Thói quen cứ thấy đau ở đâu là tìm đến một "bác sĩ vườn" tiêm khiến không ít bệnh nhân phải cấp cứu, thậm chí mất mạng.
Hoại tử chân tay
Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang từng tiếp nhận bệnh nhân Hứa Thị C. trú tại xã Linh Phú, Chiêm Hóa, Tuyên Quang trong tình trạng chân trái sưng tấy đỏ, loét chảy mủ, hoại tử toàn bộ đùi và cẳng chân trái.
Người nhà bệnh nhân C. cho biết: Bà C. thường đau mỏi xương khớp toàn thân, nhất là vai và chân, nghe người cùng làng nói có "Thần y – Đau đâu tiêm đấy" đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người, nên bà đã bảo con cháu trong gia đình đưa đi tiêm.
Sau tiêm khoảng 3 ngày, thấy chân sưng nề, đau nhiều và chảy mủ nên gia đình đã đưa bà đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để khám và điều trị bệnh.
Bác sỹ CKI Lê Mậu Thành - Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong hơn 2 tuần điều trị, các bác sỹ đã thực hiện 3 lần phẫu thuật, gồm 2 lần cắt lọc tổ chức hoại tử và 1 lần vá da, điều trị nâng cao thể trạng, chăm sóc tích cực.
Đây không phải là một trong những trường hợp hiếm, trường hợp này chỉ là may mắn bệnh được bác sĩ cứu nếu không nguy cơ thiệt mạng vì nhiễm trùng máu rất cao.
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn P. 67 tuổi, trú tại Đông Hưng, Thái Bình cũng tương tự. Ông P. bị đau lưng vì ngại đến bệnh viện khám nên ông đến nhà một người bán thuốc để tiêm.
Kết quả, sau khi tiêm 3 ngày ông thấy đỡ nên tiêm thêm và đến lần tiêm thứ 4 ông đã qua đời do sốc thuốc tiêm.
Sáng ngày 9/8, bác sĩ Tô Thanh Mai bị viêm phế quản mạn tính và đang là trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Tâm, Hữu Lũng, Lạng Sơn. Sau khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ đã ra mở cốp xe máy lấy lọ thuốc cefotaxim (của Ấn Độ), tự tay pha thuốc, rồi nhờ điều dưỡng Tuấn tiêm tĩnh mạch.
Khi điều dưỡng Tuấn tiêm hết 10ml dung dịch thuốc thì bác sĩ Mai có biểu hiện rét run, buồn nôn. Bác sĩ Mai nhờ Tuấn lấy 1 ống Soli-medol 40mg tiêm tĩnh mạch. Sau tiêm, bác sĩ Mai co quắp, tím tái và tiếp tục bảo Tuấn lấy chai Natriclorid 0.9% để truyền.
Sau khi tiêm Natrclorid, nhân viên y tế của trạm đưa bác sĩ Mai lên Trung tâm y tế huyện Hữu Lũng cấp cứu nhưng diễn biến xấu nên bác sĩ này được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, đến ngày 10/8 thì bệnh nhân đã không qua khỏi.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ - sau trường hợp của bác sĩ Mai tình trạng tự ý tiêm truyền lại được cảnh báo thêm nữa tuy nhiên hầu như ngày nào cũng có nạn nhân của tình trạng này.
Tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ do các mũi tiêm mà bệnh nhân tự đi tiêm.
Bệnh nhân Nguyễn Văn T. 45 tuổi bị đau lưng nên đến nhà một bà lang nhờ tiêm và truyền. Kết quả, sau 3 ngày bệnh nhân bị sốt cao và có dấu hiệu suy hô hấp do sốc nhiễm trùng.
Gia đình vội vàng đưa đến bệnh viện cấp cứu và chuyển lên bệnh viện Bạch Mai với tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng máu do tụ cầu vàng và biến chứng suy đa phủ tạng.
Nguy cơ từ đau đâu tiêm đó
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho biết trước đến nay bệnh viện vẫn hay gặp bệnh nhân là nạn nhân của việc tiêm truyền của các bà lang, thầy lang vườn.
Trong đó có những bệnh nhân bị sốc phản vệ, nhiễm trùng huyết do nhiễm trùng vết tiêm.
Có những bệnh nhân đau lưng thì phù nề hoại tử vùng lưng, có bệnh nhân tiêm khoeo chân thì bị phù nề hoại tử ở vùng khoeo chân dẫn đến nhiễm trùng máu, nguy cơ tử vong rất cao. Nếu cứu thành công thì cũng để lại biến chứng và chi phí điều trị vô cùng đắt đỏ.
BS Cấp cho biết, trước đây, bệnh viện cũng gặp một vài trường hợp tương tự. Nguyên nhân nhiễm trùng do kỹ thuật tiêm không chuẩn, không đảm bảo vô trùng khiến vi trùng trên da xâm nhập qua vết tiêm gây nhiễm trùng.
Chưa kể đến việc liều thuốc sử dụng không đúng đặc biện là thói quen lạm dụng các thuốc giảm đau có chứa corticoid vì thuốc này rất nhạy, giảm đau nhanh nên người bệnh chuộng mà bác sĩ cũng thích tiêm để người bệnh nhân khỏi, tiếng lành đồn xa càng nhiêu người đến tiêm hơn.