Hình minh họa.
Theo lời bệnh nhân kể lại, trưa cùng ngày nhập viện, bệnh nhân ăn rau bí mới phun thuốc trừ sâu cách đây 4 ngày. Sau khi ăn, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tê môi, đau lưỡi và được gia đình đưa vào viện điều trị.
Ngay sau khi tiếp nhận, qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc thuốc trừ sâu. Sau khi được các y bác sĩ cứu chữa kịp thời, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Theo các bác sĩ, thuốc trừ sâu được sử dụng để bảo vệ cây trồng chống lại côn trùng, cỏ dại, nấm và các loài gây hại khác. Thuốc trừ sâu có khả năng độc hại đối với con người và có thể gây ảnh hưởng sức khỏe cấp tính và mãn tính, tùy thuộc vào hàm lượng và phương thức mà một người tiếp xúc.
Biểu hiện của ngộ độc thuốc trừ sâu cấp tính bao gồm các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, nhức đầu và sốt nhẹ, thậm chí có thể có hiện tượng chảy nhiều nước bọt, da lạnh, mạch đập chậm, con ngươi hay đồng tử của mắt co lại.
Trường hợp bị ngộ độc nặng, có thể bị giật các thớ cơ, co giật, bất tỉnh... Các triệu chứng này có thể xảy ra nhanh trong vòng vài giờ sau khi ăn uống, hoặc có thể kéo dài hơn sau nhiều giờ hoặc nhiều ngày thậm chí có thể sau 1 - 2 tuần lễ tùy vào loại và mức độ ngộ độc.
Các trường hợp ngộ độc thuốc trừ sâu nếu được cấp cứu kịp thời sẽ tăng tỷ lệ sống và phục hồi cho người bệnh. Để hạn chế nguy cơ tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu, các bác sĩ cảnh báo:
Người dân cần đọc kĩ hướng dẫn trước khi sử dụng. Khi đi phun thuốc trừ sâu phải quay lưng đi lùi lại với chiều gió không để thuốc tạt vào người, mang khẩu trang loại chuyên dùng chống độc, đeo kính, mặc áo nilông hay áo mưa dài tay.
Thuốc trừ sâu cần bảo quản, cất giữ ở nơi kín đáo, cần để xa tầm tay trẻ nhỏ có thể khóa lại trong tủ. Đặc biệt, không dùng các chai đựng nước, chai bia, nước ngọt để đựng thuốc trừ sâu vì rất dễ nhầm đem ra uống…
Sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản đúng cách. Ngừng dùng thuốc trước khi thu hái 7 - 10 ngày.
Ngay khi phát hiện người bị ngộ độc thuốc trừ sâu cần chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu giải độc kịp thời.