu tố rủi ro và có những hướng dẫn kỹ năng.
Hiện nay, chúng tôi đang cùng với Tổ chức UNICEF và một số Tổ chức quốc tế khác biên soạn tài liệu liên quan để có thể dẫn tới phụ huynh và trẻ em. Chúng tôi cũng sẽ sớm gửi tài liệu này.
Hiện nay, Cục Trẻ em có một số phương tiện truyền thông đại chúng có thể chuyển tải nội dung như: Kênh truyền hình Vì trẻ em, các chương trình của đường dây nóng.
Chúng tôi cũng hợp tác truyền thông rộng rãi với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài TNVN, trên mạng xã hội để trẻ em dễ dàng tiếp cận hơn. Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, Truyền hình Vì trẻ em sẽ cố gắng để có thể đưa lên nhiều hơn nữa các thông tin cảnh báo và hướng dẫn.
PV: Bà có lời khuyên cũng như có cảnh báo gì cho các bậc phụ huynh, giáo viên và các em học sinh khi các em phải sử dụng mạng internet hàng ngày ở nhà?
Bà Nguyễn Thuận Hải: Hiện nay, phần lớn học sinh các trường đang sử dụng những phần mềm như là Zoom hay là phần mềm có chức năng bảo vệ an toàn cao hơn như Google class room chẳng hạn.
Tuy nhiên, có những cái chúng ta cũng chưa thẩm định hẳn là miễn phí có tốt hay không tốt nên các phần mềm trẻ học hiện nay theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các em vẫn phải hoàn thiện theo đúng chương trình học theo quy định.
Tuy nhiên, khi các em sử dụng internet để học như thế, sẽ có những trang web lạ hiện lên thì nhất thiết các em không được mở, đặc biệt thấy những hình ảnh, những yếu tố không phù hợp, hay thấy những người lạ thì các con không được phép mở ra hoặc không kết bạn, không trò chuyện, không mở webcam với những người mà mình không biết là ngoài đời thực.
Những gì các con cảm thấy lo lo lắng, không an toàn thì phải báo ngay với cha mẹ mình hoặc gọi cho Tổng đài 111. Với cha mẹ thì nên dùng phần mềm diệt virus hoặc có những bộ lọc, cài vào máy tính có thể hạn chế được phần nào đó những nội dung người lớn mà trẻ em có thể truy cập vào.
Đặc biệt, cha mẹ phải thường xuyên theo dõi con mình, cũng phải biết các con vào những trang gì. Thường xuyên trò chuyện với con để biết con thích chương trình gì để hỗ trợ con một cách tốt nhất, chia sẻ nhưng gì trẻ thấy lo sợ hoặc thấy không an toàn.
Xin cảm ơn bà!./.